TMĐT xuyên biên giới đang chiếm tỉ trọng lớn trong tổng doanh thu TMĐT tại các quốc gia Đông Nam Á, chẳng hạn Thái Lan 30%, Việt Nam 37%, Malaysia 44% và Singapore 60%.
Ngày 6/8, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA) thuộc Bộ Công thương phối hợp với TikTok tổ chức hội thảo Tìm kiếm giải pháp đột phá thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực ASEAN.
Phát biểu mở đầu hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương - khẳng định: "Thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới là một trong những ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế của các quốc gia trong khu vực ASEAN".
TMĐT xuyên biên giới đang ghi nhận những bước tiến nhảy vọt. Dẫn thống kê của hãng nghiên cứu Statista, bà Minh Huyền chỉ ra TMĐT xuyên biên giới đang chiếm tỉ trọng lớn trong tổng doanh thu TMĐT tại các quốc gia Đông Nam Á, chẳng hạn Thái Lan 30%, Việt Nam 37%, Malaysia 44% và Singapore 60%.
Để thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới, các quốc gia thành viên ASEAN đã đưa ra nhiều sáng kiến và chương trình. Trong đó, Việt Nam là nước khởi xướng Chương trình mua sắm trực tuyến ASEAN Online Sale Day. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ doanh nghiệp hưởng ứng cao nhất trong khối, trung bình khoảng 300 doanh nghiệp mỗi năm.
Bước sang năm thứ 10, ASEAN Online Sale Day 2024 diễn ra từ ngày 8/8 đến ngày 10/8 với sự tham gia của nhiều sàn TMĐT lớn. Năm nay là năm đầu tiên TikTok Shop góp mặt. Theo đại diện IDEA, sự có mặt của các nền tảng TMĐT tạo không gian lớn hơn và đa dạng hơn cho các doanh nghiệp ASEAN kết nối với khách hàng trong khu vực.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Internet nói chung và TMĐT nói riêng với phát triển kinh tế ASEAN, ông Nguyễn Lâm Thanh – đại diện TikTok Việt Nam – chia sẻ, người tiêu dùng trong khối sẽ không chỉ tiêu thụ hàng hóa vật lý mà cả hàng hóa phi vật thể của nhau. Ông nhận định: "Internet đã giúp rút ngắn hai câu chuyện quan trọng trong thương mại, đó là không gian và thời gian. Gần đây, xuất hiện xu hướng mới là bỏ qua ngôn ngữ".
Trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu tìm hiểu đặc sản, văn hóa, hàng hóa của các cộng đồng, dân tộc khác rất lớn, dẫn đến hàng hóa của một nước có thể đến với thị trường lớn hơn nhiều. Mong muốn vươn ra thế giới của tất cả doanh nghiệp là xu thế không thể thay đổi, đặc biệt khi rào cản cuối cùng là ngôn ngữ cũng được phá bỏ.
Đại diện TikTok Việt Nam dự đoán một tương lai nơi người dân ở nước này có thể đăng bán hàng hoặc mua sắm ở nước khác mà không cần biết tiếng ở đó.
Với lợi thế không chỉ là nền tảng giải trí mà còn là đa phương tiện, đa công cụ và đa ngôn ngữ, tính đến cuối năm 2023 tại Việt Nam, TikTok đã có hơn 3 triệu pháp nhân kinh doanh trên nền tảng có thu nhập. Theo ông Huỳnh Khang, đại diện Bộ phận Giải pháp Doanh nghiệp TikTok, trong kỷ nguyên nội dung như hiện nay, nếu muốn đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, doanh nghiệp cần phải phối hợp giữa nội dung và thương mại.
Đồng thời, để thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới, người bán hàng cần nắm bắt các sự kiện bán hàng quan trọng tại những thị trường mục tiêu, như Tết Âm lịch, Lễ hội té nước Songkran (Thái Lan) hay Lễ Hari Raya (Singapore)... Trong những dịp này, người bán hàng nên khai thác tối đa và vận dụng công cụ TMĐT để tiếp cận khách hàng, tăng lưu lượng truy cập.