TP.HCM hướng tới trở thành một trong 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp năng động nhất thế giới, khẳng định vị thế trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.
Trong những năm qua, TP HCM đã có nhiều nỗ lực trong phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo không ngừng được hoàn thiện, đưa TP.HCM tiến gần đến nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất thế giới. Những thành tựu này đã góp phần quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Thành phố như một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ hàng đầu cả nước.
Tuy nhiên, sự bứt phá còn hạn chế do cơ chế, chính sách chậm đổi mới; mối liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp còn lỏng lẻo khiến việc thu hút nhân lực chất lượng cao, chuyên gia đầu ngành và các nhóm nghiên cứu mạnh còn nhiều khó khăn.
Từ thực tiễn đòi hỏi Thành phố cần có những giải pháp mang tính đột phá để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đặc biệt trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về định hướng đột phá trong lĩnh vực này trên phạm vi toàn quốc. Nghị quyết là cơ sở quan trọng để TP.HCM xây dựng chiến lược phát triển mới, huy động mọi nguồn lực để phát triển khoa học – công nghệ trở thành động lực then chốt cho tăng trưởng nhanh và bền vững.
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, lãnh đạo thành phố mong muốn những người trong cuộc, chuyên gia, nhà khoa học cần góp ý để TP HCM đi nhanh và có hiệu quả. Hướng tới mục tiêu trong vòng 5 năm tới, thành phố sẽ có số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gấp đôi, tỷ lệ chi ngân sách của thành phố cho KH-CN chiếm 3% so với tổng chi ngân sách của cả thành phố, tỷ lệ bằng sáng chế của thành phố mỗi năm tăng từ 16-18%.
Song song với các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, TP.HCM đang tích cực triển khai Đề án “Kết nối các sàn giao dịch công nghệ vùng Đông Nam Bộ”. Từ đó, hình thành hệ thống liên kết các thành phần của thị trường khoa học và công nghệ trong vùng với sàn giao dịch công nghệ tại TP HCM. Đồng thời trở thành đầu mối nhằm kết nối, hỗ trợ các bên cung cầu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tạo điều kiện cho các tổ chức doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, góp phần hiện đại hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cũng đã đề ra các tiêu chí quan trọng cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu trên 40% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, tỷ lệ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học đạt từ 8 - 10%, số lượng đơn đăng ký sáng chế và bảo hộ sáng chế tăng trung bình từ 16 - 18% mỗi năm, hình thành 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đưa TP Hồ Chí Minh lọt vào nhóm 100 hệ sinh thái khởi nghiệp năng động nhất thế giới và nằm trong nhóm ba địa phương dẫn đầu cả nước về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tại hội thảo Giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TPHCM đến năm 2030 và Công bố chương trình tuyển chọn, ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo năm 2025, TP HCM đã xác định KH-CN, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là chiến lược để phát triển Thành phố trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, hội thảo đi kèm cũng công bố cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” dành cho sinh viên, nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo trong giới trẻ, thu hút lực lượng trí thức trẻ tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (SIHUB) cũng vừa công bố chương trình tuyển chọn các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2025. Năm lĩnh vực trọng tâm được ưu tiên lựa chọn trong chương trình bao gồm: trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (Fintech), công nghiệp văn hóa, công nghệ giáo dục bền vững (Edtech) và đổi mới sáng tạo trong khu vực công, đặc biệt ở các lĩnh vực giáo dục và giao thông vận tải.
Với chiến lược rõ ràng cùng sự đồng hành của các bên liên quan, TP.HCM đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm sáng tạo của cả nước, hướng tới mục tiêu có thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao nhất Việt Nam.
Việc tổ chức hội thảo kết hợp công bố chương trình ươm tạo khởi nghiệp không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ của TP.HCM trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mà còn là bước đi cụ thể hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực trong tương lai gần.