Từ tháng 10/2020, sau khi nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương từ chức chủ tịch HĐQT tại CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD), ông Dương cũng đã bán ra hơn 1 triệu cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn tại công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam này.

Trước đó, lần lượt Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công, Phó Tổng giám đốc Trần Quang Quân, thành viên HĐQT Trần Quyết Thắng, kế toán trưởng Vũ Thị Hồng Hạnh, toàn bộ 3 thành viên ban thư ký HĐQT đều đã từ nhiệm. Đồng thời, HĐQT Coteccons cũng thông qua đơn từ chức của Phó Tổng giám đốc Trần Văn Chính.

Nguyên nhân khiến hàng loạt nhân sự chủ chốt của Coteccons rời công ty được cho là bởi những mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông ngoại, do quỹ đầu tư Kusto dẫn đầu và ban lãnh đạo người Việt đã kéo dài trong một thời gian khá lâu. Mặc dù khẳng định mâu thuẫn đã được giải quyết, nhưng cuối cùng ông Nguyễn Bá Dương vẫn rời công ty sau hơn 16 năm làm Chủ tịch.

Việc ông Nguyễn Bá Dương rút khỏi Coteccons được nhận định là dấu chấm hết cho hệ sinh thái mang tên Coteccons Group với Unicons, Ricons, F.D.C (Newtecons), BM Windows, Boho Décor, Dcons, SMART… có mối quan hệ qua lại mật thiết và từng được marketing cùng nhau.

Ngay sau đó, Coteccons đã nhanh chóng bổ nhiệm ông Trần Trí Gia Nguyên (Michael Tran) và ông Phạm Quân Lực đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc. Đến nay, HĐQT Coteccons gồm 6 thành viên và có tới 5 thành viên là người nước ngoài. Chủ tịch mới của nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam này là ông Bolat Duisenov, quốc tịch Kazakhstan, CEO Kusto Việt Nam.

Đây cũng là năm Coteccons giảm số lượng nhân sự tại công ty mẹ mạnh nhất kể từ trước đến nay. Con số hợp nhất (tổng hợp tại các đơn vị liên quan) cũng giảm đáng kể (từ mức 2.272 người chỉ còn 1.793 người) tương đương giảm gần 500 nhân sự.

Bắt đầu từ quý 4/2020, là quý kinh doanh đầu tiên Coteccons hoạt động dưới vai trò điều hành của ban lãnh đạo mới sau khi nhóm Kusto lên nắm quyền. Tính tới 31/12/2020, tổng tài sản của Coteccons giảm 12,3% về còn 14.204 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 7.841 tỷ đồng, chiếm 55,2% tổng tài sản.  Tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kì hạn hết năm 2020 còn gần 3.248 tỷ đồng, giảm 794 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh thu đạt 14.597 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 463,5 tỷ đồng, lần lượt bằng 61,5% và 65,2% so với thực hiện trong năm 2019.

Đại diện công ty cũng cho rằng, nguyên nhân khiến chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm, là do chịu tác động của dịch COVID-19 khiến nhiều dự án bất động sản giãn tiến độ xây dựng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons luôn được biết đến là “kép phụ” của Coteccons khi mà “ông lớn số 1” ngành xây dựng đang nắm giữ 14,3% vốn tại công ty. Trong bối cảnh mâu thuẫn giữa lãnh đạo Coteccons và cổ đông lớn quỹ đầu tư Kusto, Ricons đã có động thái tranh thủ xác lập “ranh giới” rõ ràng với Coteccons.

Đầu tiên là thay đổi nhận diện thương hiệu, thay thế cụm từ "Coteccons Group" bằng "Since 2004", đồng thời Ricons cũng chuyển trụ sở ra khỏi tòa nhà Coteccons Group về tòa nhà Saigon Pavillon, số 53-55 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, Tp.HCM.

Ngày 10/10/2020, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons đã tiến hành ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 nhằm thông qua một số nội dung đáp ứng sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, cũng như bảo đảm quyền lợi của cổ đông trong thời gian tới.

