Các chi phí của doanh nghiệp đang tăng cao, như chi phí liên quan đến người lao động và chi phí đầu vào nhưng vẫn chua có dấu hiệu giảm nhiệt.
>>VCCI kiến nghị 8 giải pháp với Quốc hội
Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nêu ra những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, tại cuộc làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn công tác của Quốc hội với VCCI, ngày 19/8.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, lớn nhất là thiếu hụt dòng vốn trong khi việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng lại hạn chế. Cụ thể, khảo sát của VCCI cho thấy có tới 47% doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, trong đó 4% phải huy động vốn từ các nguồn tín dụng khác.
Hiện nay, để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm. Đây là điều kiện rất khó đáp ứng nhất, khi doanh nghiệp vừa trải qua hai năm khốn khó bởi dịch bệnh.
Ngay cả khi được hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP, nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận. Đáng lo ngại hơn, lãi suất cho vay nguy cơ tăng cao hơn khi lãi suất huy động đang tăng.
Chi phí đầu vào tăng cao cũng là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp. Theo đó, từ đầu năm đến nay, các nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng rất nhanh, khiến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao.
Mặc dù Chính phủ đã quyết liệt ban hành nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát, giảm giá xăng, dầu - nguyên vật liệu cho nhiều ngành sản xuất, nhưng đến nay tình trạng giá nguyên liệu đầu vào ở một số ngành vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phân tích, theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, một trong những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh là tiếp cận, mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh.
Nguyên nhân xuất phát từ sự phức tạp của các thủ tục hành chính thuê chuyển nhượng đất đai (42,5%), quy hoạch đất đai của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp (39,3%), việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và địa phương "thiếu quỹ đất sạch".
Mặt khác, doanh nghiệp cũng bức xúc vì công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và việc xử lý hồ sơ về đất đai lâu hơn quy định. Những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 53,8% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
>>VCCI - “điểm tựa” cho cộng đồng doanh nghiệp
>>VCCI sẽ tạo ra sự “khác biệt” cho các hội viên
>>VCCI lắng nghe khuyến nghị từ các hội viên mới
Ngoài ra, mặc dù một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực cũng đang là một cản trở trong thu hút đầu tư FDI, đặc biệt với các dự án có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.
Bên cạnh đó, mức độ tiếp cận các chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế. Kết quả điều tra doanh nghiệp của VCCI cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đã hưởng hỗ trợ từ các chương trình đều dưới 8%. Khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ còn chưa cao.
“Một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn gây phiền hà, khó khăn cho việc tuân thủ của doanh nghiệp như thủ tục trong các lĩnh vực thuế, phí, đất đai, bảo hiểm xã hội và xây dựng. Đặc biệt, là nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, hiệu quả thực thi của một số cơ quan nhà nước còn chưa cao. Tình trạng mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp những tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023, VCCI kiến nghị một số giải pháp lớn cần thực hiện, như tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước.
Ví dụ, lập phương án giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, tiếp tục nghiên cứu để giảm mức thuế suất ưu đãi thuế nhập khẩu xăng; xây dựng phương án giảm tiền điện - một trong những chi phí đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thực sự phát huy hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
15:11, 19/08/2022
02:37, 12/08/2022
17:24, 10/08/2022
13:38, 10/08/2022
18:03, 30/07/2022