Sở Xây dựng TP.HCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra, xử lý tất cả các trường hợp mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng trong giai đoạn 2015 - 2019.
Sở Xây dựngTP.HCM vừa ban hành kế hoạch số 12826/KH-SXD-PTN&TTBĐS tổ chức thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về hoạt động chương trình nhà ở xã hội giai đoạn 2015 -2019. Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định phải có giải pháp quyết liệt ngăn ngừa việc chuyển nhượng không đúng đối tượng các căn hộ trong dự án nhà ở xã hội nhiều năm nay.
Trong thời gian tới, Sở sẽ chủ trì phối hợp cùng Sở TN&MT, Sở Tư pháp TP và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát đối tượng mua nhà ở xã hội, xử lý, kịp thời phát hiện những trường hợp đã có nhà ở nhưng vẫn được ký hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà xã hội, và các trường hợp sử dụng không đúng mục đích. Thời hạn hoàn thiện công tác kiểm tra là ngày 5/12/2020.
Đồng thời, phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan UBND quận, huyện nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cơ quan với nhau trong việc cung cấp thông tin của đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và chế độ hậu kiểm để đảm bảo đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thực hiện theo đúng quy định.
Sau khi tổng hợp danh sách, Sở Xây dựng sẽ làm việc để làm rõ nội dung có hay không việc chi tiền “lót tay” để có suất mua. Việc kiểm tra dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12/2020.
Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết, kết quả kiểm toán trước đó cũng chỉ ra có trường hợp được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không đúng quy định. Cụ thể, có một trường hợp sinh viên mua được nhà ở xã hội và 1 trường hợp được mua 1 lúc 2 căn NOXH.
Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng có Văn bản số 8660/SXD-PTĐT gửi Bộ Xây dựng và UBND Thành phố Hà Nội báo cáo làm rõ nội dung DĐDN phản ánh liên quan đến việc muốn mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, phải “đi đêm”.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 20, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, chủ đầu tư có trách nhiệm Tổ chức tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt đối tượng và tự chịu trách nhiệm với kết quả thực hiện.
Điều 20, Nghị định 100 có trình tự cụ thể: Chủ đầu tư gửi Sở Xây dựng Kế hoạch tiếp nhận hồ sơ mua, thuê, thuê mua để công khai trên cổng thông tin của sở Xây dựng Hà Nội; Chủ đầu tư tiếp nhận và tổ chức xét duyệt hồ sơ; Chủ đầu tư lập danh sách dự kiến gửi lên Sở Xây dựng để công khai trên website của Sở Xây dựng; Sở Xây dựng kiểm tra danh sách chủ đầu tư gửi lên rà soát trùng lặp; Chủ đầu tư thực hiện ký hợp đồng với các đối tượng không trùng lặp; Chủ đầu tư gửi Sở Xây dựng danh sách khách hàng ký hợp đồng để công khai trên website của Sở Xây dựng.
KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, vấn đề là ở chỗ chưa công khai minh bạch việc xét tuyển các đối tượng NƠXH cũng như công khai thông tin quỹ NƠXH nên người có nhu cầu thì không tiếp cận được còn người không có nhu cầu thật, có tiền, xem NƠXH như cơ hội để kinh doanh thì lại dễ dàng tiếp cận. "Do đó, trong khâu xét duyệt dự án phải có sự giám sát đa chiều, nhất là các thông tin liên quan đến dự án NƠXH cần phải công khai hết mức có thể" - Ông Nghiêm nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, để xảy ra tình trạng mua bán trái phép, các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm liên đới. Phải có quy định xử lý trách nhiệm cụ thể, nghiêm khắc đối với các đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trên. "Riêng những trường hợp cố tình vi phạm, phải kiên quyết thu hồi nhà để đảm bảo công bằng chính sách cho những người nghèo thật sự" - ông Hiệp khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Quỹ đất nhà ở xã hội "bốc hơi": Luật hở, ngân sách nhà nước thất thu
15:00, 13/11/2020
Bài học từ Hàn Quốc về phát triển nhà ở xã hội
04:00, 08/11/2020
[CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN]: Quỹ đất nhà ở xã hội đang "bốc hơi"
15:35, 07/11/2020
Hà Nội: Cưỡng chế thu hồi đất phục vụ dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh
10:20, 31/10/2020