Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và giao mặt bằng triển khai dự án nhằm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đâù tư công trong năm 2022.
>>Vì đâu giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm?
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đối với 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức, về việc huy động toàn hệ thống chính trị địa phương tích cực vận động, thuyết phục người dân đồng thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư công. Đồng thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và giao mặt bằng triển khai dự án nhằm đạt tỷ lệ giải ngân.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu…
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong bối cảnh việc triển khai các dự án đầu tư công khá chậm khiến tỷ lệ giải ngân 10 tháng của năm chỉ đạt 29%, nằm trong nhóm thấp nhất cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn bồi thường tại nhiều địa phương của TP chỉ “lẹt đẹt” dưới 15% như: Q.3, Q.11, H.Hóc Môn, H.Bình Chánh, TP.Thủ Đức. Do vậy, đối với các dự án đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, UBND TP.HCM yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi trả cho người dân.
Liên quan tới các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, trao đổi với báo chí, ông Đào Minh Chánh - Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, cho biế: hằng tuần, 3 tổ công tác đầu tư công như dự án vốn lớn, dự án ODA, bồi thường giải phóng mặt bằng đều phối hợp chủ đầu tư rà soát tiến độ, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Các chủ đầu tư cũng xây dựng tỷ lệ giải ngân hằng tháng để theo dõi khối lượng công việc và giao trách nhiệm đến từng cá nhân. Sở Xây dựng tập trung tháo gỡ khó khăn về phê duyệt dự án, điều chỉnh các gói thầu giúp các chủ đầu tư điều hành chung.
Bên canh đó, vai trò của Sở TN-MT sẽ thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, thẩm định giá, đền bù để tạo sự đồng thuận.
Ngoài ra, Sở Nội vụ sẽ có nhiệm vụ xem xét vai trò của từng chủ đầu tư cũng như các sở, ngành nhằm đảm bảo tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao nhất – ông Chánh cho hay.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, đã phải liên tiếp ký ban hành các chỉ thị thúc đẩy giải ngân đầu tư công của Thành phố. Tiến độ giải ngân của Thành phố hiện rất thấp và chưa thoát khỏi nhóm các tỉnh, thành giải ngân thấp nhất cả nước.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng vốn đã giải ngân của TP.HCM là 10.379 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,3% tổng kế hoạch vốn được giao (37.996 tỷ đồng). Tại cuộc họp giao ban tháng 10/2022 về giải ngân đầu tư công, thống kê cho thấy, có đến 50% số quận, huyện có tỷ lệ giải ngân đầu tư công dưới 50%. Đặc biệt, có tới 7 quận, huyện giải ngân chưa tới 1% vốn bồi thường giải phóng mặt bằng; các dự án giao thông trọng điểm có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 9,5%.
Trước tình trạng giải ngân đầu tư công chậm, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký và ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về tăng cường giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025. Điểm khác biệt nhất của Chỉ thị số 13/CT-UBND so với các chỉ thị đã ban hành từ đầu năm là việc yêu cầu quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu từng sở, ngành để giải ngân vốn đầu tư công chậm.
>>Đề xuất 5 nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công các tháng còn lại năm 2022
… trảm nhà thầu không đảm bảo tiến độ
Cụ thể, người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện… sẽ bị xử lý trách nhiệm và dứt khoát không xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2022 do nguyên nhân chủ quan. Đồng thời, sẽ có chế tài xử lý các chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý dự án, tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu, UBND TP.HCM cũng gấp rút điều chuyển vốn từ dự án giải ngân thấp sang dự án giải ngân cao. Theo Quyết định số 3535/QĐ-UBND ngày 18/10/2022 về việc điều chỉnh vốn đầu tư công năm 2022 đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố, TP.HCM điều chuyển 1.796 tỷ đồng từ 223 dự án giải ngân chậm sang 64 dự án giải ngân cao, nhằm đẩy nhanh tiến độ đưa dự án vào sử dụng.
Đặc biệt, trong 64 dự án được chuyển vốn, có một số dự án giao thông cấp bách như xây dựng đường Hoàng Hữu Nam (đoạn từ bến xe miền Đông mới đến nút giao xa lộ Hà Nội); bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy)… Đây được cho là động thái kịp thời để bổ sung vốn cho những dự án đang “khát vốn”, đặc biệt là những dự án hạ tầng đang ngày đêm thi công để đưa vào sử dụng.
Để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện kiên quyết cắt hợp đồng, có chế tài đối với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng. Thành phố sẽ rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án đầu tư công, phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết so với quy định hiện hành. Khi nhận đủ hồ sơ, Kho bạc Nhà nước sẽ thanh toán trong 4 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu.
Có thể bạn quan tâm
12:59, 05/11/2022
23:11, 04/11/2022
19:30, 04/11/2022
00:06, 31/10/2022
00:10, 30/10/2022
00:38, 29/10/2022
02:28, 28/10/2022
20:30, 26/10/2022
22:00, 24/10/2022