Khởi nghiệp

TP HCM sẽ phát triển mô hình Đại học khởi nghiệp

Đình Đại 27/04/2025 1:59

TP HCM sẽ phát triển mô hình Đại học khởi nghiệp, với mục tiêu là tạo ra một thế hệ đổi mới sáng tạo mới cho Việt Nam.

Bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết, TP HCM đang sở hữu một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, cũng như là đầy đủ các thành phần trong hệ sinh thái đó.

bà trúc
Bà Phan Thị Quý Trúc cho biết, TP HCM sẽ phát triển mô hình Đại học khởi nghiệp - Ảnh: Đình Đại.

Hiện TP HCM đang có hơn 2.000 startup, đây là những doanh nghiệp có ứng dụng về mặt công nghệ trong rất nhiều các lĩnh vực. Bên cạnh đó, TP HCM cũng là nơi tập hợp rất nhiều các quỹ đầu tư mạo hiểm, với khoảng hơn 150 các quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại TP HCM.

TP HCM cũng có các cơ sở ươm tạo, các cơ sở tăng tốc khởi nghiệp, chiếm tới hơn 40% tổng số các cơ sở tại Việt Nam. Ngoài ra, TP HCM cũng là nơi tập hợp nguồn nhân lực khá đồng đều và tập trung chủ yếu ở các trường đại học và các trường cao đẳng.

Theo bà Trúc, chúng ta hiện có khoảng hơn 97 trường đại học, cao đẳng đang có các hoạt động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.Mỗi năm có khoảng hơn 500 sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thông qua khoảng 80 cuộc thi, để lựa chọn những dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng.

TP HCM cũng là một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư mạo hiểm, có khoảng 40% lượng vốn và 60% lượng thương vụ thành công là của các startup ở TP HCM.Ngoài ra, TP HCM cũng là địa phương đầu tiên có chính sách đặt thù liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo Startup Blink, TP HCM đứng hạng thứ 111/200 thành phố có hệ sinh thái phát triển nhất toàn cầu, và nằm trong số 80-91 quốc gia có thị trường mới nổi về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Từ năm 2016, TP HCM đã có những chương trình, kế hoạch để hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP HCM. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, Thành phố có Quyết định 4181. Đến năm 2020-2025, Thành phố có Quyết định 672, trong quyết định này, thay vì tập trung hình thành và kết nối các hệ sinh thái thì Thành phố tập trung cho việc phát triển chất lượng cũng như những giá trị cốt lõi của hệ sinh thái tại TP HCM.

Với quyết định này, TP HCM có tổng cộng là 8 nhóm nghiệp vụ và 23 dự án con để tập trung phát triển cho 2 nhóm doanh nghiệp. Một là doanh nghiệp F&B, chủ yếu là hoạt động đổi mới sáng tạo của F&B. Hai là doanh nghiệp start-up là những doanh nghiệp mới nổi hoặc là những doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ.

Theo bà Trúc, trong giai đoạn từ năm 2023-2030, TP HCM sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như: Thứ nhất, tiếp tục đề xuất và phát triển những chính sách để hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của F&B; Thứ hai, đưa vào vận hành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP HCM dự kiến vào cuối năm nay; Thứ ba, phát triển mô hình Đại học khởi nghiệp, với mục tiêu là tạo ra một thế hệ đổi mới sáng tạo mới cho Việt Nam.

khoinghiep.jpg
TP HCM sẽ xây dựng cơ chế đặc thù cho Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Startup HUP) - Ảnh: Đình Đại.

Về thúc đẩy hợp tác quốc tế trong hoạt động khởi nghiệp, bà Trúc cho rằng, hợp tác quốc tế là cách duy nhất để có thể tiếp cận nhanh nhất với các tiêu chuẩn về khởi nghiệp đổi sáng tạo cho hệ sinh thái của TP HCM nói riêng và của Việt Nam nói chung

Liên quan đến các cơ chế chính sách, theo bà Trúc, TP HCM đã phê duyệt 4 nghị quyết liên quan đến miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, liên quan đến các khoản tài trợ không hoàn lại của Nhà nước giúp cho các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng, liên quan đến việc thử nghiệm hay test thử những công nghệ mới, và liên quan đến việc thu hút nhân tài, nguồn nhân sự chất lượng cao cho những tổ chức khoa học công nghệ công lập.

“Đối với chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, Thành phố có rất nhiều đối tượng, trong đó có đối tượng là loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư, hay các cá nhân, chuyên gia, cá nhân hoạt động khởi nghiệp…là những đối tượng mà Thành phố ưu tiên xem xét miễn trong vòng 5 năm. Những lĩnh vực ưu tiên bao gồm: thương mại điện tử, công nghệ, tài chính, logistic, giáo dục, kinh tế, nông nghiệp, phát triển bền vững, chuyển đổi số, an ninh mạng. Chính sách này chỉ dành cho các doanh nghiệp thành lập tại TP HCM không quá 5 năm”, bà Trúc thông tin.

Về hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học, bà Trúc cho rằng, xác định trường đại học là một trong những nhân tố có thể tạo ra những lợi thế cạnh tranh trong tương lai với hệ sinh thái của TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Do đó, Thành phố cũng đã học tập các mô hình từ nước ngoài và đem về Việt Nam và Việt hóa bộ giáo trình về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của IMIT để có thể đưa vào chương trình giảng dạy chính thống cho các trường đại học. Đồng thời, xây dựng vườn ươm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Trên thực tế, làm thế nào để có thể phát triển một mô hình Đại học khởi nghiệp? Đơn giản là chúng ta xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả nhằm tạo ra nhiều nhất các doanh nghiệp khởi đổi mới sáng tạo từ trường đại học. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là chúng ta tập trung cho sinh viên mà sẽ tập trung cho những kết quả nghiên cứu từ các nghiên cứu sinh, từ các thầy cô trong trường đại học, mà có khả năng thương mại hóa”, bà Trúc chia sẻ thêm.

Đồng thời, bà cũng cho rằng, bản chất thực sự của việc khởi nghiệp và sáng tạo không nhất thiết là phải từ trường đại học, nhưng những nghiên cứu bài bản, những sản phẩm có thể thương mại hóa ở trường đại học chính là những sản phẩm có liên quan đến Fintech và nó sẽ đảm bảo cho vấn đề lợi thế cạnh tranh cũng như sự bền vững khi phát triển một mô hình nghiên cứu sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP HCM sẽ phát triển mô hình Đại học khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO