Tài chính doanh nghiệp

Tín dụng tăng mở ra nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Lê Mỹ 24/08/2024 11:00

Mức độ hấp thụ vốn cải thiện sẽ tạo động lực để các ngân hàng hiện là nhóm nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đa dạng đầu ra sang kênh đầu tư TPDN, từ đó giúp thị trường TPDN sôi động trở lại.

Tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng tăng tốc từ tháng 6, báo hiệu sự phục hồi của nhu cầu vay vốn cũng như phát hành TPDN trong thời gian tới, báo cáo nhanh thị trường TPDN tháng 8 của FiinRatings cho biết.

Theo đó, Công ty xếp hạng tín nhiệm phân tích, tín dụng tăng nhanh hơn một phần nhờ Ngân hàng Nhà nước phát đi cảnh báo điều chuyển room tín dụng giữa các ngân hàng để những ngân hàng có khả năng sử dụng hiệu quả hơn. Động thái điều phối này sẽ khiến căc ngân hàng tăng tốc hơn trong việc tìm kiếm khách hàng và giải ngân, tạo đà tăng trưởng trong các tháng tới.

tpdn.jpg
Ngân hàng thương mại vẫn là động lực chính của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Internet

“Cùng với đó, mức độ hấp thụ vốn cải thiện sẽ tạo động lực để các ngân hàng hiện là nhóm nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường TPDN đa dạng đầu ra sang kênh đầu tư TPDN, từ đó giúp thị trường TPDN sôi động trở lại”, FiinRatings nhận định.

Một ghi chú trong báo cáo cho rằng, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm, nhóm ngân hàng quốc doanh (Big 4) hiện vẫn chưa tăng lãi suất kỳ hạn 12 tháng, do đó lãi suất thả nổi của TPDN tạm thời chưa bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, với triển vọng tín dụng tăng tốc nhanh trong nửa cuối năm trong khi tốc độ tăng của tiền gửi khách hàng vẫn rất chậm, nhiều khả năng nhóm ngân hàng Big 4 cũng sẽ tăng lãi suất vào cuối quý 3 - đầu quý 4 năm nay. Điều này sẽ gây áp lực chi phí lên các nhà phát hành hiện trả lãi coupon thả nổi. Trên thị trường thứ cấp, lãi suất kỳ vọng của nhà đầu tư tăng sẽ làm giảm giá trái phiếu và tăng lợi suất đầu tư (YTM).

Bên cạnh đó, liên quan đến các yếu tố có thể chi phối khả năng trả nợ của các nhà phát hành, FiinRatings kỳ vọng chất lượng tín dụng bất động sản (BĐS) thời gian tới kỳ vọng sẽ được cải thiện nhờ một số bộ luật quan trọng có hiệu lực. Các quy định thắt chặt của Luật các Tổ chức tín dụng hướng đến việc giảm rủi ro tập trung đối với ngân hàng, đặc biệt là rủi ro đến từ sở hữu chéo và cho vay tập trung theo sự chi phối của cổ đông nắm quyền. Ngoài ra, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 mở ra cơ hội tham gia thị trường với nhiều loại hình kinh doanh BĐS nhưng đưa ra yêu cầu chặt chẽ hơn về tài chính doanh nghiệp, từ đó nâng cao khả năng trả nợ của các nhà phát triển BĐS.

TPDN 2
Áp lực trả nợ lớn đối với doanh nghiệp BĐS khi tổng giá trị trái phiếu đến hạn 2H2024 và 2025 lên đến gần 150 nghìn tỷ đồng.

“Việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường quy định bởi Luật Đất đai 2024 tuy nâng cao tính minh bạch về giá nhưng có thể làm tăng chi phí sử dụng đất, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp BĐS”, nhóm phân tích nêu.

Ngoài ra, liên quan đến thị trường quốc tế, các chuyên gia cũng cho rằng mặc dù môi trường tỷ giá đã thuận lợi hơn áp lực tỷ giá giảm nhưng còn nhiều biến số. Tuy nhiên nhìn chung là môi trường tỷ giá thuận lợi được kỳ vọng sẽ làm giảm chi phí vốn nước ngoài đối với các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tạo ra động lực cho các doanh nghiệp tiếp cận các kênh vay vốn và phát hành trái phiếu quốc tế.

Một chuyên gia Tài chính nhấn mạnh với DĐDN, cần lưu ý là thị trường vốn quốc tế đã và đang chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, với lợi thế thuộc về các Tập đoàn bao gồm của Tập đoàn có Ngân hàng, Bất động sản hoặc Công ty Chứng khoán. Đây sẽ là nguồn vốn quan trọng có thể tăng thêm thanh khoản cho các đơn vị, hoặc cũng là sự thuận cho các nhà phát hành Bất động sản có thể phát hành đảo nợ.

Thống kê trên thị trường cho thấy, trong tháng 7, các ngân hàng thương mại (NHTM) áp đảo thị trường sơ cấp với giá trị phát hành trong tháng 7 đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 87% tổng giá trị.

