Tiêu thụ khó khăn, thêm hai doanh nghiệp ngành thép lỗ đậm

ĐÌNH ĐẠI 30/07/2023 16:00

Trong bối cảnh sản lượng thép tiêu thụ sụt giảm, giá thép lại liên tục điều chỉnh giảm sâu, khiến kết quả kinh doanh trong quý II của nhiều doanh nghiệp ngành thép lỗ nặng.

>>>Doanh nghiệp ngành thép vẫn chưa hết khó

Bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành thép trong quý II vẫn chưa được cải thiện khi báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp vẫn cho thấy kết quả kinh doanh ảm đạm. Nổi bật trong số này là Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC), với kết quả kinh doanh lỗ hơn 400 tỷ đồng.

Thép SMC lỗ hơn 400 tỷ đồng trong quý II.

Thép SMC lỗ hơn 400 tỷ đồng trong quý II.

Cụ thể, báo cáo tài chính quý II/2023 của SMC cho thấy, doanh thu thuần của doanh nghiệp giảm 50%, xuống còn 3.291 tỷ đồng. Do kinh doanh dưới giá vốn, nên doanh nghiệp lỗ gộp 87 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 211 tỷ đồng.

Bên cạnh sự suy giảm từ hoạt động cốt lõi, doanh nghiệp ngành thép này còn chịu sức ép lớn từ mức tăng mạnh của các khoản chi phí. Theo đó, tăng mạnh nhất là chi phí quản lý doanh nghiệp, với mức tăng 578% so với cùng kỳ, lên 214 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng nợ xấu 180 tỷ đồng; Kế đến là chi phí lãi vay tăng 65%, lên 73 tỷ đồng.

Kết quả, doanh nghiệp ngành thép SMC lỗ sau thuế 414 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 45 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ lớn thứ hai trong lịch sử hoạt động của SMC chỉ sau khoản lỗ 515 tỷ đồng trong quý IV/2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, SMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.178 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế 393 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 126 tỷ đồng. 

Doanh nghiệp cho biết, tình hình vĩ mô thế giới và ngành thép còn nhiều khó khăn và biến động khó lường. Kinh tế Trung Quốc chưa hồi phục tích cực gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thép, làm cho giá thép liên tục giảm và duy trì ở mức thấp.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trong nước trầm lắng, các giải pháp và chính sách tháo gỡ của Chính phủ chưa thực sự phát huy hiệu quả... ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, do phải trích lập các khoản dự phòng khiến SMC lỗ.

Liên quan đến các khoản trích lập dự phòng, tại cuối quý II, SMC đang trích lập dự phòng 231 tỷ đồng cho khoản phải thu 1.284 tỷ đồng bao gồm: TNHH Delta - Valley Bình Thuận phải thu 441 tỷ đồng, trích lập 71 tỷ đồng, TNHH BĐS Đà Lạt Valley phải thu 169 tỷ đồng, trích lập 22 tỷ đồng, TNHH The Forest City phải thu 132 tỷ đồng, trích lập 19 tỷ đồng, Hưng Thịnh Incons phải thu 63 tỷ đồng, trích lập 23 tỷ đồng và các đối tượng khác phải thu 480 tỷ đồng, trích lập 97 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành thép cũng có kết quả kinh doanh lỗ nặng là Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP (HoSE: TVN), với khoản lỗ trong quý II cũng lên đến 284 tỷ đồng.

VnSteel cũng trải qua quý kinh doanh thua lỗ 284 tỷ đồng.

VnSteel cũng trải qua quý kinh doanh thua lỗ 284 tỷ đồng.

Cụ thể, trong quý II, doanh thu thuần của TVN đạt 6.754 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Giá vốn mặc dù cũng giảm tương đương, nhưng vẫn cao, khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ còn 94 tỷ đồng, giảm mạnh 57% so với cùng kỳ năm trước.

>>>Giải pháp nào bảo vệ ngành thép trong nước?

Trong kỳ, doanh thu tài chính được cải thiện 15% đem lại 204 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm 11% xuống còn 108 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng được tiết giảm 55% xuống còn 38 tỷ đồng, tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 23% so với cùng kỳ lên 131 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn ghi nhận khoản lỗ gần 324 tỷ đồng trong công ty liên doanh, liên kết. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến TVN báo lỗ sau thuế 284 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 40 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TVN đạt 15.097 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 216 tỷ đồng. Với kết quả ảm đạm này, doanh nghiệp còn cách rất xa kế hoạch lợi nhuận của năm.

Kết quả kinh doanh ảm đạm của SMC và TVN đã phản ảnh phần nào bức tranh kinh doanh của ngành thép vẫn chưa thể vượt qua cơn bĩ cực và phục hồi như kỳ vọng của các doanh nghiệp trong ngành.

Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang đối diện với áp lực lớn từ thép nhập khẩu - Ảnh minh họa.

Ngoài khó khăn do sức tiêu thụ và giá thép giảm, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng đang đối diện với áp lực lớn từ thép nhập khẩu - Ảnh minh họa.

Theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp ngành thép ngoài việc đối diện với khó khăn do nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm sụt giảm mạnh không chỉ ở trong nước, mà còn trên phạm vi toàn cầu đã tác động đến giá bán thép, khiến giá thép liên tục sụt giảm. Các doanh nghiệp ngành thép cũng đang đối diện với áp lực cạnh tranh rất lớn từ thép nhập khẩu, đặc biệt, là thép Trung Quốc.

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang gặp nhiều khó khăn do không thể tiêu thụ được sản phẩm, hàng tồn kho lớn, thì gần như các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế bằng 0%. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ. Các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực... đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào, gây áp lực cạnh tranh rất lớn lên các doanh nghiệp trong nước.

Đứng trước những khó khăn của ngành thép, mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất xem xét xây dựng hàng rào kỹ thuật cho các sản phẩm thép sản xuất trong nước và nhập khẩu, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước cũng như chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Mặc dù vậy, chuyên gia cũng cho rằng, điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 là chính sách thúc đẩy đầu tư công, nhằm củng cố đà tăng trưởng dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Theo đó, các giải pháp mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án xây dựng, giao thông… có thể sẽ giúp thị trường thép khởi sắc hơn, bù đắp phần nào cho sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản nhà ở.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp ngành thép vẫn chưa hết khó

    Doanh nghiệp ngành thép vẫn chưa hết khó

    11:30, 23/07/2023

  • Cần sớm xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành thép trong nước

    Cần sớm xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành thép trong nước

    03:00, 14/07/2023

  • Giải pháp nào bảo vệ ngành thép trong nước?

    Giải pháp nào bảo vệ ngành thép trong nước?

    03:00, 09/07/2023

  • Nửa cuối năm 2023, ngành thép vẫn còn nhiều khó khăn

    Nửa cuối năm 2023, ngành thép vẫn còn nhiều khó khăn

    04:45, 13/05/2023

  • Ngành Thép còn khó khăn kéo dài đến quý II/2023

    Ngành Thép còn khó khăn kéo dài đến quý II/2023

    05:00, 27/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiêu thụ khó khăn, thêm hai doanh nghiệp ngành thép lỗ đậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO