Tín dụng - Ngân hàng

Tọa đàm Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Con đường tiếp cận vốn mới

Song Nhi 21/10/2024 14:23

Tọa đàm “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam” sắp diễn ra.

Sự kiện do Ban Nhân dân cuối tuần (Báo Nhân Dân) phối hợp cùng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức.

Đại diện lãnh đạo Báo Nhân Dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Tài chính–Ngân sách của Quốc hội cùng nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cộng đồng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính (fintech),… tham gia thảo luận nhằm góp phần làm rõ hơn những khuyến nghị từ báo cáo kết quả nghiên cứu lần hai vừa được IDS hoàn thành để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Nhiều chương trình vay vốn ưu đãi đã phát huy hiệu quả giải ngân. Ảnh minh họa: T.L
Nhiều chương trình vay vốn ưu đãi đã phát huy hiệu quả giải ngân. Ảnh minh họa: T.L

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm có bài viết mang tựa đề: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới".

Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thường xuyên rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo,... bảo đảm khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp”.

Trước yêu cầu đặt ra, việc hình thành tài chính toàn diện để bảo đảm sự công bằng cho mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý, thuận tiện, có trách nhiệm và bền vững là xu thế trong thập niên thứ hai và thứ ba của thế kỷ 21. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng của thế giới khi Chính phủ đã sớm hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) để xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Việt Nam cũng là một trong 25 quốc gia ưu tiên tập trung phát triển tài chính toàn diện trong Sáng kiến phổ cập tiếp cận tài chính đến năm 2020.

Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến 2030 (Chiến lược). Chiến lược xây dựng mục tiêu tổng quát là tối đa hóa các đối tượng được tiếp cận và sử dụng an toàn các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp, có chi phí hợp lý, có trách nhiệm và bền vững, được cung ứng bởi các tổ chức hợp pháp.

Sau gần 5 năm triển khai Chiến lược, đây là thời điểm thích hợp để xem xét quá trình hiện thực hóa mục tiêu đang đặt ra những vấn đề gì cần được giải quyết. Đặc biệt là đối tượng mục tiêu gồm “Tất cả mọi người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh” được thụ hưởng chính sách như thế nào?

Tại toạ đàm công bố kết quả nghiên cứu lần thứ nhất, tổ chức tháng 7/2024, IDS đã phân tích thực trạng bức tranh tài chính toàn diện tại Việt Nam sau gần 5 năm thực hiện Chiến lược. Theo đó, nhờ sự tăng trưởng nhanh ở cả số lượng kênh cung ứng dịch vụ và tốc độ chuyển đổi số, tỷ lệ người trưởng thành tiếp cận dịch vụ tài chính hiện đại đã tăng trưởng nhanh.

Tuy nhiên, nghiên cứu của IDS dựa trên số liệu của WB chỉ ra rằng, nếu phân chia theo mức thu nhập (đối với nhóm cá nhân) và quy mô (đối với nhóm doanh nghiệp) thì bức tranh về tiếp cận dịch vụ tài chính trên quy mô toàn quốc có sự phân hóa đáng chú ý. Đối với nhóm cá nhân, mức độ cải thiện về sở hữu tài khoản của nhóm thu nhập thấp nhất gần như không đáng kể theo thời gian và cách xa so với các nhóm thu nhập cao hơn. Tương tự như vậy đối với nhóm doanh nghiệp, tình hình sở hữu tài khoản kém hơn qua thời gian ở cả ba nhóm quy mô (nhỏ-vừa-lớn); khoảng cách về tiếp cận dịch vụ tài chính doãng rộng ra theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp nhỏ. Đối với nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh (khoảng 5-6 triệu) khả năng tiếp cận tín dụng chính thức cũng rất hạn chế.

TS Trần Văn – Viện trưởng IDS phân tích: “Tại tọa đàm, chúng tôi công bố báo cáo nghiên cứu lần hai, đi vào phân tích kinh nghiệm quốc tế trong việc thực thi các chính sách chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính để hiện thực hóa các mục tiêu của chiến lược tài chính toàn diện. Thông lệ tốt của thế giới cho thấy việc áp dụng công nghệ giúp các dịch vụ tài chính ngân hàng có thể được cung cấp ở bất cứ nơi nào, kể cả không có sự hiện diện của ngân hàng. Nhờ đó, những rào cản đối với tài chính toàn diện như thu nhập, chi phí và khoảng cách địa lý gần như được xóa bỏ, giúp cho cả những người nghèo, người thu nhập thấp - những đối tượng trước đây chưa từng tiếp cận với dịch vụ tài chính có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính thuận lợi hơn”.

Các quốc gia đang phát triển muốn bao phủ nhanh và hiệu quả dịch vụ tài chính chính thức, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để hiện đại hóa các kênh cung ứng dịch vụ tài chính hiện đại. Việt Nam không chỉ đi sau mà còn có quy mô thị trường lớn với gần 100 triệu dân, nếu không có giải pháp đột phá, không sử dụng công nghệ, sẽ khó tăng tốc. Mặc dù thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số dịch vụ tài chính, song thực trạng bức tranh tiếp cận dịch vụ cho thấy vẫn còn dư địa lớn để cải thiện.

Tham gia tọa đàm, đại diện của một số hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp tiên phong triển khai fintech đưa đến những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình triển khai dịch vụ công nghệ tài chính đáp ứng yêu cầu của một thị trường có quy mô 100 triệu dân. Tài chính số trở thành giải pháp hiệu quả để phục vụ người dân từ rừng núi đến biển xa, từ quê nghèo lên phố lớn, giải quyết hiệu quả bài toán tài chính toàn diện quốc gia nhờ xóa nhòa những rào cản về thu nhập, chi phí và khoảng cách địa lý. Qua đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất những kiến nghị về cơ chế chính sách tạo đòn bẩy cho việc gia tăng bao phủ dịch vụ tài chính chính thức cũng như chuyển đổi số dịch vụ tài chính thông qua việc kiến tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho tất cả các tổ chức tham gia như mục tiêu mà Chiến lược đã đặt ra ngay từ ban đầu.

Nghiên cứu của IDS chỉ ra rào cản lớn nhất hiện nay nằm ở khung pháp lý đối với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính (fintech). Nhóm này sở hữu nhiều tiềm năng phát triển nhờ các lợi thế về công nghệ, dữ liệu, chi phí vận hành, cơ hội kinh doanh…, là động lực cho thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng nhìn nhận: “Các vấn đề rủi ro có thể được hóa giải nhờ sự hợp tác giữa tổ chức tài chính, tín dụng truyền thống và các đối tác fintech (không cạnh tranh, hợp tác lấp đầy khoảng trống thị trường,…). Vướng mắc lớn nhất hiện nay là khung pháp lý, song điều này nằm trong tầm tay của cơ quan quản lý. Thay vì phải bỏ ra các nguồn lực hữu hình, Nhà nước có thể cùng hợp tác phát triển bằng nguồn lực vô hình là xây dựng khung pháp lý phù hợp cho sự phát triển của hoạt động ứng dụng công nghệ nói chung và fintech nói riêng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tọa đàm Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Con đường tiếp cận vốn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO