"Cuộc cách mạng này sẽ tạo đà cho sự bứt phá của nền kinh tế trong nước, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.” - ông Nguyễn Tiến Đạt khẳng định.
Phương án nghiên cứu, đề xuất sắp xếp các đơn vị thuộc các ban Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã chính thức được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày tại Hội nghị ngày 1/12 trước hơn 1,3 triệu đảng viên trên cả nước. Đây thực sự là những thông tin mà dư luận trông đợi trong nhiều ngày qua kể từ khi Tổng Bí thư Tô Lâm có một số bài viết, bài nói chuyện về chủ đề này, trong đó đáng chú ý là bài viết nhan đề “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" ngày 5/11.
Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel đánh giá rất cao những chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm về cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức mới đây.
Theo ông Đạt, quá trình tinh gọn giống như Tổng Bí thư đã nói: "không thể chậm trễ hơn được nữa". Cùng với đó, bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng ta với quyết tâm thực hiện một cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Thực tế, ông Đạt phân tích, đất nước ta đang bị ảnh hưởng bởi những biến động từ các cuộc chiến tranh, cuộc chiến thương mại và sắp tới là sự kiện Tổng thống Mỹ Donal Trump nắm quyền sẽ tác động nhiều tới kinh tế Việt Nam. Những biến động bên ngoài này đòi hỏi chúng ta cần nhanh chóng xây dựng ổn định bộ máy hành pháp và lập pháp thực sự hiệu quả.
Cùng với đó, chúng ta đã đẩy mạnh và tập trung vào chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, thì yêu cầu về quản trị lên cao hơn bao giờ hết.
Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra rất nhiều tồn tại, hạn chế như: Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển; một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Ông Đạt cho rằng, đây là nhìn nhận đúng đắn từ thực trạng tổ chức bộ máy của chúng ta hiện nay. Bộ máy tổ chức nhà nước của chúng ta hiện nay tạo ra một lực cản rất lớn trong việc phát triển đất nước. Khi chúng ta giữ bộ máy cồng kềnh thì việc quyết định rất khó khăn, dẫn đến việc gặp nhiều vướng mắc trong quá trình phân cấp, phân quyền ở bộ, ngành, nhiều nhiệm vụ không được phân công rõ ràng dẫn đến sự chồng chéo từ trung ương tới địa phương,...
Cho nên, vấn đề cấp bách cần làm là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, phải phân cấp, phân quyền ở bộ, ngành, địa phương sao cho rõ, trách nhiệm tới đâu và ai phải chịu đến cùng công việc đó. Làm rõ được những vấn đề về khoa học, tổ chức bộ máy thì gắn với tinh giản bộ máy, biên chế. Từ biên chế đó, chúng ta thấy rằng ai là những người thực hiện tốt nhất công việc ở những vị trí việc làm, từ đó tăng cường, bồi dưỡng về phẩm chất, năng lực và khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó, mới đánh giá được cán bộ, đưa vào quy hoạch để xứng tầm với vị trí công việc, trả lương xứng đáng theo năng lực và khả năng đóng góp, tránh tình trạng như hiện nay là có những người có năng lực nhưng chế độ không tương xứng, mà có những người cứ ngồi chơi xơi nước…
Đưa ra kiến nghị, ông Đạt cho rằng, quá trình tinh gọn bộ máy cần chú trọng đến yếu tố con người. Bởi chúng ta không chỉ cần giảm số lượng mà còn cần tăng chất lượng. Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm và có trách nhiệm là điều kiện tiên quyết. Do đó, cần có chính sách “giữ chân người tài”, có cơ chế đánh giá theo năng lực với mức lương tương xứng để kéo được người tài cho bộ máy hành chính nhà nước.
“Mặt khác, chúng ta phải tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện và áp dụng chính quyền điện tử 4.0 một cách hiệu quả và tạo sự thuận lợi cho người dân, cho doanh nghiệp.” – ông Đạt kiến nghị.
Theo ông Đạt, mặc dù đã được triển khai nhiều năm nay nhưng quá trình chuyển đổi số - chuyển đổi xanh vẫn cần tối ưu hơn nữa và đặc biệt là cần có bài toán đầu tư hoàn thiện về công nghệ thông minh sau khi kết thúc cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy.
Bên cạnh đó, tiềm năng và sức mạnh của dân hay trong doanh nghiệp còn rất lớn, đủ để chúng ta có thể vươn mình được. Chúng ta hoàn toàn có thể “san sẻ”, phân công nhiệm vụ dành cho nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực tư nhân cùng tham gia trong cuộc cách mạng này.
Điều quan trọng là chúng ta có được một cơ chế tốt, phá vỡ được điểm nghẽn của điểm nghẽn như Tổng Bí Thư Tô Lâm nói là thể chế, ắt sẽ khơi dậy được những nguồn lực, những sức mạnh đó, và chúng ta chắc chắn vươn mình lên bằng chính nội lực của chúng ta.
“Tôi tin rằng, với tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo sáng suốt, Việt Nam hoàn toàn có thể biến cuộc cách mạng này thành hiện thực, mở ra một chương mới cho quản trị quốc gia. Từ đó, tạo đà cho sự bứt phá của nền kinh tế trong nước, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.” – CEO AZA Travel khẳng định.