Trăn trở câu chuyện phát triển bền vững

Nguyễn Quang Vinh Tổng thư ký VCCI 04/02/2019 05:00

Ngày đầu Xuân, bên ấm trà và nhìn lại quãng đường đã đi qua, thấy rằng bên cạnh những thành công thì câu chuyện về “Phát triển bền vững” ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần làm.

Nhưng dường như, chính những nỗi trăn trở đó lại trở thành động lực để bước tiếp con đường “độc đạo” mang tên “phát triển bền vững”...Bẵng đi, thời gian trôi thật nhanh, đã mười mấy năm tham gia và góp sức nhỏ bé của mình vào câu chuyện phát triển bền vững ở Việt Nam, mà cụ thể là “phát triển bền vững doanh nghiệp”, được tận mắt thấy sự “thay da, đổi thịt”, thay đổi từ ý thức tới hành động mới thấy quá trình đó thật không hề dễ dàng. .

Chủ tịch VCCI - TS Vũ Tiến Lộc trao quà lưu niệm tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2018.

Chủ tịch VCCI - TS Vũ Tiến Lộc trao quà lưu niệm tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2018.

Có thể bạn quan tâm

  • Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững

    Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững

    21:36, 29/01/2019

  • Sẽ tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

    Sẽ tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

    00:05, 29/01/2019

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh"

    18:24, 17/01/2019

  • Gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường: “Chìa khoá” phát triển bền vững của doanh nghiệp

    Gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường: “Chìa khoá” phát triển bền vững của doanh nghiệp

    19:59, 28/12/2018

1. Mười mấy năm về trước ở Việt Nam, khi mà người ta còn đang mải miết tìm tòi cách định hình cách thức sản xuất, kinh doanh, hội nhập…dường như chả mấy ai quan tâm tới câu chuyện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) hay phát triển bền vững…Bởi nó còn quá xa lạ và thậm chí khi đề cập tới vấn đề này nhiều người còn cho là “gàn”. Nhưng, dường như số phận đã sắp đặt con người ta vào những công việc. Nó không chỉ là công việc đơn thuần mà thực sự là niềm đam mê, đó là những tháng ngày khó khăn nhưng lại đáng nhớ nhất.

Còn nhớ, vào đầu những năm 2000, khi đó lãnh đạo VCCI có chủ trương thành lập một bộ phận “bền vững” với nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may, da giầy trong việc thực hiện dự án…CSR. Những ngày đầu đó thật khó khăn, nhưng “mưa dầm thấm lâu”, dần dần, các doanh nghiệp đã hiểu thế nào là CSR. Rất nhiều doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp XK mũi nhọn như: Dệt may, da giày, thủy sản... đã quan tâm và thực hiện.

Hơn 10 năm sau, năm 2015 đánh dấu một cột mốc lớn trong lịch sử nhân loại khi 193 nguyên thủ thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030, với trọng tâm là 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm không để ai bị bỏ lại phía sau. Và kể từ đó, câu chuyện phát triển bền vững đã trở thành nền tảng cốt lõi trong các hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp thức thời, muốn đi xa bằng kinh doanh nhân văn và vì xã hội.

2. Nói đến vai trò của doanh nghiệp và phát triển bền vững có thể hình dung đó là mối quan hệ hữu cơ với nhau. Để phát triển bền vững, không thể thiếu tiếng nói, hành động, sự chung tay của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ thu được những lợi ích chưa từng có khi coi phát triển bền vững là “máu” là “thịt” của doanh nghiệp thay vì chỉ là vấn đề chung chung.

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững, hoàn thành các Mục tiêu toàn cầu sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 12 nghìn tỷ đô, và hơn 380 triệu việc làm mới vào năm 2030. Hay triển khai các mô hình kinh doanh mới theo định hướng kinh tế tuần hoàn – một nền kinh tế phi phát thải sẽ tạo ra cho doanh nghiệp cơ hội kinh doanh lên đến 4,5 nghìn tỷ USD.

