Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa cho biết Chính phủ nước này sẽ đưa ra chương trình tín dụng trị giá 50 tỷ USD
Để tài trợ cho những dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương trong vòng 3 năm tới. Chương trình tín dụng này được cho là nhằm đối trọng với Trung Quốc và hậu thuẫn, bổ sung cho chương trình trước đó để có được hiệu ứng cộng hưởng khi quốc gia này đặt nó vào trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Đối trọng với Trung Quốc
Cách đây 3 năm, sau khi Trung Quốc tung ra ý tưởng thành lập Ngân hàng Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) với tổng số vốn khoảng 100 tỷ USD nhằm tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng châu Á, thì Nhật Bản cũng đưa ra Chương trình tín dụng tài trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 110 tỷ USD thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Cùng với chương trình tín dụng mới này, chính phủ Nhật Bản sẽ sử dụng tiềm lực tài chính và kinh tế của đất nước để đồng thời theo đuổi nhiều mục đích khác nhau.
Song song với những dự án phát triển cơ sở hạ tầng này đương nhiên sẽ là việc sử dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại của Nhật Bản. Đây được xem là hình thức xuất khẩu công nghệ, kỹ thuật của quốc gia này, đó là chưa kể những ảnh hưởng kinh tế và chính trị. Trong khi đó, cách làm của Trung Quốc không hề khác, Trung Quốc thậm chí còn đi xa hơn thế với AIIB và sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” khi ưu tiên sử dụng lao động Trung Quốc và tạo sự phụ thuộc của nước sở tại vào nguồn vốn tài trợ của Trung Quốc.
Tầm nhìn của Nhật Bản vượt ra ngoài khuôn khổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuất phát từ ý tưởng về Bộ tứ Mỹ- Nhật Bản- Ấn Độ- Australia, tạo nên một khu vực mới mà Trung Quốc không còn là trung tâm duy nhất.
Tiếp đến là mục tiêu cạnh tranh với chiến lược của Trung Quốc ở châu Á. Trên phương diện này, Nhật Bản đã và đang bị Trung Quốc thách thức rất quyết liệt và không khoan nhượng sau khi Trung Quốc gặt hái được một số thành công ban đầu với AIIB và trong việc triển khai sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”. Ở đây, Nhật Bản ganh đua với Trung Quốc bằng chính chiến lược của Trung Quốc là sử dụng tiềm lực tài chính dồi dào, là đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước có nhu cầu, nhưng không có đủ vốn đầu tư và không được Ngân hàng thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tài trợ. Qua đó, Trung Quốc thu lợi về kinh tế và thương mại, mở rộng thị trường, đồng thời có được ảnh hưởng chính trị ở nước sở tại, kể cả ở khu vực. Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” là cái vỏ bọc tuyệt hảo cho những suy tính lợi ích chiến lược lâu dài của Trung Quốc ở châu Á, mà Nhật Bản hiện không có được chương trình tương tự.
Thách thức của các nước trong khu vực
Chương trình tín dụng mới của chính phủ Nhật Bản xem ra nhằm khắc phục điểm yếu nói trên của nước này trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Tầm nhìn của Nhật Bản vượt ra ngoài khuôn khổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuất phát từ ý tưởng về Bộ tứ Mỹ- Nhật Bản- Ấn Độ- Australia, tạo nên một khu vực mới mà Trung Quốc không còn là trung tâm duy nhất. Nhật Bản và cá nhân ông Abe là những động lực quan trọng nhất và hăng hái nhất đối với việc định hình khu vực rộng lớn mới này. Thực chất, Nhật Bản và Trung Quốc trong chuyện này đều không khác gì nhau khi chủ trương bỏ ra một đồng vốn để thu về bốn, năm cái lời.
Giữa hai nước này hiện đang có cuộc ganh đua thực sự giành giật thị trường, vai trò và ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ở cả khu vực Ấn Độ Dương. Công cụ của họ là tín dụng và vốn đầu tư. Phương cách của họ là đầu tư vào những dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Theo đó, các nước trong khu vực vừa thuận lợi, vừa khó xử vì đều có quan hệ hợp tác tốt đẹp với cả hai nước mà không thể tránh khỏi bị đẩy vào tình thế phải lựa chọn hợp tác với bên này hay bên kia. Trung Quốc không chỉ thuyết phục, vận động các nước trong khu vực, mà còn gây áp lực chính trị đối với họ. Có những nước vì lý do chính trị nào đó mà phải thiên lệch hẳn về phía Trung Quốc. Cũng có những nước gắng gượng tạo thế cân bằng giữa hai đối tác này.
Tuy nhiên, cách tiếp cận thích hợp nhất là xuất phát từ lợi ích quốc gia, cụ thể ở đây là hiệu quả thiết thực nhất và lớn nhất của dự án phát triển cơ sở hạ tầng, là sự đảm bảo sử dụng nguồn vốn này trong khả năng thực tế hoàn trả được, chứ không bị đẩy vào tình thế không trả được nợ mà bị lệ thuộc về chính trị hoặc phải trả giá đắt trên các phương diện khác. Bài toán đặt ra cho các nước này cần phải giải là tận dụng mọi nguồn lực tài chính mà không bị bên này công cụ hoá để sử dụng cho cạnh tranh chiến lược với bên kia.