Để cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại 2 vào năm 2025, Điện Biên Phủ đang đẩy mạnh cải thiện chất lượng điều hành bộ máy chính quyền, CCHC tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch...
Ông Hà Quang Trung, Bí thư Thành uỷ, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, tổng giá trị thương mại, dịch vụ trên địa bàn đạt 7.690 tỷ đồng; giá trị sản xuất Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp đạt 1.570 tỷ đồng; giá trị sản xuất Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản đạt 390 tỷ đồng; giá trị xây dựng cơ bản đạt 2.700 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn phấn đấu đạt trên 470 tỷ đồng…
Để hiện thực hoá các mục tiêu trên, TP. Điện Biên Phủ đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trong đó, tập trung giải quyết một số vấn đề quan trọng như hoàn thiện môi trường thể chế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Đặc biệt, nhằm khắc phục triệt để những hạn chế còn tồn tại của một số cán bộ còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân; thủ tục cấp phép môi trường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác bồi thường GPMB chậm… tránh để tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” TP.Điện Biên Phủ đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Theo ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ, thực hiện Kế hoạch 2559/KH-UBND tỉnh Điện Biên ngày 12/9/2018 về thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Thủ Tướng chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh Điện Biên. UBND thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, ứng dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến của tỉnh triển khai, kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đáp ứng năng lực theo yêu cầu.
Để đẩy mạnh cải cách TTHC, ngoài việc đầu tư công nghệ, TP luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, lấy quan điểm phục vụ nhân dân làm gốc.
“Đến thời điểm hiện tại cán bộ công chức, viên chức có trình độ đại học trở lên đạt 99%, tỉ lệ cán bộ công chức, viên chức được bồi dưỡng quản lý nhà nước, lý luận chính trị đạt tỉ lệ trên 90%. Ngoài ra, hàng năm cán bộ công chức, viên chức được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ”, ông Dũng cho hay.
Theo ghi nhận của một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, ngoài việc tăng cường thực hiện việc khai thác thông tin TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên cơ sở giữ liệu quốc gia về TTHC, niêm yết công khai, kịp thời đầy đủ các TTHC khi có quyết định công bố TTHC của Chủ tịch UBND tỉnh tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC và trên cổng thông tin điện tử của thành phố thì, các TTHC thành phố tiếp nhận của nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không để quá hạn, tồn đọng.
Đồng quan điểm trên, ông Dũng cũng cho rằng, thành phố nghiêm cấm tự ý yêu cầu, bổ sung, đặt thêm thành phần hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật về TTHC trong quá trình giải quyết TTHC. Chỉ đạo tổ chức có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cùng cấp, ngang cấp nhằm tạo chuyển biến tích cực trong quy trình giải quyết TTHC.
Bên cạnh đó, hàng năm thành phố chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các phường, xã xây dựng kế hoạch rà soát TTHC thuộc lĩnh vực của cơ đơn vị mình quản lý, đề nghị UBND tỉnh xem xét quyết định. Các TTHC thuộc thầm quyền giải quyết của thành phố được xây dựng quy trình thực hiện chi tiết áp dụng theo Hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn TCVN ISO phiên bản từ 9001:2000 đến 9001:2015, không ngừng cải tiến, thường xuyên rà soát, kiểm tra, loại bỏ các TTHC rườm rà trong giải quyết công việc.
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công mức độ 3,4 đã tiết kiệm được từ 10 đến 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho cá nhân, tổ chức có nhiều lựa chọn trong việc giao dịch TTHC. Kết quả bình quân hàng năm, UBND thành phố Điện Biên Phủ và UBND các phường, xã tiếp nhận từ 40.000 đến 64.000 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ trên 99%”, ông Dũng khẳng định.
Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ:
Việc đầu tư thực hiện dự án một cửa liên thông theo hướng hiện đại giúp cho việc thực hiện các quy trình TTHC được công khai, minh bạch, dân chủ, văn minh, hiện đại và tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời, tạo mối quan hệ phối hợp giải quyết công việc của các phòng, ban, đơn vị khá đồng bộ, chặt chẽ. Cá nhân, tổ chức có thể khai thác thông tin và kịp thời biết được tình trạng giải quyết công việc của mình và tiết kiệm được nhiều công sức, rút ngắn thời gian giải quyết, hạn chế chờ đợi, đi lại của tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Ngoài việc đầu tư công nghệ, thành phố xác định việc đẩy mạnh CCHC tác động trực tiếp đến nhân tố con người, cần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và hiệu lực hiệu quả nhà nước.