Trong đó, Ricons trình xin ý kiến về việc đổi từ Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons thành thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons Group), với hệ sinh thái Ricons Group bao gồm các thương hiệu: Ricons (tổng thầu), Riland (đầu tư và phát triển bất động sản), Rihomes (sàn giao dịch bất động sản thuộc Riland), Rilex (cho thuê không gian làm việc thuộc Riland), Risa (khối quản lí bất động sản thuộc Riland), Ricommerce (khối thương mại thuộc Riland), QuiHub (cho thuê kho bãi và nhà xưởng). Công ty còn có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE ngay trong năm 2021 dưới sức ép từ cổ đông ngoại Dragon Capital.

Chủ tịch HĐQT Ricons, ông Trần Quang Quân chia sẻ, mục tiêu của Ricons Group không chỉ là hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín ngành xây dựng, mà còn hướng đến giấc mơ về tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam trong tương lai.

Đây được coi là những động thái cụ thể thể hiện sự quyết tâm vươn mình trở thành một thế lực thực sự trong ngành xây dựng của Ricons Group. Tuy nhiên, để tránh “vết xe đổ” mà Coteccons đã để lại, ban lãnh đạo cùng cả Ricons Group còn cần nhiều thời gian để nỗ lực và chứng minh mình.

Cuối năm 2020, doanh nhân Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE:HBC) đã chính thức làm lễ chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc điều hành doanh nghiệp cho ông Lê Viết Hiếu, con trai ông. Trong chia sẻ của mình, vị doanh nhân cho biết, sự bổ nhiệm này không đơn thuần là một sự thay thế người điều hành, mà còn là sự bắt đầu của kế hoạch chuyển giao thế hệ lãnh đạo và quan trọng hơn là sự khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Hòa Bình.

Tân lãnh đạo Lê Viết Hiếu sinh năm 1992, tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp tại trường California Polytechnic State University (Mỹ). Trước khi đảm nhận vị trí điều hành cao nhất Tập đoàn Hòa Bình, ông Hiếu làm việc hai năm tại Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam. Giai đoạn từ năm 2016- 4/2020, ông về làm tại Hòa Bình, đảm nhận các vị trí Giám đốc phát triển thị trường nước ngoài và Phó Tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc, kiêm Thành viên HĐQT.

Đến 23/7/2020, ông Lê Viết Hiếu chính thức được HĐQT bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Tiếp nhận “ghế nóng” của Tập đoàn, ông Lê Viết Hiếu đã cam kết sẽ kế thừa toàn bộ di sản quý giá của Tập đoàn để tiếp bước và tạo nên những thành tích mới trong giai đoạn phát triển sắp tới.

Theo số liệu của Hòa Bình, đây là doanh nghiệp xây dựng có tốc độ phát triển nhanh và ổn định trong ba thập kỉ. Doanh thu năm 2008 là 696 tỉ đồng; năm 2013 tăng gấp 5 lần, lên 3.432 tỉ đồng; đến năm 2018 lại tăng gấp 5 lần, đạt 18.299 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong vai trò là lãnh đạo một Tập đoàn xây dựng lớn như vậy, cũng là thách thức không nhỏ đối với một người trẻ như ông Lê Viết Hiếu.

Tân CEO Hòa Bình Group cho biết, công thức thành công của ông là làm sao kết hợp được kinh nghiệm của người đi trước và sức trẻ của người đi sau, kết hợp tất cả giá trị lại. Hòa Bình có những nhân sự đi cùng với doanh nghiệp từ lúc thăng trầm đến vinh quang và những nhân sự này có giá trị rất lớn đối với tập đoàn.

Theo ghi nhận, ngành xây dựng đang trong giai đoạn giảm sút đã tác động lên tình hình kinh doanh chung của doanh nghiệp. Lũy kế cả năm 2020, Ricons đạt 251 tỷ đồng lãi ròng còn Coteccons đạt 463 tỷ đồng; trong khi đó lợi nhuận của Hòa Bình giảm sâu xuống còn 70 tỷ.