3. Kể những câu chuyện trên để thấy rằng, phát triển bền vững giờ đây không còn là khẩu hiệu mà nó là những cơ hội thực sự thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp. Và có lẽ, chưa bao giờ “phát triển bền vững doanh nghiệp” lại được quan tâm và được nhắc nhiều như hiện nay. Cùng với những hỗ trợ của VCCI, doanh nghiệp Việt đã dần đưa hoạt động phát triển bền vững vào chiều sâu: khởi nguồn từ triển khai các hoạt động thiện nguyện (philanthropy), đến thực hiện trách nhiệm doanh nghiệp với xã hội (CSR), dần dần tiếp cận với khái niệm phát triển bền vững và giờ đã bước một bước tiến dài đến xây dựng và tích hợp các Mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh. Nhưng giờ đây, khi mà hai chữ "bền vững" dần trở thành “kim chỉ nam” cho sự phát triển của doanh nghiệp và lớn hơn là nền kinh tế, thì với những người làm công tác này, vẫn còn đó sự trăn trở, hay đúng hơn là nỗi lo. Đó là làm sao để bền vững đi vào thực chất thay vì lớp vỏ chữ nghĩa bên ngoài.

Cụ thể hơn, ở thời kỳ CMCN 4.0 này, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân đã thay đổi khi kinh doanh theo kiểu truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu. Vai trò đó giờ đây không chỉ là động lực phát triển kinh tế, doanh nghiệp cũng không chỉ được đánh giá qua những con số của doanh thu hay lợi nhuận mà còn ở việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường như thế nào, thực hiện trách nhiệm xã hội, tạo công ăn việc làm, sinh kế bền vững ra sao... Có thể dùng hình tượng kiềng ba chân để nói về việc một doanh nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững khi làm tốt cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Nói đó là sức ép cũng đúng, nhưng đó là những điều kiện tiên quyết để phát triển. Nếu doanh nghiệp muốn mạnh, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì anh phải sớm thay đổi tư duy kinh doanh, thực hiện đổi mới sáng tạo, áp dụng các công cụ quản trị doanh nghiệp ưu việt như Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và đầu tư nguồn lực cho phát triển bền vững, còn không thì buộc lòng phải bị đào thải.

4. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 7/2018 của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD) cho thấy, 42% doanh nghiệp nhìn nhận 17 mục tiêu PTBV là phương tiện quan trọng giúp doanh nghiệp xác định các cơ hội kinh doanh và nguồn doanh thu mới, 45% coi việc tích hợp các mục tiêu một cách phù hợp với chiến lược kinh doanh sẽ giúp mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Có lẽ, không thể chậm trễ hơn được nữa, đã đến lúc các doanh nghiệp, người dân Việt Nam góp thêm những dấu ấn đậm nét hơn của chính mình trong câu chuyện phát triển bền vững. Việc làm thế nào để đưa 17 mục tiêu PTBV vào cuộc sống và lựa chọn mục tiêu nào cho phù hợp với từng doanh nghiệp, địa phương… Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành và VCCI, chúng ta rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia mạnh mẽ hơn của các cơ quan truyền thông để đưa phát triển bền vững thực sự đi vào cuộc sống.

Và, quan trọng nhất là sự tham gia mạnh mẽ hơn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tài chính để tạo động lực và hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp có định hướng sản xuất kinh doanh bền vững có thể triển khai các sáng kiến cụ thể….

Viết đến đây mới chợt nhớ tới mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
Tôi lại nhìn, như đôi mắt trẻ thơ
Tổ quốc tôi, chưa đẹp thế bao giờ!
Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển
Xanh trời, xanh của những giấc mơ...
Và giấc mơ của tôi là xây dựng và phát triển một “vườn ươm” doanh nghiệp xanh của Việt Nam. Sẽ còn nhiều trăn trở, nhiều thử thách phía trước, nhưng đó cũng chính là những động lực lớn để bước tiếp hành trình xanh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trăn trở câu chuyện phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO