TP HCM sẽ bổ sung 14 khu công nghiệp mới phát triển theo mô hình khu công nghiệp thông minh, chuyên ngành, có liên kết vùng và liên kết ngành vào quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP HCM (HEPZA) chủ trì, phối hợp với UBND huyện Bình Chánh tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch các khu công nghiệp TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và giải pháp thu hút đầu tư năm 2025.
Theo quy hoạch, trong giai đoạn phát triển mới, TP HCM định hướng giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp hiện hữu nhưng định hướng chuyển đổi các khu này sang các mô hình tiên tiên như khu công nghiệp (KCN) sinh thái, công nghệ cao, khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ và trung tâm logistics. Theo đó, 05 KCN hiện hữu đang được nghiên cứu chuyển đổi thí điểm gồm: KCX Tân Thuận, KCN Hiệp Phước, KCN Tân Bình, KCN Cát Lái và KCN Bình Chiểu.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2030, TP HCM quy hoạch bổ sung 14 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 3.833 ha gồm: bao gồm KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 (500 ha), KCN Vĩnh Lộc 3 (200 ha), KCN Phạm Văn Hai I (379 ha), KCN Phạm Văn Hai II (289 ha), KCN An Phú (328 ha), KCN Nhị Xuân (199 ha), KCN Phạm Văn Hai III (238 ha), KCN Lê Minh Xuân 4 (200 ha), KCN Trung An (300 ha), KCN Tân Phú Trung 2, KCN Tân Phú Trung 3 và KCN Tân Phú Trung 4 (3 KCN này có tổng diện tích 600 ha), KCN Bình Khánh 1 (300 ha) và KCN Bình Khánh 2 (300 ha).
14 KCN mới này phát triển theo mô hình KCN thông minh, chuyên ngành, có liên kết vùng và liên kết ngành. Quy hoạch này nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư chiến lược vào các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp sạch và công nghệ cao.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, HEPZA dự kiến tiến độ triển khai 14 khu công nghiệp mới được phân kỳ theo 3 giai đoạn như sau: Giai đoạn 2025-2027: KCN Phạm Văn Hai I, KCN Phạm Văn Hai II, KCN Vĩnh Lộc 3 và KCN Nhị Xuân.
Giai đoạn 2027-2030: KCN An Phú, KCN Trung An, KCN Lê Minh Xuân 4, KCN Phạm Văn Hai III và KCN Hiệp Phước 3.
Giai đoạn 2030 – 2033: KCN Tân Phú Trung 2, KCN Tân Phú Trung 3, KCN Tân Phú Trung 4, KCN Bình Khánh 1 và Bình Khánh 2.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, Thành phố có điều kiện tự nhiên, mạng lưới giao thông thuận lợi, nơi hội tụ của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư, học tập, nguồn lực phong phú. TP HCM có cơ cấu hiện đại theo hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, trong đó ngành công nghiệp giữ vai trò nền tảng cho sự phát triển của địa phương.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đánh giá, sau hơn 30 năm phát triển, công nghiệp của Thành phố phát triển đã tới hạn, nguồn lao động, quản trị, công nghệ đều lạc hậu. Do vậy, công nghiệp phải thay đổi mạnh mẽ thì mới giữ được mức tăng trưởng, nếu không sẽ không cạnh tranh với các địa phương, cũng như các quốc gia khác.
Ông cũng nhấn mạnh, các KCN hiện hữu phải thay đổi, không chờ đến khi kết thúc thời gian hoạt động dự án rồi mới làm. Đồng thời, ông cũng đánh giá cao 5 KCN đã chủ động xây dựng đề án chuyển đổi, nhất là KCN Tân Thuận đã thuê tư vấn, lập dự án.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, trước đây thành phố tính tự viết đề án chuyển đổi 5 khu, nhưng sau đó thấy rằng phải giao cho từng chủ đầu tư phát triển KCN làm mới sát thực tế, cụ thể và thực tế cho thấy đây là việc làm đúng.
"Thẩm quyền thành lập KCN hiện nay do UBND TP HCM quyết định nên thủ tục đơn giản hơn, vấn đề còn lại là phải mạnh mẽ cải thiện thủ tục sao cho đơn giản nhất", Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM, Trưởng Ban quản lý Hepza Lê Văn Thịnh cho biết, sẽ hoàn thiện các thủ tục và điều kiện để thành lập các KCN mới theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Cùng với đó là sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành cũng như cấp phép đầu tư, xây dựng dự án... Hepza sẽ tăng cường xúc tiến, quảng bá đầu tư, thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của Chính phủ và Thành phố.
Trong đó, tập trung vào các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN, KCX hiện hữu chuyển đổi công nghệ, mở rộng sản xuất tiên tiến, xanh, sạch và tích cực tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
Ông cũng khẳng định, hiện chưa có một quyết định chính thức nào về các lĩnh vực được đầu tư tại KCN, KCX. Việc lấy ý kiến của các doanh nghiệp là yếu tố tiên quyết để Thành phố phát triển KCN, KCX hoạt động hiệu quả.
Được biết, trong quý I/2025, TP HCM không chỉ khởi sắc về thu hút đầu tư trong nước, mà thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng trưởng mạnh. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2025, thu hút FDI của TP HCM (tính chung cả cấp mới và góp vốn, mua cổ phần) đạt 567,2 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, có 267 dự án dự án cấp mới, tổng vốn đầu tư đăng ký 118,13 triệu USD (tăng 8,1% về số dự án và tăng 9,5% về vốn đầu tư so với cùng kỳ); vốn điều chỉnh tăng 150,6 triệu USD, tăng 74,4% về số dự án và tăng 206% vốn điều chỉnh so với cùng kỳ năm 2024. TP HCM hiện tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước, với 13.875 dự án còn hiệu lực, tổng vốn gần 59,1 tỷ USD.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP), kể từ khi tái lập cơ chế một cửa, các thủ tục về cấp giấy phép môi trường, thẩm định và phê duyệt đồ án hoặc điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được rút ngắn đáng kể. Cụ thể, kể từ khi nhận hồ sơ tại cơ chế một cửa tại SHTP, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 6 tháng, thậm chí là 4 tháng để làm thủ tục, so với 2 năm như trước đây.
Để cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, cuối tháng 3/2025, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được đã chỉ đạo mỗi cơ quan, đơn vị đề xuất cắt giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính có điều kiện kinh doanh không cần thiết thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố hoặc đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành có liên quan thực hiện theo thẩm quyền.