Sự thay đổi trong chính sách miễn thuế nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua TMĐT từ 2 triệu đồng xuống 1 triệu đồng đang gây tranh cãi, nhiều người lo ngại về những hệ luỵ trái chiều…
Trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ, việc nhập khẩu hàng hóa giá trị thấp qua các sàn giao dịch quốc tế ngày càng gia tăng. Nhằm kiểm soát tình trạng lạm dụng chính sách miễn thuế, Bộ Tài chính đề xuất giảm ngưỡng miễn thuế nhập khẩu từ 2 triệu đồng xuống 1 triệu đồng cho mỗi đơn hàng. Đồng thời, mỗi cá nhân hoặc tổ chức chỉ được hưởng miễn thuế với tổng giá trị hàng nhập tối đa 48 triệu đồng/năm.
Đề xuất này ngay lập tức gây tranh cãi trong giới chuyên gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến hành vi mua sắm mà còn có thể tác động đến thị trường trong nước theo nhiều chiều hướng khác nhau.
Nhận định xung quanh đề xuất này, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp trong nước không hẳn được hưởng lợi, theo TS Lê Duy Bình, việc giảm ngưỡng miễn thuế nhập khẩu không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp trong nước sẽ giảm áp lực từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Trên thực tế, hàng nhập khẩu qua TMĐT chủ yếu là các sản phẩm mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất hoặc khó cạnh tranh về giá và mẫu mã.
“Nếu siết chặt thuế, người tiêu dùng vẫn sẽ tìm cách mua hàng từ nước ngoài qua con đường khác, thay vì chuyển sang dùng hàng trong nước", vị chuyên gia nhận định, đồng thời cũng cho rằng, chính sách này có thể khiến thị trường bị xáo trộn trong ngắn hạn, nhưng không phải là giải pháp căn cơ để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa. Thay vào đó, cần tập trung vào nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất trong nước để cạnh tranh một cách bền vững.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cảnh báo, việc thay đổi chính sách miễn thuế sẽ tác động đến người tiêu dùng và dòng chảy thương mại. "Việc siết chặt ngưỡng miễn thuế có thể khiến giá hàng nhập khẩu tăng lên, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm thu nhập trung bình và thấp. Nếu chính sách không đi kèm với các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng thay thế, người tiêu dùng vẫn có nhu cầu mua hàng nhập khẩu, nhưng với chi phí cao hơn", chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói, đồng thời cũng lưu ý rằng, việc áp dụng chính sách quá chặt có thể tạo ra những hệ lụy không mong muốn, chẳng hạn như xu hướng lách luật, chia nhỏ đơn hàng để tránh thuế, làm tăng khối lượng công việc kiểm soát của cơ quan hải quan.
Nhận định về đề xuất này, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng đồng tình với việc cần có biện pháp kiểm soát thất thu thuế từ hàng nhập khẩu qua TMĐT, nhưng vị chuyên gia cho rằng cần có cơ chế linh hoạt.
"Thất thu thuế từ hàng nhập khẩu giá trị thấp là một vấn đề thực tế, nhưng nếu siết quá mức có thể tạo ra tác động tiêu cực. Cần có phương án để đảm bảo không gây ảnh hưởng quá lớn đến doanh nghiệp kinh doanh TMĐT hợp pháp và người tiêu dùng", TS Nguyễn Bích Lâm phân tích.
Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất, thay vì chỉ giảm ngưỡng miễn thuế, cần áp dụng các biện pháp công nghệ để theo dõi và quản lý hiệu quả hơn dòng chảy hàng hóa, tránh tình trạng doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng trong khi các đơn vị lớn có thể tìm cách lách luật.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, việc giảm ngưỡng miễn thuế nhập khẩu có thể giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và hạn chế tình trạng nhập khẩu tràn lan hàng hóa giá rẻ, nhưng cũng có thể gây ra những tác động không mong muốn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh TMĐT.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, chính sách thuế cần được cân nhắc một cách toàn diện, không chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt mà phải xét đến cả tác động dài hạn đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh thị trường TMĐT đang phát triển mạnh mẽ, thay vì chỉ tập trung vào siết chặt thuế, cơ quan chức năng cần có phương án tổng thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.