Chỉ có con đường đi vào sản xuất theo chất lượng, trái cây Việt Nam mới có giá trị mới và bền vững.
>>Khát vọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp tri thức
Cơ hội gia tăng thị phần xuất khẩu trái cây Việt, từng bước chiếm lĩnh thị trường lớn và tăng cường hợp tác với các tập đoàn phân phối hàng đầu thế giới ngày càng rộng mở trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Chỉ có con đường đi vào sản xuất theo chất lượng, trái cây Việt Nam mới có giá trị mới và bền vững. Giá trị được xây dựng bằng chất lượng sản phẩm, bằng niềm tin với đối tác và khách hàng, qua đó góp phần tạo dựng thương hiệu cho trái cây Việt.
Với lợi thế của nước nhiệt đới, Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu trái cây, nhất là với trái cây chế biến. Nhu cầu nhập khẩu trái cây nhiều, các thị trường lớn trên thế giới luôn dành cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng. Đầu ra dồi dào cho sản phẩm chất lượng, doanh nghiệp không phải lo không bán được hàng. Điều cần của doanh nghiệp là tổ chức sản xuất để có sản phẩm đủ cạnh tranh. Các doanh nghiệp Thái Lan đã nhanh chóng thay đổi theo xu hướng này và từ lâu đã gặt hái nhiều thành công trong xuất khẩu trái cây. Trong khi đó, có một thời gian dài, chúng ta dường như hài lòng với việc xuất khẩu thuận lợi sang thị trường Trung Quốc. Thay đổi tư duy sản xuất để mở rộng thị trường trở nên khó khăn. Điểm nghẽn này cản trở việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và xuất khẩu nông sản.
Với phương châm “mỗi sản phẩm là một niềm tin”, thị trường đầu tiên xuất bán của những lô trái cây chất lượng không phải là Nhật Bản, châu Âu hay Mỹ mà chính là thị trường lớn Trung Quốc. Từ bước đệm này, chúng tôi tiếp tục dành nhiều thời gian để tạo dựng được niềm tin với nhiều thị trường khác, dẫn lối đưa trái xoài, trái bưởi da xanh vào thị trường Mỹ, đưa quả vải thiều sang Nhật Bản…
Trái cây Việt vươn ra thế giới muộn so với một số nước lân cận, trong khi cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng gay gắt hơn khi bạn có lợi thế hơn ta về kinh nghiệm, về chiến lược kinh doanh, về chi phí logistic.
Thế nhưng, cơ hội cho trái cây Việt vẫn rất sáng nếu chúng ta đi tắt đón đầu, lựa chọn công nghệ, giống, quy hoạch… Trước khi trái bưởi da xanh vào Mỹ, đoàn công tác của Mỹ đã sang làm việc với các nhà cung cấp Việt Nam và đánh giá cao chất lượng sản phẩm. Tại cuộc làm việc giữa đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với tập đoàn phân phối toàn cầu Walmart, đại diện tập đoàn đã dành lời khen cho chất lượng trái cây Việt, bày tỏ mong muốn hợp tác để tiếp tục đưa thêm trái xoài, sầu riêng đông lạnh và nhiều loại trái cây khác sang Mỹ.
Walmart là tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới có mặt tại nhiều nước, không chỉ là Mỹ nên hợp tác với Walmart hay Costco Wholesale là cơ hội tốt để trái cây Việt mở rộng thị phần, đi sâu hơn vào thị trường nội địa của nhiều nước trên thế giới.
>>Văn hoá doanh nghiệp - "bộ gene" làm nên hệ giá trị doanh nghiệp
Năm 2023 và những năm tới là thời điểm để chúng ta tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường. Mục tiêu này đạt được ở mức độ nào phụ thuộc rất lớn vào chiến lược phát triển của các doanh nghiệp, ngành hàng cùng sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Mỗi thị trường cần có chiến lược kinh doanh khác nhau. Nói về mặt hàng trái cây đang được ưa chuộng hiện nay là sầu riêng. Với vị trí địa lý thuận lợi, xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch sang Trung Quốc đang rất tốt. Nhưng với thị trường xa như Mỹ, châu Âu, chi phí logistic lớn, xuất khẩu sầu riêng tươi sẽ khó cạnh tranh.
Cách đây 3 năm, khảo sát thị trường Mỹ, chúng tôi nhận thấy sầu riêng đông lạnh của các nước có giá tốt. Chuỗi liên kết của mình có thể cung cấp sản phẩm tương tự nếu đầu tư chế biến sâu thay vì bán nguyên vỏ. Quả thật, khi xuất bán sầu riêng đông lạnh sang Mỹ, sau vài năm trở lại thị trường Mỹ, thật sự vui mừng và tự hào vì sản phẩm của Việt Nam đã có thị phần tại thị trường này. Tiếp tục mở rộng thị phần xuất khẩu cho trái cây Việt nói chung và mặt hàng sầu riêng nói riêng không còn là vấn đề của từng doanh nghiệp mà cần có sự liên kết của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam để xây dựng chuỗi giá trị bền vững, có khả năng cung ứng sản phẩm với số lượng tốt, chất lượng cao và giá cả ổn định. Muốn đi xa phải đi cùng nhau - nhận định này luôn có tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.
Thay đổi tư duy để hợp tác, cùng xây dựng niềm tin, xây dựng thương hiệu quốc gia cho trái cây “Make in VietNam” là con đường để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt tự tin giới thiệu sản phẩm trái cây đặc sản ra toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
WinMart thúc đẩy tiêu thụ trái cây Australia
19:25, 31/12/2022
Thông quan hàng hoá cửa khẩu biên giới: Hàng trái cây Việt Nam sẽ được "ưu tiên"
13:54, 18/06/2022
Starbucks ra mắt thức uống mang hương vị trái cây nhiệt đới
13:35, 15/04/2022
‘Nữ hoàng quả khô’ mắc ca “hút khách” ở festival trái cây lớn nhất vùng Tây Bắc
04:19, 31/05/2022