Chỉ trong 4 trong tháng, kể từ ngày 01/04 đến 18/08/2022, TP.HCM đã thu về hơn 1.076 tỷ đồng từ phí hạ tầng cảng biển.
>>TP.HCM: Doanh nghiệp vẫn muốn lùi thời gian thu phí cảng biển
Cụ thể, theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, kết quả thu phí cảng biển trên địa bàn kể từ ngày 1/4 đến 18/8/2022, lĩnh vực này đã đem về cho TP.HCM hơn 1.076 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển dự kiến đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình quanh cảng.
Với kết quả thu phí như trên, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã đề nghị UBND TP bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho 11 dự án kết nối hạ tầng cảng biển, với tổng số vốn khoảng 30.592 tỷ đồng.
Như vậy, theo kế hoạch, tính đến năm 2025, TP.HCM sẽ có 14 dự án được thành phố ưu tiên bố trí vốn từ nguồn thu phí cảng biển như vành đai 2, nút giao Mỹ Thủy, các công trình quanh cảng Cát Lái...
Trong đó, dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ đường vành đai 2 đến khu công nghiệp Phú Hữu (TP. Thủ Đức) đã có quyết định đầu tư, tổng vốn khoảng 1.630 tỷ đồng.
Với 6 dự án chuẩn bị đầu tư, có 3 dự án khép kín đường vành đai 2 như: đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội với 8.591 tỷ đồng, đoạn từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng 8.458 tỷ đồng, đoạn từ quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh 9.240 tỷ đồng.
Đối với 3 dự án tiếp theo gồm: xây dựng hoàn thiện đoạn tuyến đường vành đai đông đoạn từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy 1.219 tỷ đồng, xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu (578 tỷ đồng), xây cầu Thủ Thiêm 4 (5.300 tỷ đồng).
Đối với 4 dự án đề xuất mới gồm: mở rộng đường vành đai đông (đoạn từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy) từ 6 làn lên 12 làn; mở rộng trục đường Bắc Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm) từ 4 làn lên 10 làn; nâng cấp cầu Bình Triệu 1, Bình Phước 1.
>>Thu phí cảng biển TP HCM: Cần nhưng chưa đúng lúc
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, trước thực trạng đã nêu, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp không khỏi lo lắng, và cho rằng, thời điểm hiện nay, việc vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển là chưa phù hợp, làm tăng gánh nặng về chi phí, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn và chưa thực sự phục hồi.
Thực tế, với hàng loạt chi phí phát sinh, cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và những biến động gần đây của thị trường trong và ngoài nước, doanh nghiệp thực sự đứng trước nhiều thách thức. Do đó, các doanh nghiệp đề nghị TP.HCM cần nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện thu phí cảng biển.
Đáng chú ý, sau khi dư luận phản ánh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các Bộ, các cơ quan, sớm trình HĐND TP.HCM xem xét điều chỉnh trong tháng 7-2022.
Sua ý kiến trên, Văn phòng Chính phủ thông báo truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau cuộc họp về phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP.HCM.
Cụ thể, sau khi nghe báo cáo của UBND TP.HCM và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kết luận như sau: Luật Phí và Lệ phí đã được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2015 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Theo ý kiến của các Bộ, cơ quan, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết quy định mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM (phí hạ tầng cảng biển) để cụ thể hóa pháp luật về phí, lệ phí và hoàn thiện hệ thống khung pháp lý là đúng thẩm quyền.
Về thời gian, TP.HCM ban hành Nghị quyết sau gần 5 năm có Luật Phí và Lệ phí là tương đối chậm. Mặc dù, TP.HCM đã 2 lần lùi thời điểm triển khai thu phí hạ tầng cảng biển và bắt đầu thu phí từ ngày 1/4/2022.
Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 và tác động bởi nhiều yếu tố khác trong nước và thế giới. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội có kiến nghị về việc thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM.
Theo ý kiến của các Bộ: Tài chính, GTVT, Công Thương, Tư pháp và các cơ quan tại cuộc họp, một số nội dung về mức thu, đối tượng thu phí hạ tầng cảng biển TP.HCM cần lưu ý.
Cụ thể như: Việc quy định mức thu phí khác nhau đối với hàng hóa mở tờ khai tại TP.HCM và hàng hóa mở tờ khai tại địa phương khác cần bảo đảm nguyên tắc công bằng, minh bạch, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định Luật Phí và Lệ phí.
Bên cạnh đó là rà soát mức thu của hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu; rà soát sự phù hợp với các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đồng thời, TP.HCM cần xem xét điều chỉnh mức thu phí hợp lý đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa theo Chỉ thị số 37/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các Bộ, các cơ quan, sớm trình HĐND TP.HCM xem xét điều chỉnh trong tháng 7-2022. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích đến doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ quan hữu quan để tạo sự đồng thuận khi thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển TP.HCM.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình tổ chức điều chỉnh thu phí hạ tầng cảng biển TP.HCM của UBND TP. Từ đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Có thể bạn quan tâm
15:29, 29/03/2022
17:23, 25/03/2022
04:30, 14/03/2022
16:00, 13/03/2022
11:00, 13/03/2022
03:00, 13/03/2022
18:32, 09/03/2022