Chiều qua (24/1), Thanh tra TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2018 và kế hoạch triển khai chương trình công tác năm 2019.
Theo đó, phát biểu tại hội nghị tổng kết, ông Nguyễn Long Tuyền - Chánh thanh tra TP.HCM cho biết: Việc đôn đốc, phối hợp và xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được cơ quan thanh tra chuyển cho cơ quan điều tra chưa tương xứng với kết quả phát hiện vi phạm pháp luật.
Theo ông Tuyền, trong năm 2018, Thanh tra TP.HCM đã chuyển 7 vụ việc cho cơ quan điều tra nhưng tiến độ xử lý rất chậm. Điển hình, có những vụ việc Thanh tra TP chuyển từ năm 2013 nhưng đến nay chưa kết thúc là vấn đề hết sức bất cập.
Cũng theo ông Tuyền, quy định của luật khi cơ quan thanh tra nhận được tố giác tin báo về tội phạm hoặc phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm với đầy đủ tài liệu, chứng cứ sẽ chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra kèm theo kiến nghị khởi tố theo quy định. Việc chuyển này không có nghĩa là chỉ dừng lại ở vấn đề khởi tố mà cơ quan điều tra cần điều tra để làm rõ thêm. Tuy nhiên, vừa qua ở một số vụ việc khi Thanh tra TP.HCM chuyển qua, cơ quan điều tra cho hay không rõ dấu hiệu, chưa xác định thiệt hại nên không tiến hành điều tra. Thậm chí có vụ việc có kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM nhưng cơ quan điều tra không tiếp nhận hồ sơ. Điều này khiến cho Thanh tra TP.HCM rất bức xúc – ông Tuyền nói.
Theo ông Tuyền, Thanh tra TP.HCM chỉ có vai trò tham mưu cho UBND TP.HCM nhưng có một số trường hợp, sở ngành, quận huyện thiếu hợp tác, chậm trễ trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu ảnh hưởng đến tiến độ thanh tra. Chưa kể, việc chậm cung cấp tài liệu này còn khiến người bị tố cáo quay trở lại tố cáo cả cán bộ thụ lý vụ việc của Thanh tra TP là điều rất đáng buồn – ông Tuyền chia sẻ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng: TP.HCM muốn phát triển thì dân phải yên, dân phải tin. Do đó TP.HCM phải tập trung giải quyết khiếu nại của người dân để củng cố niềm tin trong xã hội. Đến nay trong 12 vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài đến nay Thanh tra TP.HCM đã giải quyết cơ bản 6 vụ việc.
Theo ông Phong, hiện nay có một thực trạng là “khi xử lý cán bộ sai phạm, có những vụ việc khi tiến hành thanh tra thấy sai phạm rất rõ nhưng đến khi xem xét kỷ luật, xử lý lại chưa có tương thích thậm chí rất nhẹ và chỉ dừng lại ở mức độ phê bình, khiển trách là chưa hợp lý. Và chính vì điều này đã làm giảm đi hiệu quả của công tác thanh tra".
Cũng theo ông Phong, có những vụ việc khi được báo cáo về hình thức xử lý đã khiến người đứng đầu UBND TP.HCM ngạc nhiên vì thấy sai phạm nhiều nhưng hình thức kỷ luật chỉ có phê bình, khiển trách là chưa tương xứng – ông Phong nói
Có thể bạn quan tâm
10:05, 17/01/2019
15:37, 07/01/2019
12:00, 03/01/2019
Theo ông Phong, trong thời gian tới, “Ngành thanh tra phải kịp thời tham mưu hiệu quả cho thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo từ cơ sở; phát huy tính chủ động và trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo chức năng, nhiệm vụ được giao, quyết tâm không để phát sinh mới vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp và tập trung nguồn lực, thời gian để tham mưu cho thành phố giải quyết dứt điểm những vụ việc còn tồn đọng trên địa bàn” - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Năm 2018, Thanh tra TP.HCM đã phát hiện sai phạm kinh tế hơn 1.076 tỉ đồng, liên quan 5 căn nhà và hơn 117 m2 đất, đã kiến nghị thu hồi gần 895 tỉ đồng, 5 căn nhà và 7 m2 đất; kiến nghị xử lý hơn 181 tỉ đồng và 110 m2 đất; ban hành hơn 13.500 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 95 tỉ đồng… Công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thường trực Thành ủy, UBND TP.HCM, “có 4 vụ việc đông người có tính chất nổi cộm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, bao gồm: Khu đô thi mới Thủ Thiêm; Khu công nghệ cao; Dự án chỉnh trang đô thị phường Long Bình; Dự án 1bis - 1kép. |