TKV "mắc cạn" tại Khu Kinh tế Hải Hà

Khánh Hà 09/09/2019 15:47

Sáng ngày 27/9 tới đây trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), TKV sẽ mang toàn bộ phần vốn góp 47,8 tỷ đồng tại khu kinh tế Hải Hà ra bán đấu giá với giá khởi điểm 48,5 tỷ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo sẽ tổ chức đấu giá bán cổ phần CTCP Đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà (Công ty Hải Hà) do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sở hữu. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào lúc 8h30 ngày 27/9 tại HNX.

Giấc mơ tỷ đô "chết yểu"

Công ty Hải Hà có địa chỉ tại phố Phan Đình Phùng, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh với vốn điều lệ hơn 81 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư xây dựng và kinh doanh khu công nghiệp cảng biển Hải Hà...

Ngày 5/3/2007, TKV và các đối tác trong nước đã thỏa thuận thành lập Công ty CP Đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà (Công ty Hải Hà) với mục tiêu đầu tư xây dựng và kinh doanh khu công nghiệp và cảng biển tại huyện Hải Hà, Quảng Ninh. Khu công nghiệp, cảng biển Hải Hà được quy hoạch với tổng diện tích 4.988 ha, đất sản xuất công nghiệp là 2.745 ha.

Khu công nghiệp, cảng biển Hải Hà được quy hoạch với tổng diện tích 4.988 ha, đất sản xuất công nghiệp là 2.745 ha

Khu công nghiệp, cảng biển Hải Hà được quy hoạch với tổng diện tích 4.988 ha, đất sản xuất công nghiệp là 2.745 ha

Ngày 9/3/2007, các bên dự kiến thành lập Công ty Hải Hà với tổng mức đầu tư dự kiến 300 triệu USD, gồm Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin góp 15%), TKV (10%), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - 7%), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN - 7%), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT - 7%), Tổng công ty Sông Đà (7%), Công ty Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (7%), Quỹ đầu tư Hải Hà (20%), các thể nhân khác 20%.

Đến năm 2009, nhiều cổ đông đăng ký góp vốn ban đầu đã có văn bản xin không tham gia và rút khỏi Công ty. Tính đến cuối năm 2018, vốn điều lệ thực góp của Hải Hà mới đạt hơn 81,4 tỷ đồng. Trong đó, TKV góp 58,81%, tương đương hơn 47,8 tỷ đồng, số còn lại 33,5 tỷ đồng do Tổng công ty Sông Đà góp.

Trong 2 năm 2009 và 2010, Hải Hà đã tập trung nguồn lực, tổ chức 2 đợt thi công các hạng mục đường giao thông, xẻ núi, san lấp biển…

Tuy nhiên, sau khi vụ việc ở Vinashin bị khởi tố và nhiều lãnh đạo của Vinashin phải hầu tòa và lãnh án, các nhà thầu đã rút khỏi dự án Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà, tạm dừng thi công.

Tháng 7/2010, thực hiện Quyết định 926/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Vinashin, công ty Hải Hà được chuyển giao sang Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) . Tuy nhiên, sau đó, Vinalines đã báo cáo Chính phủ về việc không có khả năng thực hiện tiếp nhận Dự án và công ty lại trở về với Vinashin.

Cuối năm 2011, Chính phủ đồng ý cho Vinashin rút lui và đồng ý cho Tập đoàn Indevco tiếp nhận dự án. Tuy nhiên, quá trình bàn giao giữa chủ đầu tư cũ và chủ đầu tư mới có nhiều vướng mắc.

Trong thời gian từ 2010 đến 2014, người lao động của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Khu Kinh tế Hải Hà bị nợ tiền lương, không được đóng bảo hiểm và các chế độ có liên quan khác. Trong khoảng thời gian nói trên, người lao động của công ty Hải Hà đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị, kêu cứu đến các cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, từ tháng 7/2010 đến nay, Công ty vẫn không sản xuất kinh doanh và gặp nhiều khó khăn về công tác tổ chức nhân sự và tài chính. Dự án hiện chưa có quyết định giao đất/cho thuê đất; chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư; chưa có giấy chứng nhận đầu tư; chưa có giấy phép xây dựng. Công ty cũng còn duy nhất 1 nhân sự là Tổng giám đốc.

