Tìm giải pháp xử lý, tiêu thụ bã gyps từ sản xuất phân bón

HẢI NGÂN - LÊ LINH 04/03/2023 12:00

Ước tính lượng tồn trữ bã thải thạch cao đến cuối năm 2022 khoảng 12,7 triệu tấn. Chính vì vậy việc đẩy mạnh xử lý, tiêu thụ bã thải gyps đang là vấn đề cấp bách.

>>>Còn nhiều khó khăn trong việc xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao

>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, hóa chất

Xử lý chưa đạt kỳ vọng

Vấn đề xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón để đảm bảo phát triển kinh tế tuần hoàn và bền vững đang là nhiệm vụ cấp bách đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm.

Đến năm 2022, khối lượng phát thải còn tồn đọng tại bãi chứa thuộc DAP Vinachem lên đến gần 3,5 triệu tấn quy khô

Đến năm 2022, khối lượng phát thải còn tồn đọng tại bãi chứa thuộc DAP Vinachem lên đến gần 3,5 triệu tấn quy khô

Cả nước hiện có 30 nhà máy nhiệt điện đốt than, 3 nhà máy sản xuất phân bón DAP đang hoạt động. Lượng tro, xi phát thải từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước bình quân khoảng 16 triệu tấn, lượng bã thải gyps khoảng 1,3 triệu tấn.

Hiện nay lượng tro, xỉ nhiệt điện đã được xử lý, tiêu thụ đáng kể, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể tổng lượng tro xỉ được tiêu thụ trong năm 2022 đã tăng lên đáng kể, đạt hơn 16,68 triệu tấn, tương đương 105,7% tổng lượng phát thải trong năm. Tính đến cuối năm 2022, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước khoảng 65,08 triệu tấn, chiếm khoảng 55,8% tổng lượng phát thải từ trước tới nay. Tuy nhiên lượng xử lý và tiêu thụ bã thải gyps vẫn chưa được như kỳ vọng.

>>>Hải Phòng có nhà máy sản xuất thạch cao hiện đại bậc nhất Đông Nam Á

Ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: “Ước tính lượng tồn trữ bã thải thạch cao đến cuối năm 2022 khoảng 12,7 triệu tấn, trong đó: nhà máy DAP Đình Vũ tại Hải Phòng tồn trữ 4,45 triệu tấn; nhà máy DAP số 2 tại Lào Cai tồn trữ 2,6 triệu tấn; nhà máy DAP Đức Giang – tại Lào Cai tồn trữ khoảng 6 triệu tấn. Chính vì vậy việc đẩy mạnh xử lý, tiêu thụ bã thải gyps đang là vấn đề cấp bách”.

Cũng theo ông Bắc, tốc độ tiêu thụ thạch cao PG còn chậm, năm 2022 nhà máy DAP1 tiêu thụ được 321.319 tấn bã thạch cao; nhà máy DAP Đức Giang Lào Cai tiêu thụ được khoảng 300.000 tấn; nhà máy DAP2 Lào Cai bã thạch cao vẫn chưa tiêu thụ được, phải tích trữ toàn bộ tại bãi chứa. Hiện chỉ có nhà máy DAP số 1 (Đình Vũ, Hải Phòng) có dây chuyền xử lý bã thải thạch cao thành thạch cao PG do Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ đầu tư với công suất thiết kế 750.000 tấn thạch cao PG/năm.

Bãi thải gyps thuộc Công ty cổ phần DAP Vinachem

Bãi thải gyps thuộc Công ty cổ phần DAP Vinachem

Được biết, tại Hải Phòng, trên địa bàn KKT Đình Vũ – Cát Hải có Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát – Đình Vũ với công suất 330.000 tấn/năm; tổng vốn đầu tư 156,4 triệu USD; đã hoạt động từ năm 2009 đến nay. Hiện đã có một số dự án sản xuất thạch cao sử dụng nguyên liệu từ bã gyps trên, bao gồm: Dự án chế biến bã thải thạch cao, các sản phẩm từ thạch cao của Công ty CP Thạch cao Đình Vũ. Đến nay, lượng chất thải gyps đã được xử lý, tiêu thụ một phần, chủ yếu là lượng chất thải phát sinh hằng ngày. Đến năm 2022, khối lượng phát thải còn tồn đọng tại bãi chứa lên đến gần 3,5 triệu tấn. Việc xử lý còn gặp rất nhiều khó khăn, bao gồm cả việc chưa có những tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật để ứng dụng các sản phẩm làm vật liệu xây dựng và ứng dụng vào các công trình xây dựng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP Vinachem: “Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là khâu tiêu thụ sản phẩm thạch cao sau chế biến. Đây là lý do Nhà máy thạch cao Đình Vũ vẫn chưa huy động hết công suất thiết kế là 750.000 tấn/năm”.

