Việc hợp tác hướng đến mục tiêu giảm tải cho hệ thống y tế TP.HCM và chăm sóc sức khoẻ người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày một tốt hơn.
>>>Phát triển TP.HCM trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng
Trong khuôn khổ chào mừng Hội nghị công bố “Kế hoạch triển khai thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 và giai đoạn 2024-2025”, Giám đốc Sở Y tế của TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết thoả thuận hợp tác và phát triển trong lĩnh vực y tế.
Đây là lần đầu tiên các Giám đốc Sở Y tế ký kết hợp tác và phát triển với quy mô vùng hướng đến mục tiêu giảm tải cho hệ thống y tế TP.HCM và chăm sóc sức khoẻ người dân vùng ĐBSCL ngày một tốt hơn. Thoả thuận hợp tác được ký kết theo 2 cấp độ:
Hợp tác cấp độ 1: Hợp tác song phương giữa các cơ sở y tế với nhau, bao gồm: Hợp tác chuyển giao kỹ thuật giữa bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện địa phương; Hợp tác chuyên môn giữa các CDC tỉnh, thành; Hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước và giữa các Sở Y tế với nhau,... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của từng đơn vị, địa phương.
Hợp tác cấp độ 2: Hợp tác xây dựng và phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu từ bệnh viện tuyến cuối đến tuyến y tế cơ sở, từ TP.HCM đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Điểm mới của Thoả thuận được ký kết chính là phát triển mạng lưới các chuyên khoa theo quy mô vùng ĐBSCL đối với các bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao như Ung thư, Đột quỵ, Tim mạch, Ngoại chấn thương, Sản khoa, Nhi khoa.
Các nội dung hợp tác nhằm phát huy nguồn lực sẵn có của từng địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và y tế nói riêng của từng địa phương, đảm bảo tuân thủ các quy định chuyên môn và phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh của Bộ Y tế. Nội dung hợp tác gồm 6 nhóm lĩnh vực lớn cụ thể như sau:
Một là, hợp tác nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Ưu tiên trong gian đoạn đầu, tăng cường trao đổi thông tin về giám sát, cảnh báo dịch bệnh giữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Hai là, hợp tác, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM và các bệnh viện tuyến tỉnh thuộc vùng ĐBSCL nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân trong vùng, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM.
Ba là, hợp tác xây dựng mạng lưới các chuyên khoa với quy mô vùng ĐBSCL, ưu tiên các chuyên khoa sản, nhi, ngoại thần kinh và ngoại chấn thương, đột quy, tim mạch, ung bướu...góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, cải thiện tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh mắc những bệnh lý này
Bốn là, hợp tác trong công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo xuất phát từ yêu cầu thực tiễn; kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép thí điểm các mô hình, giải pháp giúp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý ngành...
Năm là, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế như quản lý và đánh giá chất lượng bệnh viện, phòng khám, quản lý hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn...; xây dựng mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp.
Sáu là, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người bệnh, trong lĩnh vực chuyển đổi số của Ngành y tế hướng đến xây dụng dữ liệu dùng chung về y tế với quy mô cấp vùng.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đánh giá, hợp tác này là để các địa phương cùng nhau phát triển, mục tiêu lớn nhất là liên kết để phát triển kỹ thuật cao giúp người bệnh không phải lên tuyến trên chữa trị, vừa tốn kém lại vừa lãng phí nguồn lực.
Theo ông Thượng, trong 6 nhóm lĩnh vực hợp tác, xây dựng các mạng lưới chuyên khoa cấp vùng ở ĐBSCL, theo đánh giá hiện lĩnh vực đang có sự phát triển khá tốt là sản, nhi. Lĩnh vực cần củng cố thêm là ngoại thần kinh, chấn thương chỉnh hình và dịch bệnh; lĩnh vực cần bổ sung là ung thư và tim mạch.
Từ kinh nghiệm của TP.HCM, ông Thượng cho biết, quan trọng nhất trong đào tạo phát triển kỹ thuật cao về địa phương là yếu tố con người. Ông cho rằng, đào tạo phải đồng bộ với năng lực mua sắm trang thiết bị của địa phương, không chồng chéo giẫm chân nhau. Đặc biệt, khi đào tạo xong về phải có chính sách giữ chân cán bộ, tránh tình trạng, đào tạo xong, họ bỏ đi gây lãng phí về nguồn lực.
Tại Hội nghị, đại diện Sở Y tế các tỉnh, thành ĐBSCL cũng nêu những kiến nghị, đề xuất và mong muốn hợp tác với TP.HCM để phát triển trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Đặc biệt, TP Cần Thơ, địa phương được quy hoạch phát triển thành Trung tâm y tế chuyên sâu của vùng ĐBSCL.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Ngừng cung cấp dịch vụ đối với 1.710 SIM thuê bao di động
15:00, 20/07/2023
Tây Ninh đề xuất phát triển chuỗi công nghiệp đô thị Mộc Bài - TP.HCM - Cái Mép Thị Vải
14:37, 19/07/2023
Phát triển TP.HCM trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng
14:17, 18/07/2023
TP.HCM xếp thứ 2 cả nước về chuyển đổi số năm 2022
12:00, 18/07/2023
Lễ hội sông nước TP.HCM 2023 có gì đặc sắc?
14:16, 12/07/2023