Do ngừng hoạt động từ lâu, Đại hội đồng cổ đông của Công ty năm 2012 đã thông qua chủ trương tiến hành thủ tục giải thể nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Lối thoát nào cho TKV?

TKV từng có chủ trương thoái vốn khỏi dự án từ năm 2009 sau khi đã góp 3 triệu USD. Tháng 6/2015, TKV từng đề xuất Bộ Công thương trình Thủ tướng phê duyệt phương án bán lại toàn bộ phần vốn trong dự án cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

1 năm sau, SCIC tháng 6/2016 cho biết không xem xét mua lại khoản đầu tư ngoài ngành này của TKV, bởi pháp lý về sở hữu cổ phần của TKV là chưa rõ ràng, tỷ lệ sở hữu thấp trong khi các cổ đông không thực hiện góp vốn; ngoài ra, còn do CTCP Đầu tư Phát triển KKT Hải Hà đang trong quá trình giải thể và dự án đã dừng triển khai nhiều năm. Dù vậy, SCIC cũng bỏ ngỏ khả năng nhận chuyển giao trong trường hợp TKV thực hiện các bước bán đấu giá, bán thoả thuận nhưng không thành công.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính phủ tháo gỡ khó khăn chồng lấn khu vực khai thác than cho TKV

    Chính phủ tháo gỡ khó khăn chồng lấn khu vực khai thác than cho TKV

    19:33, 03/09/2019

  • “Chốt sổ” cổ phần hóa TKV hết năm 2020

    “Chốt sổ” cổ phần hóa TKV hết năm 2020

    00:15, 21/08/2019

  • Vì sao tiến độ cổ phần hoá TKV bị chậm?

    Vì sao tiến độ cổ phần hoá TKV bị chậm?

    13:34, 23/05/2019

  • Năm 2019 TKV phấn đấu đạt lợi nhuận 3.000 tỷ

    Năm 2019 TKV phấn đấu đạt lợi nhuận 3.000 tỷ

    06:40, 27/12/2018

Sáng 27/9 tới đây trên Sở GDCK Hà Nội (HNX), TKV sẽ đưa ra đấu giá toàn bộ vốn góp góp 47,89 tỷ đồng trong Hải Hà, chia làm 299.338 cổ phần có mệnh giá 160.000 đồng/CP. Mức khởi điểm là 162.000 đồng/CP, đã bao gồm 1% giá trị "văn hoá, lịch sử".

Trong bối cảnh dự án chưa hoàn thành và ngừng hoạt động nhiều năm, tiền cũng cạn kiệt, mức giá TKV đưa ra được xem là không hấp dẫn nhà đầu tư.

Đồng thời, việc ra giá cao hơn mệnh giá đối với một doanh nghiệp muốn "chết" không được phần nào phản ánh lo ngại mất vốn nhà nước của ban lãnh đạo TKV. Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng TKV chưa hẳn đã muốn buổi đấu giá thành công, bởi như đã đề cập, tập đoàn này khi đó có cơ hội chuyển "cục nợ" tại Hải Hà cho SCIC.

Dù thuộc sở hữu của TKV hoặc sau này có thể là SCIC, thì phải nhấn mạnh rằng phần vốn nhà nước trong Hải Hà rất khó tìm chủ mới.

Được biết, giữa tháng 7/2019, Công ty TNHH PKF Việt Nam từng tư vấn, tính toán giá trị phần vốn đã đầu tư của TKV tại Hải Hà nhưng do các thông tin bị hạn chế nên các phương pháp thẩm định giá trị đều không thực hiện được. Giá trị khoản đầu tư sau đó được giữ nguyên với giá gốc do lo ngại "mất vốn nhà nước".

Báo cáo tài chính kiểm toán thể hiện tới cuối năm 2018, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 107,7 tỷ đồng, trong đó chi phí đã đầu tư vào dự án là 18,16 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 81,44 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 903 triệu đồng. Tuy nhiên khoản lỗ này chưa tính tới khoản cho vay 80,65 tỷ đồng với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân từ năm 2008 mà theo đơn vị kiểm toán Ocean Audit là không thể thu hồi được. Nếu trích lập khoản phải thu này, Hải Hà thực tế đã lỗ âm vốn chủ sở hữu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TKV "mắc cạn" tại Khu Kinh tế Hải Hà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO