Bất động sản

TP HCM ưu tiên phát triển nhà ở giá rẻ

Vi Anh 12/01/2025 17:11

Theo các chuyên gia, năm 2025 phân khúc nhà ở giá rẻ dự kiến vẫn sẽ tiếp tục khan hiếm, gây mất cân đối thị trường địa ốc.

Nhiều dự án bất động sản tại TP HCM được gỡ vướng pháp lý, chuẩn bị tái khởi động.
Năm 2024, lượng dự án nhà ở mới tại TP HCM được ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Nguồn cung nhà giá rẻ gần như "tuyệt chủng"

Phần lớn các dự án mở bán tập trung vào phân khúc trung và cao cấp, dẫn đến tình hình giao dịch thiếu sôi động. Sự hạn chế về nguồn cung đã khiến giá bất động sản duy trì ở mức cao, với nhiều dự án mới có giá bán vượt xa so với các giai đoạn trước.

Bà Giang Huỳnh - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M Savills Việt Nam cho biết, năm 2025 nguồn cung có thể cải thiện dần nhưng quy mô vẫn khiêm tốn so với giai đoạn 2018 – 2019. Thị trường vẫn chủ yếu chứng kiến sự xuất hiện của các phân khúc trung và cao cấp. Trong khi đó, phân khúc nhà ở giá rẻ, vừa túi tiền sẽ tiếp tục khan hiếm do quỹ đất ngày càng hạn chế. Điều này khiến giá nhà khó có khả năng giảm sâu, đặc biệt ở khu vực trung tâm và các khu đô thị có hạ tầng kết nối tốt.

Theo thống kê, năm 2024 TP HCM không có dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được giao đất, cho thuê đất trong 11 tháng qua và chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại được cấp giấy phép xây dựng. Kết quả là trong đầu năm 2025, gần như không có dự án mới đủ điều kiện được đưa ra thị trường, cả ở phân khúc nhà ở thương mại lẫn nhà ở xã hội.

Cũng theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), loại hình căn hộ chung cư bình dân (dưới 25 triệu đồng/m2) gần như đã “tuyệt chủng” và khó xuất hiện trở lại tại TP HCM. Trong giai đoạn 2018 - 2023, thị trường không chỉ sụt giảm về số lượng, cơ cấu nguồn cung căn hộ tại đô thị này còn ngày càng mất cân đối. Khi tỷ trọng căn hộ cao cấp và hạng sang ngày càng chiếm ưu thế, các căn hộ giá bình dân lại chính thức “vắng bóng” hoàn toàn trên địa bàn vào năm 2021.

Hàng loạt dự án tại TP HCM đang ách tắc do vướng mắc pháp lý.
Giá nhà gia tăng liên tục thời gian qua đã vượt khả năng chi trả của phần lớn người dân.

Trên thực tế, từ năm 2018 tỷ trọng căn hộ bình dân tại TP HCM đã giảm mạnh, từ 20% (năm 2018) còn 0,5% (2020) trước khi biến mất hoàn toàn vào năm 2021. Đến quý 4/2024, thị trường ghi nhận sự phục hồi đáng kể về nguồn cung căn hộ, nhưng cơ cấu vẫn mất cân đối trầm trọng khi khoảng 80% số căn hộ mở bán có giá từ 50 triệu đồng/m2 trở lên. Trong khi đó, giá nhà thương mại gia tăng liên tục thời gian qua đã vượt khả năng chi trả của phần lớn người dân có thu nhập trung bình trở xuống.

Hiện nay, TP HCM có chưa tới 10 dự án chung cư đang được chào bán, hầu hết đến từ phân khúc cao cấp và hạng sang. Điển hình như Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức) có giá bán khoảng 60 triệu đồng/m2, The Metropole tại Thủ Thiêm có giá dao động từ 300 – 400 triệu đồng/m2, thậm chí một số dự án xa trung tâm như Essensia Sky tại Nhà Bè vừa được ra mắt cũng có giá khoảng 70 triệu đồng/m2.

Giải “bài toán” nguồn cung

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM nhận định, dù thành phố đã được thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất trong vòng 5 năm. Nhưng các chính sách pháp luật để đi vào thực tiễn đều có độ trễ, công thêm độ trễ của dự án nhà ở thương mại thường phải mất 3 - 5 năm.

Do đó, để tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở thương mại trong 3 - 8 năm, ngoài việc hoàn thiện các phương thức tiếp cận đất đai để tăng nguồn cung dự án thì còn phải thúc đẩy việc tái cấu trúc thị trường bất động sản.

Theo ông Nguyễn Văn Đính – VARS, Nhà nước cần có chính sách để hạn chế động lực đầu cơ, cần sớm nghiên cứu và áp dụng thuế bất động sản, hướng tới những chủ sở hữu không đưa bất động sản vào tham gia hoạt động kinh doanh, hay không triển khai xây dựng sau khi nhận đất. Đồng thời, cần thành lập các cơ quan hoặc ủy ban giám sát nhà ở, có biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp đầu cơ, thao túng giá bất động sản hoặc tăng giá trái phép.

Mới đây, UBND TP HCM cũng đã công bố báo cáo quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó trọng tâm là phát triển nhà ở vừa túi tiền cho người lao động và người có thu nhập thấp có thể tiếp cận nhà ở.

Đến năm 2030, TP HCM phấn đấu chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở bình quân toàn thành phố là 26,5m2/người; 358 triệu m2 sàn, bao gồm 192 triệu m2 sàn nhà ở hiện có; sửa chữa và phát triển mới khoảng 166 triệu m2 sàn.

Trong đó, nhà ở xã hội khoảng 4,98 triệu m2, nhà ở riêng lẻ do dân tự xây dựng khoảng 63,9 triệu m2, nhà ở thương mại và các loại nhà ở khác khoảng 97,12 triệu m2.

Đồng thời, quy hoạch hướng đến phát triển nhà ở giá phải chăng, phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Phấn đấu nhà ở giá phải chăng chiếm khoảng 60% tổng số căn hộ trong các dự án xây dựng mới nhà ở.

Đa dạng hóa các phương thức xây dựng nhà ở xã hội, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để cho thuê; dành 20% tổng diện tích đất ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định pháp luật về nhà ở để xây dựng nhà ở xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP HCM ưu tiên phát triển nhà ở giá rẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO