Kiến nghị

Trạm BOT Phú Hữu: “Nỗi lo” phí chồng phí và tác động tiêu cực đến doanh nghiệp?

HƯƠNG GIANG 04/08/2024 00:30

Việc xây dựng trạm BOT đối với một dự án đã hoàn thành sau 12 năm là không hợp lý. Chưa kể, việc thu phí này đang chồng chéo với nhiều loại phí khác tác sẽ động tiêu cực đến doanh nghiệp?

Đó là chia sẻ của các doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội cảng biển với PV Diễn đàn Doanh nghiệp trước kế hoạch thu phí dự án BOT Phú Hữu được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt mới đây.

hinh bài 1
Trạm thu phí BOT Phú Hữu được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt ngày 8/3/2024, có mức giá là 66.000 đồng/lượt/container 20 feet và 133.000 đồng/lượt/container 40 feet.

Lo ngại tác động tiêu cực đến doanh nghiệp

Theo ông Nhữ Đình Thiện - Phó tổng thư ký Hiệp hội đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải (VISABA), những bất cập trong việc xây dựng trạm BOT Phú Hữu và thu phí một dự án đã hoàn thành sau 12 năm là không hợp lý. Chưa kể, việc thu phí này đang chồng chéo với nhiều loại phí khác, như: phí hạ tầng cảng biển, phí đường bộ... sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp trước bối cảnh khó khăn như hiện nay.

“Trên thực tế, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang phải gánh chịu rất nhiều các loại thuế, phí, bao gồm: chi phí xuất nhập khẩu container hàng hóa thông qua các cảng, phụ phí của hãng tàu, phí hạ tầng cảng biển, thuế xuất nhập khẩu...”, ông Đính nêu.

Cũng theo ông Đính, với mức phí 66.000 đồng/lượt/container 20 feet và 133.000 đồng/lượt/container 40 feet, lo ngại sẽ tác động tiêu cực đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cũng như tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá vì bị phát sinh chi phí đầu vào. Đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải gồng mình, tiết giảm các chi phí để trả lương cho người lao động, giữ chân người lao động, trước bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Phân tích về các hệ luỵ kéo theo, ông Đính cho biết, hiện nay sản lượng container đang thụt giảm đáng kể. Đơn cử, sản lượng container nhập cảng SP-ITC đã sụt giảm 20-30% kể từ khi BOT Phú Hữu đưa vào thu phí đã khiến các hãng vận tải e ngại gánh nặng chi phí phát sinh. Mặt khác, khi áp dụng thu phí tại trạm BOT Phú Hữu không chỉ làm tăng chi phí vận chuyển hàng hoá, mà còn làm giảm sức cạnh tranh hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Do đó, Hiệp hội đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải đề xuất UBND TP.HCM xem xét bỏ trạm thu phí BOT Phú Hữu để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi tin rằng đây là giải pháp tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành logistics nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, TP.HCM cần linh hoạt trong việc sử dụng nguồn thu từ phí hạ tầng cảng biển trong thời gian qua để giảm bớt gánh nặng chi phí vận tải cho doanh nghiệp”, ông Đính đề xuất.

Ngoài ra, để khắc phục vấn đề này, ông Đính cho rằng TP cần nhanh chóng đầu tư và hoàn thiện các dự án kết nối hạ tầng giao thông, như: mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; đầu tư dự án đường Nguyễn Thị Định đi qua cảng Cát Lái và kết nối vào Vành đai 3; Nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp thay thế khác để đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho dự án BOT Phú Hữu, để góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

hinh bài 2
Theo ông Nguyễn Quốc Vương - Giám đốc điều hành Cảng SP- ITC: căn cứ theo mức giá đề xuất thu phí tại dự án BOT Phú Hữu, nếu tính theo km là cao gấp 10 lần so với những khu vực khác là bất hợp lý.

Bất cập “phí chồng phí

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải biển Thắng Lợi, cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sự phục hồi khá chậm của doanh nghiệp sau khủng hoảng, đại dịch Covid - 19, thì việc thu phí tại trạm BOT Phú Hữu là một lo ngại lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Bởi, hiện các doanh nghiệp đang phải cố gắng cắt giảm tối đa các chi phí mới có thể tồn tại. Song, mức thu tại trạm BOT Phú Hữu lên tới 66.000 đồng/lượt/container 20 feet và 133.000 đồng/lượt/container 40 feet, là một khoản phát sinh rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp nói chung, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại cảng nói riêng.

Phân tích rõ hơn về những bất cập về phí chồng phí, ông Nguyễn Quốc Vương - Giám đốc điều hành Cảng SP- ITC - đại diện chủ đầu tư Cảng biển SP ITC cho rằng: việc áp dụng mức thu phí tại dự án BOT Phú Hữu như hiện nay là khá cao so với mặt bằng chung. Điều này không chỉ gây nhiều tác động không tốt đến ngành logictics, mà còn làm giảm năng lực cạnh tranh tại khu vực cảng biển này.

Cũng theo ông Vương, căn cứ theo mức giá đề xuất thu phí tại dự án BOT Phú Hữu, nếu tính theo km là cao gấp 10 lần so với những khu vực khác là bất hợp lý. Chưa kể, đoạn đường thu phí chỉ dài 2,6km và là tuyến đường độc đạo, khiến cho các doanh nghiệp không có sự lự chọn nào khác, buộc phải vận tải hàng hoá phải đi qua trạm thu phí BOT là hết sức bất cập.

“Để đưa một container hàng hóa qua Cảng SP-ITC và từ TP Hồ Chí Minh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và ngược lại, các doanh nghiệp đang gánh chịu hàng loạt các loại thuế, phí, thì nay lại phải chịu thêm khoản phí tại trạm BOT Phú Hữu là ngoài sức chịu đựng của doanh nghiệp. Do đó, để tháo gỡ những khó khăn này, UBND TP.HCM cần xem xét phương án hợp lý hơn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay”, ông Vương kiến nghị.

Theo biểu giá phí dịch vụ sử dụng đường bộ Dự án BOT Phú Hữu đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt ngày 8/3/2024, có mức giá là 66.000 đồng/lượt/container 20 feet và 133.000 đồng/lượt/container 40 feet. Và đây chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu phản ứng vì cho rằng mức phí này sẽ tạo gánh nặng, và các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh hàng hoá với doanh nghiệp nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trạm BOT Phú Hữu: “Nỗi lo” phí chồng phí và tác động tiêu cực đến doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO