Dù dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường, thế nhưng, theo các chuyên gia, năm 2022 được cho sẽ là một năm tràn đầy triển vọng phục hồi và phát triển nền kinh tế…
>>Niềm tin về sự phục hồi và phát triển kinh tế sau kỳ họp bất thường
Nhìn lại năm 2021, nền kinh tế đã có một khởi đầu tốt đẹp, khi trong quý I/2021 kinh tế tăng trưởng tích cực nhờ xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là mặt hàng công nghệ. Tuy nhiên, trước tác động khó lường của biến chủng Delta khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách với nhiều mức độ khác nhau dẫn tới nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tăng trưởng kinh tế quý III/2021 suy giảm chưa từng có trong lịch sử (-6,02%).
Thế nhưng, đà phục hồi tăng trưởng kinh tế thực sự quay trở lại trong quý IV/2021 khi mức tăng trưởng GDP đạt 5,22% so với cùng kỳ năm trước. Đây là sự đảo chiều ấn tượng so với mức sụt giảm của quý III, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP chung của năm 2021 đạt 2,58%.
Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 tăng 1,84%; vốn FDI đăng ký ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước; giải ngân vốn FDI cả năm đạt gần 20 tỷ USD; đáng chú ý, vượt qua khó khăn của đại dịch, kim ngạch xuất, nhập khẩu vượt 668 tỷ USD, tăng 22,6%; đưa Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới...
>>Chính sách thuế “liều ô xy” kịp thời hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế
Nhìn vào bức tranh tăng trưởng kinh tế năm 2021, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đây là mức tăng trưởng thể hiện nỗ lực lớn của nước ta khi vừa phải chống dịch và duy trì sản xuất, kinh doanh. Việc chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ “Zero COVID” sang thích ứng an toàn vào tháng 10/2021 đã giúp kinh tế Việt Nam phục hồi vào quý IV/2021, qua đó đạt mức tăng trưởng dương trong cả năm.
Thông tin với báo chí, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ - Lê Quang Mạnh cho biết, đầu tháng 10/2021, các tỉnh miền Tây đón nhận hàng vạn người dân về địa phương, đây là bối cảnh hết sức ngặt nghèo ở thời điểm này. Nhưng khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là một quyết định hết sức kịp thời để điều chỉnh, phù hợp diễn biến tình hình, giúp các địa phương và Cần Thơ ở các tháng cuối năm khôi phục sản xuất, kinh doanh.
“Nghị quyết 128/NQ-CP cùng với sự triển khai kịp thời của các địa phương đã đưa tốc độ tăng trưởng quý IV/2021 đạt 5,22%, tạo tiền đề quan trọng để các địa phương bước vào năm 2022 với niềm tin vững vàng cho những thành công hơn”, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ bày tỏ.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Quốc Phương, trên cơ sở những gì đã đạt được trong năm 2021 hoàn toàn có thể kỳ vọng năng lực nội tại của nền kinh tế vẫn còn duy trì được để quay lại quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững trong năm 2022.
Thứ trưởng Phương cho rằng, kết quả kinh tế vĩ mô đạt được trong năm 2021 là một thành tựu rất lớn. Nhờ việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, qua rà soát về số liệu GDP theo từ quý 2,3 và 4 đã chỉ ra mô hình phục hồi là hình chữ V. Mô hình phục hồi này cũng cho thấy sức bật của nền kinh tế nước ta rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng.
Thực tế, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ thời gian gần đây cũng đã đặt ra các nhiệm vụ cho năm 2022, trong đó phấn đấu mức tăng trưởng GDP đạt mức 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900USD; giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công...
Các chuyên gia đánh giá, nhiệm vụ này hoàn toàn khả thi khi Việt Nam đang nằm trong số các quốc gia có độ phủ vaccine cao nhất thế giới, thêm vào đó là chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây được coi là những nền tảng quan trọng để kinh tế phục hồi nhanh và phát triển.
Bên cạnh đó, dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo ở mức 6,5% và nhận định, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng với việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương tự do.
Trong khi Ngân hàng HSBC có trụ sở ở London cũng nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư nước ngoài mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất và phát triển xanh.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, triển vọng phục hồi và phát triển nền kinh tế 2022 sẽ đến từ những chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ, đặc biệt là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, sẽ là trợ lực quan trọng để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV được tổ chức quyết định những vấn đề cấp bách, phù hợp với thực tiễn của đất nước, đó cũng là niềm mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp. Việc hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp ưu tiên những ngành, lĩnh vực đóng vai trò dẫn dắt để không bị đứt chuỗi giá trị cung ứng, cùng với việc cải cách hành chính mạnh mẽ sẽ tạo đà cho doanh nghiệp cả nước nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Niềm tin về sự phục hồi và phát triển kinh tế sau kỳ họp bất thường
00:30, 12/01/2022
Chính sách thuế “liều ô xy” kịp thời hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế
03:50, 03/01/2022
Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển
09:34, 25/12/2021
Lạc quan về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế
11:30, 15/12/2021
Phục hồi và phát triển kinh tế: Chuyển cơ chế "xin - cho" sang "phục vụ"
04:20, 12/12/2021