Một số nhà phát hành là ngân hàng lớn trong tháng qua có thể kể đến MBBank (10 nghìn tỷ đồng), Vietinbank (5 nghìn tỷ đồng) và SHB (3 nghìn tỷ đồng). Kỳ hạn trái phiếu của các TCTD tập trung ở các kỳ hạn 3 năm (đối với các ngân hàng tư nhân) và trên 5 năm (đa phần là các ngân hàng quốc doanh). Để đáp ứng tăng trưởng tín dụng đã tăng nhanh từ tháng 6 trong khi chưa tăng được vốn điều lệ, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục củng cố nguồn vốn trung dài hạn trên 3 năm qua việc phát hành trái phiếu.

Nhóm ngân hàng phát hành TPDN trong tháng 7 còn gọi tên ACB, HDBank, Nam Á Bank, OCB, VIB. Bên cạnh đó, cập nhật đến nửa đầu tháng 8, một số tổ chức tín dụng như Agribank, VPBank, BIDV... cũng tiếp tục phát hành thành công khối lượng lớn hàng nghìn tỷ đồng, loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm.

Ở khối bất động sản, thống kê của FiinRatings ghi nhận hoạt động huy động qua kênh trái phiếu của ngành bất động sản vẫn ảm đạm khi tháng 7 chỉ ghi nhận 3 đợt phát hành với tổng giá trị 3,8 nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp BĐS phát hành lớn nhất là Công ty Bất động sản Hải Đăng với lô trái phiếu 1,5 năm giá trị gần 3 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, nhóm BĐS tham gia phát hành trái phiếu ghi nhận còn có CTCP Phát Triển Khu Công Nghệ Thông Tin Đà Nẵng, CTCP Phát triển Tổng hợp Hưng thịnh Phát; và các doanh nghiệp khác như CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (liên quan đến bất động sản, hạ tầng), CTCP Chứng khoán Dầu khí.

Tính cả 7 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị phát hành đạt 178,5 nghìn tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, riêng giá trị trái phiếu phi ngân hàng giảm 32%.

Họạt động mua lại TPDN trong tháng 7/2024 đạt gần 32,1 nghìn tỷ VNĐ (tăng 26,1% so với tháng trước). Nhóm ngân hàng cũng tiếp tục là đối tượng chủ yếu thực hiện mua lại, chiếm tới 90% giá trị trong tháng. "Hoạt động mua lại trái phiếu sắp đáo hạn và phát hành mới của ngân hàng nhắm tới đáp ứng các tỷ lệ an toàn", FiinRatings cho biết.

Đây cũng là những động thái cơ cấu lại nguồn vốn với chi phí hợp lý trong bối cảnh lãi suất trái phiếu ngân hàng vẫn còn thấp, dù hấp dẫn hơn so với lãi suất tiền gửi.

Đáng chú ý, các nhà phân tích thống kê, trong 5 tháng cuối của 2024 và 2025, giá trị trái phiếu đáo hạn dự kiến sẽ đạt lần lượt là 117 nghìn tỷ VNĐ và 240 nghìn tỷ VND. Trong đó, áp lực thanh toán hiện hữu với nhóm ngành Bất động sản trong các tháng còn lại của năm 2024 khi đạt giá trị là 50 nghìn tỷ VNĐ và chiếm 43% tổng TPDN đáo hạn.

"Một số lượng lớn các doanh nghiệp trong thời gian qua tiếp tục có động thái xin giãn hoãn thanh toán nợ gốc và sửa đổi kế hoạch mua lại, khiến áp lực thanh toán trước mắt được giải tỏa, giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để tập trung xử lý khó khăn về SXKD và cân đối dòng tiền trả nợ, đặc biệt với nhóm Bất động sản khi khả năng trả nợ còn thấp giữa bối cảnh thị trường nhà ở phục hồi chậm", nhóm chuyên gia phân tích.

Điều này càng khiến kỳ vọng cao được chờ đợi ở những tháng với thị trường TPDN dự kiến sôi động hơn, giúp cơ hội cải thiện khả năng trả nợ của nhóm này cũng sẽ tốt lên hơn.

Theo dữ liệu được nhiều ngân hàng và doanh nghiệp công bố, danh sách các doanh nghiệp lớn đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn cấp 2 trong giai đoạn 2H2024 và 1H2025 sẽ có Vingroup, Vinhomes, Bản Việt Bank, Vietjet, Agribank, BIDV, DIC Corp, Đầu tư và Thương mại TNG...

Tuy BCTC quý II của các ngân hàng cho thấy số dư TPDN nắm giữ vẫn trên đà giảm do thị trường TPDN còn ảm đạm, nhưng đà tăng trưởng tín dụng sẽ tạo động lực để các ngân hàng đa dạng hóa kênh tín dụng sang kênh TPDN trong thời gian tới. Tại cuối quý II/2024, số dư TPDN chỉ chiếm 1,3% tổng dư nợ tín dụng tại 29 NHTM (cuối năm 2022: 2,2%). Tuy nhiên, khi mức độ hấp thụ vốn của doanh nghiệp cải thiện hơn trong các tháng cuối năm, hoạt động đầu tư TPDN sẽ được khai thác mạnh hơn khi các doanh nghiệp sử dụng hết hạn mức cho vay tại các NHTM, từ đó giúp thị trường TPDN sôi động hơn, theo FiinRatings.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tín dụng tăng mở ra nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO