Ngành nhựa cần phải đề xuất và ban hành một bộ tiêu chí xanh riêng của ngành.
TS Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Công ty TNHH DV & KT Môi trường Bảo Châu:
Hiện nay, ô nhiễm rác thải nhựa đang là một vấn đề nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Ngành nhựa đang tăng trưởng rất ấn tượng, nhưng đồng thời, ngành nhựa cũng đang phải đối diện với những thách thức, do đó, cần phải có những bước đi chuyển đổi nhằm phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Chuyển đổi xanh hiện nay không còn là xu hướng để các doanh nghiệp lựa chọn thực hiện hay không thực hiện, mà chuyển đổi xanh đã là yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ. Đối với ngành nhựa, chuyển đổi xanh cũng đang trở thành một nhu cầu, một vai trò mà trong phần sản xuất có trách nhiệm, cũng là những đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp ngành. Chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ nếu như không có sự chung tay của các doanh nghiệp, các ngành nghề.
Trong chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp thường tập trung vào năng lượng, trong đó, điện năng là chủ yếu. Tuy nhiên, một yếu tố khác cũng rất quan trong và cần được các doanh nghiệp chú trọng, đó chính là “dấu chân của nước”. Các doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn năng lượng này, không sử dụng nguồn năng lượng khác, nhưng điện và nước thì doanh nghiệp nào cũng sẽ phải sử dụng. Khi các doanh nghiệp chưa quan tâm đến phần nước thì cũng sẽ không quan tâm đến “dấu chân của nước”.
Trong khung kỹ thuật về RECP có một phần rất quan trọng, đó là chúng ta sẽ phải quản lý các nội vi của một doanh nghiệp, có nghĩa là phải bắt đầu bằng nội tại của chính bản thân các doanh nghiệp đó, nếu quản lý nội vi tốt thì sẽ là khởi điểm để chúng ta có thể thực hiện được tất cả các hành vi sau này.
Một yếu tố nữa, khi nhắc đến chuyển đổi xanh thì thường đi kèm với kinh tế tuần hoàn. Một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề về rác thải nhựa hiện nay thay vì chôn lấp và đốt bằng phương pháp thông thường, thì đã có công nghệ mới đó là tái chế và tạo ra các viên nén nhựa. Viên nén nhựa này sẽ được sử dụng cho các nồi hơi và các lò hơi. Khi sử dụng 1kg viên nén nhựa sẽ giảm được 1/3 lượng phát thải khí nhà kính.
Thay vì kết thúc vòng đời của sản phẩm bằng cách phân loại rác thải tại nguồn và kết thúc tại đó thì chúng ta sẽ kéo dài vòng đời của sản phẩm khác phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng. Đối với mỗi doanh nghiệp, việc kéo dài vòng đời của sản phẩm cũng là một trong những trách nhiệm xã hội mà mỗi doanh nghiệp đều phải thực hiện.
Trong xu thế hiện nay, với những đóng góp to lớn cho xã hội cũng như cho nền kinh tế, ngành nhựa cần phải đề xuất một bộ tiêu chí xanh (tiêu chí cơ sở) cho riêng ngành nhựa, (tương tự như Cục Hàng hải Việt Nam đã ban hành Bộ tiêu chí cảng xanh vào năm 2022). Khi có bộ tiêu chí xanh này, các doanh nghiệp trong ngành sẽ dựa vào đó để thực hiện, trong khi chờ Chính phủ ban hành.