Là đơn vị được sinh ra và "nuôi nấng" bởi Coteccons, Ricons những năm đầu mang chuẩn hình hài của công ty mẹ: Doanh thu lợi nhuận tăng mạnh mẽ, cơ cấu tài chính không nợ vay. Từ năm 2017, lợi nhuận Coteccons liên tục sụt giảm, thì quý 4/2020 là quý đầu tiên Ricons chính thức vượt mặt Coteccons về lợi nhuận ròng.

Cũng theo Ricons, dù nhiều năm liền đi chung với Coteccons, tuy nhiên quyết định rút khỏi công ty mẹ từ đầu năm 2020 sẽ không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Công ty. Liên quan đến kế hoạch niêm yết, đại diện công ty cho biết đã gửi hồ sơ cho đơn vị tư vấn để hoàn tất các thủ tục và nộp hồ sơ lên HoSE, đang trong quá trình xem xét và chờ phê duyệt của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Dự báo, chậm nhất quý 2/2021 Ricons sẽ chính thức niêm yết.

Về phía Coteccons, trong kế hoạch cho năm 2021, Coteccons đặt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu (tương đương 23.052 tỷ đồng) và 5% lợi nhuận gộp. Giữa bối cảnh toàn ngành xây dựng giảm sút, con số trên có thể xem là đầy thách thức cho Coteccons, chưa kể những gói thầu gần đây cũng doanh nghiệp không quá nhiều và lớn. Các dự án đình đám của thời hoàng kim mà thực tế Ricons là nhà thầu trực tiếp thi công như tháp Landmark, cũng không có. Sự rời đi của Ricons và những nhà lãnh đạo lâu năm trong ngành này, đặt Coteccons trước mối nguy bị cạnh tranh bởi chính "đứa con" ngày nào, đang được dẫn dắt bởi "người cũ">

Đối với Tập đoàn Hoà Bình, năm 2020, với những diễn biến phức tạp từ đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành xây dựng đã chậm lại, Hoà Bình kết thúc năm 2020 với chỉ số tương đối bi quan. Luỹ kế cả năm, Hoà Bình đạt 11.228 tỷ đồng doanh thu thuần, 70 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 40% và 83% so với năm 2019. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế thấp nhất của doanh nghiệp từ năm 2015. 

Nói về ngành, theo giới chuyên gia, thị trường xây dựng Việt Nam đang ở cuối giai đoạn tăng trưởng, chuẩn bị bước vào thời kỳ tái cấu trúc với mức tăng dự đoán giảm nhẹ về 6,8%/năm đến năm 2028 (con số 10 năm trước là 7,1%). So với thế giới, mức tăng tại Việt Nam bỏ xa các thị trường bão hoà khác, đơn cử ở nước phát triển thị trường hiện chỉ tăng 1,7%/năm, con số trung bình ngành toàn cầu vào khoảng 3,4%/năm.

Sự chững lại và phân hoá của ngành thể hiện rõ trên chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó cũng không tránh khỏi với trường hợp của những Coteccons, Hoà Bình và Ricons. Chưa kể, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp, điều này dự kiến sẽ gây không ít khó khăn cho 1-2 năm tới.

Liệu Coteccons có giữ vững được ngôi vương của mình trong ngành xây dựng hay không? Còn Hòa Bình có chớp được thời cơ khó khăn của người đi đầu để khẳng định cơ đồ giai đoạn mới? Hay Ricons có trở thành ẩn số sớm bừng sáng và thực sự đe dọa ngôi vương lẫn vị thế á quân của hai ông lớn lâu năm hơn? Doanh nghiệp nào sẽ vươn lên ở vị trí dẫn đầu trong thời gian tới - Điều đó phụ thuộc nhiều vào sự điều hành của các lãnh đạo sau qua trình thay đổi và chuyển giao không kém ồn ào.