Các hộ nuôi thủy hải sản tại Cát Bà vẫn tiếp tục tìm đầu ra cho số lượng cá, nhuyễn thể đang nuôi với số lượng hàng trăm tấn cá song, sủ sao, cá giò, ngao, sò, cù kì…
>>Cát Bà trước giờ "G" tháo dỡ lồng bè
Thi thoảng tôi theo mấy anh em chuyên đi câu ra Cát Bà. Phải đi cùng đội này, lần mò, sục sạo các điểm câu thì mới thấy hết được vẻ đẹp của Cát Bà, mới thấy, Cát Bà đẹp như nàng tiên nữ, đẹp đến mê say ngơ ngẩn.
Mùa xuân khi sương giăng mặt biển, núi nhấp nhô ẩn hiện trong sương như nàng tiên vừa ngủ dậy, hơi ấm chăn đệm còn vương vấn trên lớp váy ngủ mong manh. Nét mộc mạc nguyên sơ mà huyền bí, lơi lả...
Mùa hè nắng vàng, mây trắng, nước xanh, rực rỡ, lộng lẫy như thiếu nữ trong ngày hội Các na-van.
Mùa thu núi in bóng nước, hoàng hôn rực đỏ đẹp mê hồn.
Mùa đông núi tỏa ra dáng vẻ uy nghi mà lãng mạn. Nếu dập dình cùng sóng nước trên thuyền câu, buông cần trên vịnh Lan Hạ quãng gần đảo Khỉ thì thấy mình phiêu diêu tự tại như tiên ông giữa tiên cảnh Cát Bà.
Thời gian gần đây thành phố Hải Phòng hướng Cát Bà thành điểm thu hút khách du lịch, hàng loạt công trình cùng hạ tầng được đầu tư, nâng cấp để đón khách sau đại dịch COVID-19. Đường xuyên đảo được mở rộng nâng cấp, đặc biệt tuyến cáp treo vượt biển tuyệt đẹp dài nhất Việt Nam do tập đoàn Sun Group đầu tư, giúp du khách dễ dàng qua cầu vượt biển Tân Vũ, lên cáp treo đến với Cát Bà.
Đến với Cát Bà là đến với vùng đất tuyệt đẹp cùng những kỷ lục như: Cầu vượt biển, hệ thống cáp treo dài nhất Việt Nam. Cát Bà có vọc đầu trắng quý hiếm nhất trên thế giới, hải sản đặc biệt tươi ngon, cảnh quan tuyệt diệu.
Với các lợi thế ấy Hải Phòng quyết tâm đưa Cát Bà trở thành trung tâm du lịch sinh thái của cả nước và quốc tế, chuẩn bị các điều kiện để UNESCO sắp họp tại Thụy Sĩ vào tháng 8/2022 sẽ công nhận vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới, tạo nên thương hiệu là cú hích mạnh mẽ cho quần đảo Cát Bà.
>>Hải Phòng: “Giải tán” lồng bè để cứu vịnh Cát Bà
>>Cát Bà: Hàng chục tấn cá nuôi lồng bè chết trắng bụng
Một trong những điều kiện UNESCO yêu cầu đó là trả lại cảnh quan tự nhiên của vịnh đảo, tức là phải di dời toàn bộ hệ thống lồng, giàn bè nuôi cá, hải sản trên khắp mặt vịnh.
Trước đây để giải quyết vấn đề cải thiện kinh tế cũng như tạo nguồn cung thủy hải sản ổn định, chính quyền có chính sách khuyến khích người dân làm lồng giàn bè nuôi cá, hải sản để xuất bán ra nước ngoài, phục vụ khách du lịch, phục vụ nhu cầu người dân. Hiện nay, số người tham gia làm việc trong lĩnh vực này lên đến 1.200 hộ với hàng ngàn lao động, giải quyết không ít công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Hải Phòng hỗ trợ đền bù cho các hộ dân về hạ tầng xây dựng lồng bè, tính theo dung tích mét khối nước sử dụng, cùng các công trình phụ trợ nổi bên trên. Nhưng số thủy, hải sản đang nuôi tại các lồng bè thì vẫn đang loay hoay tìm hướng ra cho hài hòa, hợp lý vì ngân sách không thể hỗ trợ cho hạng mục này.
Đại dịch COVID-19 làm hệ thống nhà hàng tiêu thụ hải sản bị ngưng trệ, phần xuất bán nước ngoài cũng đóng băng. Hiện tại các hộ nuôi thủy hải sản tại Cát Bà vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho số lượng cá, nhuyễn thể đang nuôi với số lượng hàng trăm lồng bè, hàng trăm tấn cá song, sủ sao, cá giò, ngao, sò, cù kì…
Lãnh đạo huyện Cát Hải chạy đôn, chạy đáo khắp các nơi, tổ chức hội thảo, hội nghị nhằm tháo gỡ, tiêu thụ giúp dân. Nhiều sáng kiến hay như nhờ các doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế hỗ trợ tiêu thụ giúp. Huyện cũng như Ban quản lý khu Kinh tế Hải Phòng làm cầu nối, kết nối giúp người dân tiêu thụ... Thế nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa được như mong muốn, do sau dịch phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Hiện, lãnh đạo đang phải chạy đua với thời gian trước hội nghị của UNESCO phải di dời xong để được công nhận. Còn người dân thì vẫn đủng đỉnh đợi các chính sách hỗ trợ, túc tắc bán cho khách du lịch vẫn đảm bảo lợi nhuận, duy trì cuộc sống. Bên ngành du lịch thì muốn giữ lại số ít lồng bè tập trung vào khu bến Gia Luận làm điểm cho khách tham quan, còn lại di dời hết lên bờ chuyển số lao động làm việc trên lồng bè sang làm dịch vụ du lịch, chấm dứt cuộc sống tạm bợ vất vả trên giàn bè.
Tại Hội nghị Kết nối doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong quá trình thực hiện tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, diễn ra vào ngày 22/4/2022 mới đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng và huyện Cát Hải bày tỏ mong các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung và Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng nói riêng tiếp tục quan tâm hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thủy sản từ các giàn bè bị tháo dỡ nhằm giảm bớt các khó khăn cho các hộ nuôi trồng thủy sản liên quan trong quá trình thực hiện các chính sách của Nhà nước để đẩy nhanh đệ trình quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới.
Đây là một trong những giải pháp tốt. Tuy nhiên, theo người viết, để đẩy mạnh hơn quá trình tiêu thụ sản phẩm, Hải Phòng cần phải vận động thêm ra các đơn vị tỉnh bạn hỗ trợ. Hãy nhờ Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh cùng tiêu thụ giúp, xây dựng các điểm đầu mối tập trung thu gom, trung chuyển đến các nơi đăng ký mua hải sản. “Nhất tiễn hạ song điêu”, vừa tiêu thụ giúp người dân vừa quảng bá được thương hiệu, chất lượng hải sản Cát Bà, nhất là vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 lần này, triển khai tốt mà mạnh mẽ sẽ không còn phải loay hoay tìm lối lên bờ.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 26/08/2021
09:33, 17/07/2021
05:05, 05/02/2021
15:00, 24/10/2018
17:00, 14/08/2018