Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trên địa bàn TP đang thi công 5 dự án nhà ở xã hội với quy mô 4.758 căn, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020.
Theo đó, 5 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai bao gồm: Dự án Khu dân cư tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) do CTCP Địa ốc Sông Đà An Nhân làm chủ đầu tư; dự án Khu nhà ở xã hội - khu nhà ở thương mại tại khu đất chợ Bình Phú cũ (phường 10, quận 6) do Cty TNHH Quản lý bất động sản Hoàng Phúc làm chủ đầu tư; khu nhà ở Hưng Phát ( quận 8) do Công ty TNHH 27 Ngọc Long làm chủ đầu tư.
Khu nhà ở xã hội thuộc dự án Khu dân cư phường Tân Phú (quận 9) của Công ty CP Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thuận Kiều. Một dự án nữa là khu nhà ở Bình Trưng Đông (quận 2) của Công ty CP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân.
Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết, tính đến nay TP đã hoàn thiện 3 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 2.000 căn hộ gồm Khu dân cư Lê Thành của chủ đầu tư Công ty TNHH Thương mại Lê Thành; dự án Tổ hợp nhà ở xã hội Tân Bình do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình làm chủ đầu tư và khu căn hộ chung cư cao tầng Natural Poem của Công ty TNHH Lee&Co.
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoReA), hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, tuy nhiên nguồn cung còn rất hạn chế do có nhiều bất cập cản trở phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Tại TP.HCM, dân số đang có khoảng 13 triệu người, tốc độ tăng dân số bình quân 2,28%/năm trong 10 năm qua (cao gấp đôi mức tăng dân số bình quân 1,14% của cả nước). Thành phố này cũng hiện đang có hơn 2,5 triệu hộ gia đình, tăng 1,4 lần so với năm 2009. Trong đó, số lượng hộ có từ 1-4 người chiếm đến 73,82%. Bên cạnh đó, hàng năm thành phố có khoảng 50.000 cặp kết hôn có nhu cầu tạo lập nhà ở riêng.
Bên cạnh đó, HoREA cho rằng, tỷ lệ cơ cấu dân cư đô thị có thu nhập trung bình và thấp đang chiếm đến 80%, đây là những đối tượng có nhu cầu lớn về nhà ở thương mại giá rẻ và đặc biệt là nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, Hiệp hội này cũng cho biết, đang có tới 13 bất cập về trong các chính sách liên quan dẫn đến sự chậm trễ trong phát triển nhà ở xã hội. Đơn cử như việc chưa có quy định hướng dẫn việc hoàn trả lại tiền sử dụng đất cho DN trường hợp doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất.
Hay các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua nhà ở xã hội hầu như chưa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội chưa cấp tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015-2020 theo quy định Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở xã hội quy định tại Luật Nhà ở còn nhiều bất cập do chưa có quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở xã hội do DN có quỹ đất do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Chưa có quy trình thủ tục đầu tư xây dựng rút gọn, đối với dự án nhà ở xã hội sử dụng “thiết kế mẫu” nhà chung cư nhà ở xã hội; Chưa có quy định về các tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất công do Nhà nước quản lý, dẫn đến lãng phí quỹ đất.
Ngoài ra, thủ tục mỗi đợt mở bán NOXH, chủ đầu tư sẽ mất tối thiểu là 60 ngày làm việc chỉ để tiếp nhận được hồ sơ mua nhà của khách hàng… ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Theo ông Lê Hoàng Châu, để “khơi thông” cho thị trường nhà ở xã hội, cần thực hiện thủ tục hành chính rút gọn để giải quyết nhanh các dự án đầu tư phát triển NOXH; tạo điều kiện để người mua cũng như chủ đầu tư dễ dàng tiếp cận các gói tín dụng hỗ trợ từ Chính phủ, sớm giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội: Điểm mặt doanh nghiệp chây ỳ trả đất công
05:00, 20/08/2020
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID – 19: Giải quyết triệt để vấn đề thủ tục pháp lý
03:11, 20/08/2020
Tăng nặng mức xử phạt chung cư vi phạm phòng cháy chữa cháy
18:40, 19/08/2020
TPHCM bán đấu giá hàng ngàn căn hộ, đất nền để thu hồi ngân sách
16:47, 19/08/2020