Đề xuất phương án

Đánh giá được tầm quan trọng của việc tái sử dụng các loại phế thải công nghiệp này, ngày 23/9/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ số 1696 QĐ- TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; Ngày 12/4/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ số 452/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án đây mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng; và gần đây nhất Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

Ông Phạm Văn Bắc cho biết, đến thời điểm hiện tại Bộ Xây dựng đã cơ bản ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật giúp đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao, gồm: 19 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn và 7 chỉ dẫn kỹ thuật và 3 định mức kinh tế kỹ thuật.

Hội thảo khoa học “Giải pháp xử lý, tiêu thụ bãi thải gyps tại nhà máy sản xuất phân bón DAP – Vinachem KCN Đình Vũ, Hải Phòng”

Hội thảo khoa học “Giải pháp xử lý, tiêu thụ bãi thải gyps tại nhà máy sản xuất phân bón DAP – Vinachem KCN Đình Vũ, Hải Phòng”

Theo Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, nguyên nhân, tốc độ tiêu thụ sản phẩm thạch cao (PG) còn chậm do các nhà máy sản xuất xi măng, sử dụng nhiều nhất là 30% tổng lượng thạch cao trong xi măng, 70% còn lại vẫn là thạch cao tự nhiên. Hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về ứng dụng của bã thạch cao cũng như các phương pháp xử lý để sử dụng một cách hiệu quả, mà mới chỉ có một số hướng nghiên cứu sử dụng bã thải thạch cao để làm nền đường nhưng vẫn chưa có các chủ đầu tư sẵn sàng ứng dụng cho các dự án giao thông.

Do vậy, Bộ Xây dựng kiến nghị, phải đẩy mạnh xử lý, sử dụng sản phẩm thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Các nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học, hội nghề nghiệp tích cực nghiên cứu, tìm các giải pháp xử lý bã GYPS thành thạch cao PG với chi phí ngày càng rẻ hơn. Tìm các giải pháp đưa thạch cao PG vào làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng với khối lượng ngày càng lớn hơn, đảm bảo hài hòa các yếu tố kinh tế - kỹ thuật - môi trường; Chủ đầu tư các dự án giao thông, các công ty tư vấn thiết kế sử dụng thạch cao PG đạt chuẩn làm vật liệu san lấp, vật liệu đắp nên đường thay thế vật liệu truyền thống khai thác từ thiên nhiên...

Mới đây, tại hội thảo khoa học “Giải pháp xử lý, tiêu thụ bãi thải gyps tại nhà máy sản xuất phân bón DAP – Vinachem KCN Đình Vũ, Hải Phòng”, nhiều chuyên gia đã cho rằng, việc tìm kiếm giải pháp để xử lý đối với lượng phát thải gyps từ nhà máy sản xuất phân bón DAP-Vinachem có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giải quyết những vấn đề về môi trường của Hải Phòng; tạo ra nguồn vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng cho các công trình xây dựng trên địa bàn TP Hải Phòng. Đồng thời, tạo ra hướng ra cho Công ty Cổ phần DAP-Vinachem tiếp tục đầu tư, phát triển, đảm bảo các yêu cầu về sản xuất phân bón, an ninh lương thực, ổn định sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người lao động.

Theo đại diện Công ty cổ phần DAP Vinachem, phía công ty kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành sớm hoàn thiện hồ sơ bổ sung tiêu chuẩn, hoặc văn bản hướng dẫn về việc chế biến, sử dụng bã Thạch cao PG làm vật liệu san nền. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương sử dụng vật liệu có nguồn gốc từ bã thải tro, xỉ, thạch cao góp phần giải quyết triệt để tình trạng tồn dư theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể bạn quan tâm

  • Xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao -p/Giải pháp cho phát triển bền vững

    Xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao - Giải pháp cho phát triển bền vững

    17:51, 18/11/2022

  • Còn nhiều khó khăn trong việc xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao

    Còn nhiều khó khăn trong việc xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao

    12:48, 18/11/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, hóa chất

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, hóa chất

    00:08, 30/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tìm giải pháp xử lý, tiêu thụ bã gyps từ sản xuất phân bón
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO