Tìm lời giải cho quản lý thuế trên nền tảng thương mại điện tử

DIỄM NGỌC 31/08/2021 05:30

Hiện cơ quan thuế mới chỉ siết quản lý trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) với các doanh nghiệp lớn, còn những người kinh doanh nhỏ, lẻ trên sàn hay qua các mạng xã hội vẫn còn nhiều khó khăn.

Nguy cơ giảm sức cạnh tranh

Trong đại dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), trên các nền tảng mạng xã hội ngày càng tăng cao. Châu Á là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong đó có Việt Nam, dự báo thị trường này sẽ đạt 604 tỷ đô la Mỹ vào năm 2027.

Hiện nay, các sàn TMĐT đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh đến từ các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube,... (ảnh: nld.com.vn)

Hiện nay, các sàn TMĐT đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh đến từ các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube,... (ảnh: NLD)

Theo khảo sát của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) năm 2020, hành vi mua sắm của người dùng thể hiện rõ xu hướng mua qua mạng xã hội với 39% khách hàng mua sắm trên các website TMĐT, 33% mua tại mạng xã hội và 22% mua trên các nền tảng khác. Còn về phía bán hàng, các doanh nghiệp và chủ thể kinh doanh đều cho rằng, mạng xã hội là kênh chất lượng nhất để tiếp cận và bán hàng, sau đó là website, các app ứng dụng và cuối cùng là sàn TMĐT.

Hiện nay, các sàn TMĐT đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh đến từ các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube,... đặc biệt khi Tổng cục Thuế đã thiết lập chính sách quản lý thuế theo Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính.

Về vấn đề này, nhiều chủ sàn TMĐT đã đưa ra những khó khăn mà họ gặp phải, bao gồm việc cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội, khi siết các quy định về thuế. Có ý kiến cho rằng, các chủ thể kinh doanh có thể sẽ rời bỏ sàn, chuyển qua bán hàng trên mạng xã hội để né thuế, ngay cả khi sàn TMĐT có nhiều điểm ưu việt hơn.

Hiện cơ quan quản lý thuế vẫn còn áp dụng chung  việc thu thuế của TMĐT và mạng xã hội, mà vẫn chưa có sự phân biệt riêng rẽ giữa hai hình thức kinh doanh. So với việc quản lý thuế cá nhân kinh doanh qua sàn TMĐT tập trung, thì công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh qua mạng xã hội gặp nhiều khó khăn hơn, khó xác định chính xác người nộp thuế, doanh thu phát sinh, kinh doanh không xuất hóa đơn, hay giao dịch bằng tiền mặt,... Ngoài ra, cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội không hiện diện tại địa điểm cố định, khiến cơ quan thuế khó xác định được doanh thu kinh doanh thực tế, nếu chỉ căn cứ các thông tin giao dịch trên mạng xã hội.

PGS.TS. Lê Xuân Trường

PGS.TS. Lê Xuân Trường

Trao đổi trên báo chí, PGS.TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế-Hải quan, Học viện Tài chính đánh giá, sàn TMĐT có nhiều ưu điểm hơn so với mạng xã hội, do nó chuyên biệt hóa và có nhiều tính năng tích hợp trên một nền tảng. Mặt lợi của nó là giúp tăng cường khâu kiểm soát của Nhà nước chặt chẽ hơn và về lâu dài, cơ quan Thuế sẽ tiếp tục dùng các giải pháp công nghệ, biện pháp quản lý thuế cùng với Luật để tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý những người kinh doanh qua mạng mà không tự giác kê khai thuế.

Trước Thông tư 40 về quản lý thuế tới đây, ít nhiều sẽ tác động đến tâm lý người bán hàng, rất có thể sẽ có một lượng chủ thể kinh doanh dịch chuyển hình thức kinh doanh của mình theo hướng gây khó cho cơ quan quản lý hơn”, PGS. Lê Xuân Trường nhận định.

Giải pháp nào gỡ vướng?

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia Tài chính cấp cao, hầu hết chúng ta mới chỉ quản lý được thuế trên sàn TMĐT với các doanh nghiệp lớn, còn những người kinh doanh nhỏ, lẻ trên sàn hay qua các mạng xã hội, qua hình thức quảng cáo ngắn hạn vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Các chủ sàn phải là người cung cấp và giúp cho việc kết nối giữa cơ quan thuế với các chủ thể kinh doanh trên sàn của mình một cách tốt nhất, từ số điện thoại, số tài khoản, các mã gian hàng, đơn hàng cho đến các yêu cầu mà cơ quan thuế đề ra, để giúp cơ quan thuế có thể kết nối nhanh nhất, tốt nhất với các chủ thể kinh doanh trên sàn”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Có thể thấy, TMĐT đã tạo ra xu thế mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hoá, giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn của biến động thị trường. Tuy nhiên, việc quản lý thuế TMĐT thiếu toàn diện, không thống nhất áp dụng trên đa nền tảng, sẽ gây ra nhiều khó khăn cho chính những doanh nghiệp TMĐT. Vì vậy, pháp luật về TMĐT trên mạng xã hội cũng cần có những quy định phù hợp để quản lý hiệu quả, cũng như tạo điều kiện cho các hoạt động này phát triển, tạo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

Mặt khác, việc thực thi Thông tư số 40/2021 đòi hỏi sự đầu tư nghiêm chỉnh về hạ tầng công nghệ, trong đó có phần mềm xác nhận doanh thu của chủ thể bán hàng, phân loại doanh thu chịu thuế và thuế suất, tính toán số thuế cần nộp, số tiền sản phải trả lại cho người bán, các mẫu báo cáo, số thuế đã nộp,... cùng rất nhiều yêu cầu khác.  Bên cạnh vấn đề về nâng cấp công nghệ, các sàn còn cần đội ngũ nhân sự có chuyên môn về thuế để kiểm tra bảng tính thuế chi tiết, chuẩn bị tờ khai nhập liệu, bản kê lên phần mềm kê khai thuế và nộp thuế điện tử. Đồng thời, có một tổ phản ứng, chăm sóc khách hàng để giải đáp thắc mắc, khiếu nại nếu có.

Mặc dù khó khăn, nhưng đó sẽ là bước đầu tạo tiền đề cho một guồng máy hoạt động quy mô, có tổ chức và thuận lợi cho việc quản lý thuế. PGS.TS. Lê Xuân Trường cho rằng, việc sàn TMĐT có sự đầu tư thay đổi, nâng cấp hệ thống công nghệ của mình tương thích với hệ thống quản lý của cơ quan thuế, nhằm tự động tính toán nghĩa vụ thuế cho các cá nhân kinh doanh, trong trường hợp phải khấu trừ thay như vậy sẽ mất một khoảng thời gian nhất định. Nhưng sau khi điều chỉnh và đầu tư xong công nghệ, thì việc này sẽ trở nên rất đơn giản và phù hợp với bối cảnh chung của các quy định.

Tuy nhiên, một số chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cơ quan thuế nên cân nhắc chỉ áp dụng yêu cầu cung cấp thông tin và khai thuế, nộp thuế thay đối với các sàn có thực hiện chức năng là trung gian thanh toán giữa người mua và người bán.

Đại diện một công ty kinh doanh TMĐT chia sẻ, việc kê khai thuế giữa cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp đều rất khác nhau. Vì vậy, cơ quan thuế nên gộp hộ kinh doanh và cá nhân thành một nhóm để khấu trừ thuế trực tiếp trên sàn TMĐT, nghĩa là sẽ giao nhiệm vụ khấu trừ phần trăm thuế cho sàn quản lý, còn đối với các công ty kinh doanh, họ sẽ có một bộ phận kê khai thuế riêng để đáp ứng yêu cầu.

Quản lý thuế trong TMĐT vẫn là bài toán mà các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia và doanh nghiệp đang tìm lời giải phù hợp. Thời gian tới, cơ quan thuế vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, cập nhật các biện pháp quản lý thuế TMĐT để đảm bảo sự công bằng cho nền kinh tế, cũng như tạo cơ hội để TMĐT phát triển mạnh mẽ.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần khung pháp lý cho thương mại điện tử

    05:00, 16/08/2021

  • Hoãn Thông tư 40, sàn thương mại điện tử cần thêm thời gian

    15:30, 27/07/2021

  • Tổng cục Thuế lấy ý kiến về lộ trình kết nối thông tin với sàn thương mại điện tử

    19:39, 21/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tìm lời giải cho quản lý thuế trên nền tảng thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO