TP.HCM sẽ ngưng nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền nhà trọ theo Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ kể từ ngày 16/8/2022.
>>TP.HCM: Vì sao gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ vẫn không thể đến tay người lao động?
Theo đó, chiều 28/7/2022, tại buổi họp báo định kỳ, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Lâm cho biết tính đến trưa nay, BHXH TP.HCM đã xác nhận cho hơn 23.000 doanh nghiệp với hơn 818.000 lao động (chiếm 74,5%) để làm thủ tục nhận hỗ trợ tiền nhà trọ theo Quyết định 08 của Thủ tướng. Số còn lại khoảng gần 300.000 người lao động chưa được BHXH xác nhận.
Theo Sở LĐ-TB-XH, hiện các doanh nghiệp nộp hồ sơ tại các quận huyện có gần 20.400 doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho gần 495.000 lao động.
Đến nay, các địa phương đã ban hành quyết định phê duyệt cho hơn 6.800 doanh nghiệp với gần 217.000 người lao động tương ứng với số tiền 115 tỉ đồng. Hiện đã có 18 địa phương giải ngân cho hơn 2.700 doanh nghiệp, gần 140.000 người lao động với số tiền 73 tỉ đồng. 4 địa phương chưa giải ngân gồm Q.6, Q.11, Q.12 và H.Nhà Bè. Tính đến nay, hầu hết các quận, huyện đã nhận được kinh phí và tiến hành chi trả.
Để kết thúc kế hoạch này, Sở LĐ-TB-XH sẽ thực hiện hết ngày 15/8/2022 sẽ ngưng nhận hồ sơ hỗ trợ tiền nhà trọ theo Quyết định 08 của Thủ tướng. Và vấn đề này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để hoàn thành công tác giải ngân trong tháng 8/2022.
Do đó, để đảm bảo tiến độ, Sở LĐ-TB-XH kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo quận, huyện khẩn trương thẩm định hồ sơ, ban hành quyết định hỗ trợ và giải ngân kinh phí; thường xuyên cập nhật lên hệ thống của Sở. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động TP.HCM chỉ đạo các công đoàn cơ sở tích cực vận động doanh nghiệp thực hiện quyết định của Thủ tướng.
>>Vì sao chậm hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động?
Trước đó, liên quan chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm cho biết TP.HCM dự kiến hỗ trợ cho khoảng 1,1 triệu người lao động với tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.777 tỉ đồng.
Số liệu cập nhật tới ngày 15/7/2022, Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã xác nhận cho 19.700 doanh nghiệp với hơn 683.000 lao động đề nghị hỗ trợ.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 13.500 đơn vị với gần 296.000 lao động; đồng thời ra quyết định phê duyệt danh sách cho hơn 2.000 đơn vị với hơn 76.300 lao động (chiếm tỷ lệ gần 7% so với tổng số lao động thuộc diện thụ hưởng).
Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, đến nay, TP.HCM mới chỉ có 4 địa phương là Q.Gò Vấp, H.Hóc Môn, H.Củ Chi, H.Cần Giờ thực hiện chi trả.
Cụ thể, tính tới ngày 15/7/2022, cả 4 đơn vị mới chỉ giải ngân khoảng 6,7 tỉ đồng để hỗ trợ gần 13.000 lao động.
Liên quan đến việc giải ngân thấp, chậm, UBND TP.HCM cho hay việc thực hiện chính sách còn chậm do địa bàn đặc thù có số lượng doanh nghiệp và lao động lớn, vì vậy khi triển khai đòi hỏi chuẩn bị kỹ về nhân sự, kinh phí hỗ trợ, truyền thông. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp muốn nộp gộp hồ sơ, rà soát kỹ thông tin chỗ của người lao động...
Đáng chú ý, theo UBND TP.HCM, một trong những nguyên nhân chậm là do ngành công an yêu cầu UBND cấp huyện khi tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp phải lập danh sách người lao động có thêm thông tin như họ tên cha mẹ, tình trạng đăng ký cư trú... để chuyển lại cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Công an cần thống nhất về việc tiếp nhận dữ liệu người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà theo đúng quy định tại Quyết định 08; không yêu cầu thêm thông tin, quy định để các quận, huyện nhanh chóng giải ngân kinh phí hỗ trợ người lao động.
Giải đáp những thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh lưu ý đến nay TP.HCM vẫn còn gần 400.000 người lao động chưa được lập danh sách đề nghị nhận hỗ trợ, chưa kể tỷ lệ giải ngân còn rất thấp.
Chính vì vậy, UBND TP.HCM cần tăng cường chỉ đạo các địa phương quyết liệt thực hiện; đồng thời, cần xem xét kinh nghiệm của các quận, huyện có tỷ lệ giải ngân cao như H.Củ Chi để triển khai nhanh chóng hơn.
Phía Liên đoàn Lao động TP.HCM không thể chỉ dừng lại ở việc ban hành văn bản hướng dẫn mà còn phải đôn đốc các cấp, nhất là ở các công ty đông lao động để lập hồ sơ. Đối với nơi không có tổ chức công đoàn cơ sở, Liên đoàn Lao động TP.HCM cần phối hợp chính quyền địa phương để đôn đốc, làm việc, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo không sót đối tượng thụ hưởng.
Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng nhấn mạnh các địa phương phải nghiên cứu kỹ Quyết định 08, tránh tình trạng yêu cầu thêm thông tin, thủ tục (như yêu cầu phải có tạm trú, tạm vắng...) khi chính sách đã được đơn giản hóa và có đối tượng thụ hưởng rõ ràng.
Có thể bạn quan tâm
21:00, 07/07/2022
04:00, 16/06/2022
09:25, 15/06/2022
20:40, 04/06/2022
10:00, 23/10/2021
09:38, 27/08/2021
14:52, 20/08/2021
00:00, 26/04/2021