Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM có văn bản khẩn về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.
Theo văn bản này, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường thực hiện một số biện pháp nhằm đạt mục tiêu kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố trước ngày 15/9 với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch” kể từ 00 giờ 00 ngày 23/8 đến hết ngày 6/9.
Cụ thể, về thực hiện triệt để giãn cách xã hội, phải thực hiện nghiêm cách ly nhà; tổ dân phố/tổ nhân dân cách ly tổ dân phố/tổ nhân dân; khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn.
Thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao (“vùng cam”, “vùng đỏ”); tham gia công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội; duy trì các tổ tự quản bảo vệ vùng xanh; đi chợ thay cho người dân, thực hiện an sinh xã hội.
Ngoài ra, UBND TP.HCM giao Công an TP.HCM rà soát, siết chặt các đối tượng được tham gia lưu thông. Cụ thể, tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình khi tham gia lưu thông; thống nhất triển khai từ 00 giờ 00 ngày 23/8 (hoặc có thể sớm hơn).
Sở Công thương phối hợp với Công an Thành phố tham mưu thực hiện quản lý hoạt động của đội ngũ người giao hàng (shipper) trong việc tổ chức phân phối hàng hóa đến các hộ dân.
UBND TP.HCM giao Sở Nội vụ áp dụng các phương thức làm việc theo hướng cán bộ, công chức, người lao động các cơ quan nhà nước làm việc tại nhà; riêng lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch và giải quyết các công việc khẩn cấp có thể áp dụng “3 tại chỗ” hoặc theo phân công luân phiên.
Ngoài ra, chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức nghiên cứu, thực hiện các biện pháp bố trí để người dân đi chợ 1 lần/tuần (đối với “vùng xanh”).
Cũng theo văn bản này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phải chăm lo tốt an sinh xã hội, cụ thể, hỗ trợ bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ.
Ngoài ra, Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch COVID-19 chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn.
Trong công tác xét nghiệm, ban chỉ đạo giao Sở Y tế TP.HCM phối hợp với UBND 21 quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường xét nghiệm toàn bộ các hộ dân trong "vùng đỏ" bằng phương thức test nhanh, mẫu gộp.
TP.HCM bổ sung xét nghiệm một số đối tượng sau: nhân viên siêu thị, lái xe vận chuyển hàng hóa, nhân viên cửa hàng thuốc tây, nhân viên công ty môi trường đô thị, công ty dịch vụ công ích thu gom rác (lái xe, thu gom rác), lực lượng trực các chốt, lực lượng hỗ trợ phòng, chống dịch, nhân viên tại các cửa hàng xăng dầu (7 ngày/lần).
Về tiêm vaccine, TP.HCM đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch.
Về điều trị F0 tại nhà, TP.HCM thành lập thêm 400 trạm y tế lưu động tại các khu vực có nhiều F0. Các trạm y tế lưu động có chức năng tham gia sơ cấp cứu, theo dõi F0 đang điều trị tại nhà. Trạm y tế được trang bị các túi thuốc, 3-5 bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ test nhanh... Chuẩn bị 100.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà.
Đối với hoạt động của doanh nghiệp, TP.HCM tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ được tiếp tục hoạt động nếu đảm bảo các tiêu chí, quy định.
Ban chỉ đạo yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện của địa phương mình. Kế hoạch bao gồm đầy đủ các nội dung, biện pháp thực hiện giãn cách, đảm bảo an ninh trật tự, cung ứng lương thực, thực phẩm cho các hộ dân, theo dõi, chăm sóc các F0 tại nhà, đảm bảo an sinh cho các trường hợp khó khăn, điều phối, bố trí lực lượng và trang thiết bị hợp lý.
Các nhóm đối tượng được phép đi đường theo công văn số 2718 của UBND TP.HCM: - Người đi tiêm vắc xin, cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. - Nhân viên các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi được lưu thông để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh. - Các tổ bay đi công tác theo kế hoạch của chuyến bay đã được cấp phép và cán bộ, người lao động của các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam khu vực phía Nam để thực hiện nhiệm vụ phục vụ các chuyến bay chở hàng, trang thiết bị y tế, vắc xin. - Nhân viên của các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các dịch vụ thiết yếu (lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế); nhân viên giao hàng các thiết bị, vật tư y tế như bình oxy cho người mắc COVID-19 đang cách ly, điều trị tại nhà (các ca bệnh không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ), các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. - Nhân viên của các đơn vị cung cấp suất ăn cho các bếp ăn từ thiện, các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, bệnh viện, các cơ sở y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. - Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố, bao gồm cả công tác phát hành báo. - Dịch vụ vận chuyển bưu chính và lực lượng thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính KT1 (phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, văn bản mật). - Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; lực lượng xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin, công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Dấu hiệu nhận diện:Giấy đi đường; Đồng phục đối với các ngành có đồng phục ngành và công nhân thực hiện các dịch vụ công ích. Riêng công chức, viên chức và các nhóm lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch khác thì mặc áo nhận diện do thành phố cấp. |
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Thu giữ gần 300.000 vật tư y tế không rõ nguồn gốc
10:58, 21/08/2021
TP.HCM luôn lắng nghe và đồng hành cùng nhà đầu tư
20:02, 20/08/2021
TP.HCM đề xuất miễn phí xét nghiệm COVID-19 cho doanh nghiệp
11:27, 19/08/2021
TP.HCM kiến nghị 4 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất
12:43, 18/08/2021
Vì sao TP.HCM điều chỉnh tháp 5 tầng điều trị COVID-19 xuống còn 3 tầng?
11:38, 17/08/2021
TP.HCM tiếp tục thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”
15:08, 15/08/2021