Quận 1 dự kiến mở lại chợ Bến Thành từ đầu tháng 10 sau khi dịch bệnh cơ bản kiểm soát; quận Tân Bình cũng đạt 6/6 tiêu chí của Bộ Y tế.
Sáng 29/9, Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho biết, địa phương đã cơ bản kiểm soát dịch và được đoàn thẩm tra của Ban chỉ đạo chống dịch thành phố công nhận.
Theo đó, trong 3 tuần từ ngày 2 đến 22/9 số ca mắc mới tại quận giảm còn 353 ca, so với 2.138 ca ở tuần cao nhất, giảm hơn 83%. Tỷ lệ ca dương tính trên tổng số người lấy mẫu còn 1,79%, trước đó 5,8%. Trong vòng 7 ngày, quận không ghi nhận ổ dịch phát sinh mới.
Trước đây, quận có 6 phường thuộc nhóm nguy cơ rất cao, 4 phường nguy cơ cao. Đến nay, 6 phường chuyển xuống nhóm nguy cơ và 4 phường bình thường mới.
Trên cơ sở kiểm soát dịch, ông Thanh cho biết, địa phương đang xem xét mở lại hoạt động chợ Bến Thành và Tân Định. Việc này nhằm phục vụ nhu cầu thực phẩm của người dân và tham quan du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Ngoài ra, địa phương sẽ mở cửa các dịch vụ thiết yếu theo chủ trương của thành phố.
"Phòng kinh tế là đơn vị hướng dẫn cho doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại theo bộ tiêu chí về an toàn phòng dịch. Địa phương sẽ tạo điều kiện tối đa về thủ tục cho doanh nghiệp để từng bước khôi phục kinh tế", ông Thanh nói và cho biết quận thực hiện theo phương châm "an toàn tới đâu mở cửa tới đó" dựa trên đánh giá tình hình dịch bệnh ở từng khu vực để quyết định phù hợp.
Tại Tân Bình, theo Bí thư quận ủy Lê Hoàng Hà, địa phương đã đạt 6/6 tiêu chí của Bộ Y tế. Trong ba tuần, số ca mắc mới tại quận giảm gần 86% so với tuần cao nhất. Tỷ lệ người dương tính trong tổng số mẫu được lấy giảm từ 3% xuống còn 0,2%. Số tổ dân phố vùng đỏ giảm 77%, vùng cam 56%, vùng vàng 33%...
"Để chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới, các phường đã tháo dỡ 228 vị trí trong tổng số 441 điểm rào chắn, dây giăng nội bộ và sẽ tiếp tục thực hiện những điểm khác", ông Hà nói và cho biết quận có trên 95% người trên 18 tuổi đã tiêm vaccine mũi 1, 85% người trên 50 tuổi được tiêm mũi 2 vaccine.
Tân Bình hiện ghi nhận trên 21.000 ca nhiễm, còn quận 1 hơn 14.000, đứng thứ 6 và 14 trong 22 quận, huyện của TP HCM.
Như vậy, từ đầu tháng 9 đến nay, đã có 9 địa phương ở TP HCM công bố kiểm soát được dịch bệnh. Trước đó là TP Thủ Đức, quận 7, Phú Nhận, Gò Vấp, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ. Hôm 16/9, quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ đã thí điểm nới lỏng một số hoạt động sản xuất, kinh doanh.
TP HCM dự kiến khôi phục hoạt động kinh tế từ 1/10 khi ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan như số ca tử vong và bệnh nhân thở máy giảm, ca xuất viện cao hơn nhập viện. Dự kiến thành phố cho phép mở nhiều hoạt động như đám cưới, thể thao, hớt tóc, thương mại, dịch vụ...
Tại cuộc họp vào chiều ngày 28/9, lãnh đạo TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An cho biết, với sự giúp đỡ của các địa phương, chi viện của Trung ương cùng nỗ lực các lực lượng chống dịch trên địa bàn, đến nay 4 tỉnh thành này từng bước kiểm soát dịch. Hiện, 4 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 rất cao.
Theo kế hoạch từng bước mở lại các hoạt động sản xuất an toàn, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An mong muốn đón công nhân ở các tỉnh trở lại làm việc, đồng thời cũng tha thiết đề nghị người lao động đang ở trên địa bàn tiếp tục ở lại. Bốn tỉnh, thành cam kết đảm bảo an sinh xã hội, tiêm vaccine cho bà con và sớm khôi phục sản xuất, tạo công ăn việc làm.
Thời gian qua, giữa 4 tỉnh thành và các địa phương khác phối hợp chặt chẽ để đưa đón một lượng người dân sinh sống tại 4 tỉnh thành về quê an toàn, có kiểm soát. Tuy nhiên cũng có một bộ phận người dân về tự phát, trong khi nhiều tỉnh tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp, lực lượng y tế mỏng nên rất khó khăn trong kiểm soát.
Theo đại diện Bộ Y tế, dù TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 rất cao nhưng người đã được tiêm vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh, lây cho người khác. Vì vậy, việc đi lại của người dân ở 4 tỉnh thành này về các địa phương khác vẫn phải kiểm soát, cách ly nghiêm ngặt theo quy định.
Tại cuộc họp, lãnh đạo hầu hết các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên thống nhất khi TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An từng bước kiểm soát được dịch bệnh sẽ thực hiện nới lỏng bên trong nhưng bên ngoài vẫn phải kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa dịch lây lan.
Các tỉnh, thành phố kiến nghị Thủ tướng tiếp tục thực hiện cơ chế kiểm soát người đi lại giữa TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai với các địa phương như hiện nay. Những người thực sự cần thiết từ 4 tỉnh, thành này về các địa phương khác phải có kế hoạch đưa đón. Bốn địa phương trên chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ không để tình trạng người dân tự phát về quê.
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Quốc phòng, Tổ trưởng Công tác đánh giá thời gian qua các tỉnh hỗ trợ rất tốt cho công tác phòng, chống dịch ở TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Bên cạnh việc ưu tiên phân bổ vaccine cho 4 tỉnh, thành này, Tổ Công tác sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng dành thêm vaccine cho các địa phương xung quanh để nhanh chóng tăng tỷ lệ tiêm, tạo thuận lợi cho hoạt động giao lưu, đi lại cho người dân.
Đến nay, Bình Dương, Đồng Nai và Long An gần 80 ngày, riêng TP HCM hơn 120 ngày áp dụng Chỉ thị 16. Những ngày gần đây, sau khi một số tỉnh thành ở miền Tây nới lỏng giãn cách, nhiều người ở Long An, Tiền Giang đã về quê bằng xe máy dẫn đến ùn ứ tại các chốt kiểm soát. Trước đó, ngày 15/8 khi hay tin TP HCM tiếp tục giãn cách kéo dài, nhiều người dân cũng tự chạy xe máy về quê nhưng bị lực lượng ở các chốt kiểm soát cửa ngõ chặn lại.
Có thể bạn quan tâm
11:16, 19/09/2021
14:22, 29/09/2021
13:30, 29/09/2021
04:00, 29/09/2021