Doanh nghiệp lớn thông qua những hoạt động tư vấn khởi nghiệp đóng vai trò hỗ trợ kinh nghiệm, kiến thức, kết nối thị trường và cung ứng vốn thiên thần cho các dự án khởi nghiệp.
>>Khóa đào tạo chiến lược tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Theo số liệu nghiên cứu, các startup có người cố vấn (mentor) thì tỉ lệ thành công là 33%, với startup không có mentor thì tỉ lệ này chỉ khoảng 10%. Các chuyên gia cho rằng đa số startup thất bại là do chưa biết tìm cho mình một cố vấn truyền cảm hứng, tạo động lực, kích thích sáng tạo hoặc một "đại bàng" dạy cách cất cánh, tiếp sức để có thể bay xa.
Anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước - người vừa đoạt giải "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn, cho hay với những người khởi nghiệp như anh, sự hỗ trợ của các doanh nhân đầu ngành có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Anh Hoàng may mắn gặp được chị Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam - một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về kinh tế nông nghiệp, nhận được nhiều lời khuyên hữu ích để hoàn thiện dự án. Không chỉ hỗ trợ về kỹ thuật, bằng kinh nghiệm thương trường lâu năm, chị còn giúp HTX của anh mở rộng đối tác bán hàng, mua vật tư đầu vào chất lượng tốt mà giá lại rẻ hơn.
Anh Hoàng bày tỏ: "Khởi nghiệp mà tự mày mò học hỏi thì phải trả "học phí" rất đắt, song nếu có được sự hỗ trợ đúng sẽ giúp dự án đi đúng hướng và sớm thành công. Gần đây, chị Thành Thực đã giúp đỡ HTX để chuẩn bị xuất khẩu sầu riêng khi Trung Quốc mở cửa cho loại quả này". Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực cũng là người hỗ trợ nhiều HTX, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tại Tây Nguyên.
Theo anh Hoàng, để nhận được sự trợ giúp, chủ các dự án khởi nghiệp cũng phải chứng tỏ năng lực của mình. Từ thực tế bản thân, anh đã chọn theo đuổi các "giải thưởng chính quy" để có cơ hội gặp gỡ những chuyên gia và DN đầu ngành nhằm phát triển dự án khởi nghiệp của mình và cộng đồng nông dân xung quanh. Anh còn quay lại hỗ trợ các dự án mới, những người yếu thế hơn để cùng phát triển.
>>Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19
>>Mô hình kinh tế tuần hoàn: Nền tảng để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững
"Người trẻ khởi nghiệp nông nghiệp đa phần có nhiệt huyết, giỏi ngoại ngữ và công nghệ nhưng thiếu kinh nghiệm và các mối quan hệ nên rất cần thế hệ đi trước tin tưởng, dìu dắt, hậu thuẫn để có thể đưa nông sản Việt Nam tiến xa. Sự trợ giúp cũng cần rơi vào "giai đoạn vàng" sung sức của tuổi trẻ, bởi thời gian trôi qua có thể khiến các chủ dự án rơi vào tình trạng nản chí hoặc an phận thì sẽ không còn hiệu quả" - anh Hoàng nhận xét.
Qua nhiều năm đồng hành và giữ vai trò giám khảo cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) tổ chức, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, đã gặp gỡ, hướng dẫn khá nhiều dự án khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Viên, nhiều startup có ý tưởng, có sự khát khao nhưng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên cần DN lớn tiếp sức để vững vàng. Chỉ cần DN lớn tham gia làm nhà đầu tư chiến lược, mua 10%-15% cổ phần thì mọi chuyện sẽ khác. Thế nhưng hiện nay, hầu như các DN lớn và cả các chuyên gia tư vấn rất ngại đầu tư vào startup. Lý do là các startup chưa nhận thức đầy đủ, có tâm lý sợ DN lớn "nuốt" công ty mình nên khi đủ năng lực sẽ ngừng hợp tác, đồng nghĩa với mối đầu tư đó không sinh lời cho DN lớn.
"Gần đây tôi không đầu tư mà hỗ trợ, tư vấn cho một số startup nổi bật. Tôi định hướng cho các bạn làm sản phẩm hoàn hảo hơn, thu mua nguyên liệu thô hoặc nhận gia công cho startup để giúp tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, có đầu ra ổn định" - ông Viên cho hay.
Từ những "mối duyên" tư vấn này, ông Viên đã "xúi" vợ chồng Chal Thi - Phạm Đình Ngãi (Công ty TNHH Trà Vinh Farm) phát triển thành công nhiều sản phẩm từ mật hoa dừa. Một chủ DN tại Đồng Tháp thì đang phát triển thêm một số sản phẩm từ sen, trong đó có phô mai sen. Một số startup khác đang phát triển tốt với các sản phẩm tương ớt lên men, nước tương lên men, các loại mắm của miền Tây Nam Bộ...
"Khi được tư vấn, các bạn đi nhanh hơn rất nhiều. Đổi lại, các hoạt động hỗ trợ, kết nối với startup lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã góp phần lan tỏa, dần hình thành 1 thị trường lớn hơn cho "thực phẩm vì sự sống" mà Vinamit đang dẫn dắt" - ông Viên phân tích.
Ông Trần Anh Tuấn, CEO Công ty CP Sao Bắc Đẩu - từng có thời gian gắn kết hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tại TP HCM, cũng cho rằng sự hợp tác với các startup đã giúp công ty tạo ra bộ giải pháp phù hợp thị trường, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Bản thân Sao Bắc Đẩu cũng tạo ra được hệ sinh thái, hoàn thiện bộ giải pháp số hóa.
Theo ông Trần Anh Tuấn, về tổng thể, DN lớn là chỗ dựa cho các startup. Đổi lại, khi đồng hành với DN khởi nghiệp, DN lớn có thể trở thành nhà đầu tư bền vững và là khách hàng của startup. Vì vậy, cần hình thành cộng đồng cố vấn chuyên nghiệp gồm những ông chủ DN, những doanh nhân lớn cùng giúp sức cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT), có rất nhiều DN khởi nghiệp là hội viên AFT. Vì vậy, AFT thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn để trang bị kiến thức cho hội viên về những lĩnh vực như: tiêu chuẩn kỹ thuật, chuyển đổi số, quản trị DN, kết nối thị trường... AFT ghi nhận một số DN khởi nghiệp có sự phát triển đột phá trong thời gian ngắn nhờ sự nỗ lực cũng như sự trợ giúp kịp thời. "Tôi cũng tham gia hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp thông qua nhiều hình thức như cố vấn hay cấp vốn cho các DN. Phần lớn các dự án khởi nghiệp chỉ mới có ý tưởng hay kỹ thuật mà chưa có thông tin thị trường, kiến thức tài chính, quản trị... để có thể xây dựng một kế hoạch kinh doanh khả thi. Cũng có dự án đang phát triển rất tốt, có lãi nhưng chủ dự án vì lý do cá nhân không muốn mở rộng..." - ông Thứ nhìn nhận. |
Có thể bạn quan tâm