Tránh vạ lây từ xung đột thương mại Mỹ - Trung

Thuỵ Vân 10/05/2018 14:00

Các đối tác thương mại của Mỹ và Trung Quốc cần cấu trúc lại và định hướng lại quan hệ hợp tác với 2 quốc gia này để tránh bị vạ lây.

Sau 2 ngày đàm phán với phía Trung Quốc, phái đoàn Mỹ đã rời Trung Quốc mà hai bên không thống nhất được các giải pháp nào cho những bất đồng thương mại song phương.

p/Sau 2 ngày đàm phán với Trung Quốc, phái đoàn Mỹ đã rời Bắc Kinh mà không đạt được giải pháp nào để giải quyết bất đồng thương mại hiện nay với Trung Quốc. (Phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ rời Bắc Kinh ngày 04/05/2018. Ảnh: REUTERS)

Sau 2 ngày đàm phán với Trung Quốc, phái đoàn Mỹ đã rời Bắc Kinh mà không đạt được giải pháp nào để giải quyết bất đồng thương mại hiện nay với Trung Quốc. (Phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ rời Bắc Kinh ngày 04/05/2018. Ảnh: REUTERS)

Chuyện nhỏ bên ngoài

Có thể bạn quan tâm

  • Đàm phán thương mại Mỹ - Trung kết thúc chưa trọn vẹn

    Đàm phán thương mại Mỹ - Trung kết thúc chưa trọn vẹn

    04:30, 05/05/2018

  • “Vén màn” xung đột thương mại Mỹ - Trung

    11:35, 13/04/2018

  • Hậu quả khó lường từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

    05:50, 25/03/2018

  • Mỹ - Trung điện đàm về tình hình Triều Tiên

    06:20, 13/08/2017

Nếu đặt tiêu chí thành công là phải giải quyết những bất đồng hiện nay, thì cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ đã thất bại. Nhưng 2 nước đạt được sự hiểu biết chung là dùng đối thoại và lập ra nhóm làm việc chuyên trách để giải quyết tất cả những xung đột thương mại trong thời gian tới. Và nếu coi đó là sự nhất trí giữa hai bên về tư tưởng chủ đạo trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại, thì cuộc đàm phán vừa qua lại được coi là đã thành công ở mức độ nhất định. Từ đó có thể thấy, dù hai bên cần nhiều thời gian hơn nữa để giải quyết ổn thoả các bất đồng thì cũng sẽ không xảy ra chiến tranh thương mại giữa 2 nước.

Mối bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ thực ra đã có từ lâu. Mỹ bị thâm hụt lớn trong cán cân thương mại với Trung Quốc. Mỹ không cho rằng, đó là kết quả của khả năng cạnh tranh quốc tế yếu kém của hàng hoá xuất khẩu của Mỹ mà cáo buộc Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh. Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã thực thi chính sách nhà nước bù trợ xuất khẩu, sử dụng biện pháp phá giá và duy trì đồng nhân dân tệ yếu. Mỹ đòi Trung Quốc phải mở cửa thị trường hơn nữa để cạnh tranh thực sự bình đẳng, chấm dứt việc sao chép phát minh sáng chế dưới nhiều hình thức khác nhau. Áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ đã được những người tiền nhiệm của ông Donald Trump áp dụng, nhưng sau thời gian nhất định đều phải chấm dứt do Trung Quốc trả đũa hoặc do gặp phải phán xử bất lợi ở Tổ chức Thương mại thế giới.

Ông Trump là người theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tin rằng chỉ có chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới giúp nước Mỹ xoá bỏ thâm hụt trong cán cân thương mại với các đối tác. Trump đã quyết định áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Riêng đối với Trung Quốc, chính quyền Trump còn dự định áp thuế đối với nhiều dòng sản phẩm khác với giá trị tổng cộng 150 tỷ USD. Điều đó cho thấy, Trung Quốc không chỉ là đối tượng chính đối với phía Mỹ trong cuộc tấn công bằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại mà vấn đề ở đây là toàn bộ mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, là sức mạnh kinh tế của Mỹ trong tương lai, là ưu thế nổi trội và vai trò dẫn dắt của Mỹ trong những ngành công nghệ và kỹ thuật có tầm quan trọng quyết định nhất và then chốt nhất trong tương lai.

Chuyện lớn bên trong

Hiện tại, Trung Quốc vẫn còn bị phụ thuộc ở mức độ nhất định vào công nghệ của Mỹ. Trung Quốc đã đề ra mục tiêu phấn đấu khắc phục tình trạng đó với chương trình "Made in China 2025". Trên thực tế, đó là lời “tuyên chiến” của Trung Quốc với các nước công nghiệp phát triển phương Tây, chứ không riêng với Mỹ. Tuy nhiên, trong 10 lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và công nghiệp quan trọng nhất đối với thế giới trong thế kỷ 21 như trí tuệ nhân tạo, tối ưu hoá và tự động hoá, vật liệu mới..., Mỹ còn đi sâu vươn xa hơn, còn bao trùm và tổng thể rộng lớn hơn cả phạm vi và mục đích của cái gọi là "Cách mạng công nghiệp 4.0". Bản chất của xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh chuyện đó và đấy mới là chuyện lớn hiện nay giữa hai nước này.

Chiến lược của ông Trump và cộng sự là dùng những tuyên bố đe dọa áp thuế bảo hộ mậu dịch đối với hàng hoá của Trung Quốc để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ hoặc phải chấp nhận đi vào đối thoại với Mỹ, thông qua đó vừa kìm hãm chương trình "Made in China 2025" của Trung Quốc, vừa đảm bảo lợi ích của Mỹ trong dài hạn. Việc ông Trump coi trọng vấn đề này được thể hiện ở chỗ cử tất cả những cộng sự thân cận và quan trọng nhất của mình về chính sách kinh tế, tài chính và thương mại sang Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng vẫn còn cần phải tranh thủ Mỹ và tránh đối đầu với Mỹ nên đã chủ động có những nhượng bộ nhất định, bao gồm nhượng bộ chung cho tất cả các đối tác và nhượng bộ riêng với Mỹ. Khác so với những người tiền nhiệm, ông Trump đã chứng tỏ đã nói là làm và vì nhu cầu đối nội sẵn sàng bất chấp mọi cái giá phải trả về đối ngoại.

Cuộc chơi này giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang tác động mạnh mẽ tới tất cả những đối tác kinh tế và thương mại của hai nước này, trong đó có Việt Nam. Cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc càng quyết liệt thì mức độ ảnh hưởng tiêu cực tới các đối tác của 2 nước càng nhiều. Bởi thế, sẽ rất thực tiễn và đúng đắn nếu các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ tránh được nguy cơ bị vạ lây, bị bên này hay bên kia lôi bè kết phái. Họ nên kiến tạo lại, cấu trúc lại và định hướng lại quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của họ với Mỹ và Trung Quốc, nhằm đảm bảo lợi ích của mình và tránh bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột thương mại Mỹ- Trung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tránh vạ lây từ xung đột thương mại Mỹ - Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO