TP.HCM: Huyện Hóc Môn sẽ định hướng lên thành phố thay vì quận

HƯƠNG GIANG - DUY LONG 02/06/2022 17:09

Huyện Hóc Môn sẽ lên thành phố trực thuộc TP.HCM để phù hợp với xu thế phát triển đô thị theo hướng sinh thái, văn minh, hiện đại phía Tây Bắc và phù hợp với định hướng chung của TP.

>>Củ Chi và Hóc Môn - “Con rồng đang ngủ cần được đánh thức”

Lên TP để phù hợp với xu thế…

Theo đó, ngày 2/6/2022, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai các đề án khoa học (đề cương chi tiết) thuộc đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM.

Ban Thường vụ Huyện ủy Hóc Môn đã thảo luận và thống nhất xây dựng đề án theo định hướng Hóc Môn thành thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2020 - 3030.

Ban Thường vụ Huyện ủy Hóc Môn đã thảo luận và thống nhất xây dựng đề án theo định hướng Hóc Môn thành thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2020 - 3030.

Đáng chú ý, sau khi 3 huyện: Củ Chi, Cần Giờ và Bình Chánh (TP.HCM) xác định rõ định hướng phát triển lên thành phố, thì nay, huyện Hóc Môn cũng cho biết chuyển lên thành phố thay vì lên quận, để phù hợp với xu thế phát triển đô thị, định hướng phát triển theo hướng sinh thái, văn minh, hiện đại phía Tây Bắc và phù hợp với định hướng chung của TP.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuyên - Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, qua nghiên cứu đề án chuyển huyện thành quận thì huyện xác định nếu chuyển lên quận thì có nhiều chỉ tiêu khó đạt. Đồng thời, đặc thù của Hóc Môn còn nhiều khu vực nông thôn không thể chuyển thành đô thị được.

Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Hóc Môn đã thảo luận và thống nhất xây dựng đề án theo định hướng Hóc Môn thành thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2020 - 3030.

Cũng theo ông Tuyên, hiện huyện Hóc Môn đã làm dự thảo, và nhận được góp ý của 7 sở, ngành và tiếp tục ghi nhận các ý kiến của chuyên gia để hoàn thiện. Do đề án nhiều nội dung, đòi hỏi nhiều chất xám nên Hóc Môn đề xuất được thuê đơn vị tư vấn độc lập để khách quan. Và nguồn kinh phí để thực hiện cho việc này được sử dụng từ nguồn xã hội hóa – ông Tuyên đề xuất.

Theo báo cáo của UBND huyện Hóc Môn, hiện nay Hóc Môn đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dân số tăng cao, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động với hơn 94%.

Cơ cấu kinh tế của Hóc Môn cũng đang chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp. Đời sống vật chất và tinh thần người dân từng bước được nâng cao và chuyển theo hướng dân cư đô thị.

Mặt khác, các điều kiện tự nhiên, quy mô dân số và cở sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, giao thông văn hóa giáo dục của huyện Hóc Môn gần như tương đồng với các quận lân cận như: Q.12, Q.Gò Vấp, Q.Bình Tân…

Về giao thông, huyện Hóc Môn có 5.651 tuyến đường có tổng chiều dài hơn 903 km với nhiều tuyến đường chính đi qua như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 22, Đặng Thúc Vịnh, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Bứa…

Do đó, UBND huyện Hóc Môn dự báo với những công trình đang xây dựng, trong vài năm tới huyện sẽ có sự thay đổi và phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, huyện Hóc Môn cũng cho rằng việc trở thành một thành phố trực thuộc TP.HCM để phù hợp với xu thế phát triển đô thị chung của TP.HCM, định hướng phát triển theo hướng sinh thái, văn minh, hiện đại phía Tây Bắc.

>>TP.HCM: Hơn 16 tỷ USD đầu tư vào Củ Chi và Hóc Môn

… nhưng tránh làm đại trà, dàn trải

Liên quan tới việc 5 huyện ngoại thành ở TP.HCM lên quận hoặc thành phố, các chuyên gia cho rằng, việc đầu tư chuyển 5 huyện ngoại thành ở TP.HCM thành quận hoặc thành phố đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Do đó, TP.HCM cần xác định mô hình, bước đi phù hợp, tránh làm đại trà, dàn trải.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (thuộc Sở QH-KT TP.HCM)

TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở QH-KT TP.HCM): chính sách huy động nguồn lực sẽ quyết định đến thành công của đề án.

Theo đại diện cho nhóm nghiên cứu đề án quản lý nhà nước, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng - Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ cho rằng: Một thách thức rất lớn khi chuyển 5 huyện thành quận đòi hỏi nguồn lực rất lớn, trong bối cảnh ngân sách thành phố đang gặp khó khăn thì việc xây dựng mô hình khả thi, có tính thực tế cần thời gian nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp đột phá, sáng tạo và phù hợp, tối ưu nhất. 

Trong đó, thách thức về nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của chính quyền đô thị, không chỉ với 5 huyện mà còn đối với thành phố phải chuẩn bị các phương án nhân sự chu đáo, đào tạo bồi dưỡng và có lộ trình phù hợp.

Cũng theo ông Hưng, mỗi một mô hình cần căn cứ vào luận cứ khoa học thực tiễn của từng địa phương để xem xét lựa chọn phù hợp chứ không thực hiện một cách đại trà, đồng loạt. Thay vào đó, cần có bước đi và lộ trình phù hợp để tập trung nguồn lực, đảm bảo hiệu quả và an toàn, tránh xáo trộn bộ máy, nhân lực.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở QH-KT TP.HCM), cho rằng, chính sách huy động nguồn lực sẽ quyết định đến thành công của đề án.

Bởi theo ông Tuấn, giải pháp đầu tiên trong vấn đề này là công tác quy hoạch, trong đó, cần cập nhật đề án trong đợt điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới. Đồng thời, cần có chiến lược tạo ra quỹ đất, chính sách đền bù, tạo cuộc sống mới cho người dân. Đặc biêt, trong giai đoạn đầu, cần có chiến lược huy động nguồn lực ban đầu để tạo ra nguồn lực mới; cân đối nguồn vốn Trung ương với địa phương.

Dẫn chứng về công tác quy hoạch, ông Tuấn giới thiệu một số mô hình quốc tế khi phát triển nông thôn thành đô thị như vành đai đô thị ngoại ô ở Mỹ, nông nghiệp đô thị trong vành đai xanh ở châu Âu, tích tụ đô thị vùng ven ở Trung Quốc, đô thị nén và phát huy vai trò cộng đồng của Nhật Bản, hay quy hoạch sáng tạo và thiết kế thông minh, phát triển bền vững của Singapore…

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan trao đổi với các đại biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan trao đổi với các đại biểu tại hội nghị triển khai các đề án khoa học (đề cương chi tiết) thuộc đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM.

Bên cạnh đó, “công tác quản lý đất đai cần lộ trình dài, chính quyền đô thị phải thể hiện trách nhiệm tối đa; cơ sở hạ tầng giao thông có tác động tích cực, cần nắm bắt giá trị đất đai để thực hiện” - TS Tuấn nói.

Đề cập những vấn đề liên quan đến văn hóa, đô thị, TS Lê Thị Ngọc Điệp - Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhận định: quan điểm phát triển đề án về văn hoá, độ thị mà nhóm nghiên cứu hướng đến là phục vụ con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân đô thị, đặc biệt là xây dựng và củng cố hệ thống thiết chế văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Các hoạt động phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đô thị phải đặt con người vào trọng tâm, phấn đấu để con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển đô thị - TS Lê Thị Ngọc Điệp nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Củ Chi và Hóc Môn - “Con rồng đang ngủ cần được đánh thức”

    12:00, 11/05/2022

  • TP.HCM: Hơn 16 tỷ USD đầu tư vào Củ Chi và Hóc Môn

    18:00, 12/04/2022

  • “Giữ làng trong phố” khi Củ Chi lên thành phố

    10:59, 21/02/2022

  • TP.HCM: Đề nghị giảm quy mô Khu đô thị Tây Bắc - Củ Chi để phù hợp thực tế

    11:05, 17/02/2022

  • Khai trương tuyến du lịch đường sông đầu tiên từ bến Bạch Đằng - Bình Dương - Củ Chi

    11:00, 10/07/2020

  • Nhà đầu tư đất nền “mắc kẹt” tại Củ Chi

    06:00, 23/08/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP.HCM: Huyện Hóc Môn sẽ định hướng lên thành phố thay vì quận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO