Việc Ukraine mời Trung Quốc tham gia vào giải quyết cuộc xung đột với Nga đặt ra những câu hỏi về tính toán của Kiev đối với vai trò của Bắc Kinh.
Tháng 3/2022, Tổng thống Ukraine thẳng thừng tuyên bố Hungary “nên quyết định đứng về phía ai” trước lập trường lấp lửng của Budapest đối với chiến sự Nga – Ukraine. Cũng trong tháng đó, ông Zelensky chỉ trích Đức vì vẫn duy trì quan hệ thương mại với Moscow. Thế nhưng một năm sau, Kiev lại thể hiện một động thái ngoại giao mềm dẻo với Trung Quốc – đối tác có quan hệ “không giới hạn” với Nga. Vậy “động cơ” của ông Zelensky là gì?
Theo nhiều chuyên gia, động thái nói trên của lãnh đạo Kiev bắt nguồn từ năng lực tài chính vững mạnh của Trung Quốc. Thật trớ trêu, không phải Mỹ, ông Zelensky đang kỳ vọng có thể đón nhận một nguồn đầu tư lớn từ Trung Quốc để tái thiết đất nước sau chiến tranh. Bằng cách không “chọc giận” Bắc Kinh, ông Zelensky có thể muốn giữ vị thế của Trung Quốc như một nhà đầu tư, đối tác thương mại hay trung gian hòa giải tiềm năng.
>>Thế khó của ông Tập Cận Bình khi thăm Nga
Trước chiến tranh, hợp tác kinh tế của hai bên đã tăng trưởng đáng kể và còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng. Số liệu cho thấy kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 là 15,4 tỷ USD và đã tăng thêm gần 5 tỷ USD chỉ sau 1 năm. Kiev thậm chí đã bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc vào năm 2022 liên quan đến các chính sách của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Trước cuộc gặp của lãnh đạo Nga – Trung, có nhiều đồn đoán rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ tổ chức một cuộc điện đàm đầu tiên với ông Zelensky. Bản thân Zelensky cho biết cũng sẵn sàng để ngỏ cho một cuộc đối thoại do Trung Quốc dẫn đầu.
“Tôi nghĩ rằng một số đề xuất của Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và tôi nghĩ chúng ta có thể làm việc với Trung Quốc. Tại sao không? Mục tiêu của chúng tôi là tập hợp nhiều người xung quanh chúng tôi”, lãnh đạo Ukraine nói trong một cuộc họp báo.
Có một cách lý giải khác, đó là Ukraine không muốn tạo thêm một kẻ thù hùng mạnh khác. Trung Quốc vẫn có khả năng xuất khẩu vũ khí cho Nga và hứa hẹn sẽ là tác nhân thay đổi cục diện chiến sự Nga- Ukraine.
Tuy nhiên, mối quan hệ Ukraine-Trung Quốc trong vài năm qua cũng tồn tại những bất đồng lớn. Có thể kể đến thương vụ Ukraine bán MotorSich – nhà sản xuất động cơ hàng không lớn nhất nước – cho Trung Quốc. Mỹ và phương Tây đã kịch liệt phản đối vụ mua bán này, lo ngại rằng các công nghệ quân sự quan trọng có thể rơi vào tay Bắc Kinh.
Năm 2017, công ty Skyrizon Aviation của Trung Quốc và MotorSich đã yêu cầu Ủy ban chống độc quyền của Ukraine (AMCU) phê duyệt việc sáp nhập, nhưng thất bại với lý do an ninh quốc gia. Từ năm 2020, chính phủ Ukraine xem xét quốc hữu hóa tập đoàn này. Vụ việc khiến các nhà đầu tư Trung Quốc kiện Ukraine ra các tòa quốc tế, đòi lại 3,5 tỷ USD và khoảng 4,5 tỷ USD bồi thường.
Theo ông Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban về đối ngoại của Quốc hội Ukraine, hiện tại quan hệ ngoại giao của Ukraine với Trung Quốc đã rơi vào khủng hoảng. “Việc Trung Quốc ủng hộ Nga chắc chắn sẽ có hậu quả đối với Ukraine và chính sách của Trung Quốc đối với Ukraine. Ngoài ra, Ukraine rõ ràng đã chọn con đường hội nhập Châu Âu và điều này trái ngược với hướng phát triển quan hệ với Trung Quốc”, ông cho biết.
Theo đó, ông Merezhko cho rằng cách tiếp cận ngoại giao của Ukraine đối với Trung Quốc là chính trị thực dụng, và có rất ít hy vọng về sự giúp đỡ thực sự từ Trung Quốc. “Có lo ngại rằng nếu chúng ta bắt đầu chỉ trích Trung Quốc gay gắt hơn, Bắc Kinh sẽ lấy đó làm cái cớ để tăng cường viện trợ cho Nga, thậm chí bắt đầu cung cấp viện trợ quân sự”, Merezhko nói với Politico.
Một thỏa thuận hòa bình có lẽ là điều xa xỉ vào lúc này, và Kiev trông mong vào một số điểm thực tế hơn trong kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh.
>>Hòa đàm Nga - Ukraine: Vì sao Mỹ cần vai trò Trung Quốc?
Cam kết không sử dụng hạt nhân có lẽ là một thành công mà Ukraine đang chờ đợi sau cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Putin. Ông Serhiy Herasymchuk, Phó giám đốc Hội đồng Chính sách Đối ngoại Ukraine, kỳ vọng an ninh hạt nhân sẽ là một vấn đề được thống nhất. “Cần đảm bảo rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine; hoặc nói về việc phi quân sự hóa Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia”, ông Herasymchuk nhấn mạnh.
Ngoài ra, một tiến bộ trong vấn đề an ninh lương thực cũng giúp cả Trung Quốc và Ukraine hưởng lợi, đặc biệt là sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen. Hiện tại, Trung Quốc là nước nhận ngũ cốc chính của Ukraine thông qua ba hành lang trong thỏa thuận của Liên Hợp Quốc.
Ông Herasymchuk chỉ ra: “Trung Quốc có khả năng gây áp lực buộc Nga phải kéo dài sáng kiến này lâu hơn nữa và có khả năng mở rộng sáng kiến tới các cảng Mykolaiv phía Nam Ukraine”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng Ukraine nên thận trọng trong việc “làm thân” với Bắc Kinh trước khi hiểu được mục tiêu chiến lược thực sự của Trung Quốc là gì. “Tôi không chắc giới lãnh đạo Ukraine hiểu lợi ích của Trung Quốc. Sẽ là ngây thơ khi mong đợi Bắc Kinh làm trung gian mà không tính đến lợi ích lớn hơn của họ”, ông Herasymchuk nói.
Có thể bạn quan tâm