Triển vọng tăng trưởng của HPG

Hà Phương 18/11/2018 12:00

Ngược với tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng đầu năm của HPG, các quỹ ngoại liên tục bán ra cổ phiếu của HPG.

Mặc dù vẫn đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức liên quan đến giá tôn Trung Quốc tại Việt Nam, biến động tỷ giá và lãi suất nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG) vẫn tăng trưởng tích cực trong sản xuất, kinh doanh.

HPG là tập đoàn đứng thứ 7 trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất và thứ 47 trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn này kinh doanh đa lĩnh vực bao gồm thép, các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp và bất động sản.

Đạt 85% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2018 của HPG với doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 14.394 tỷ đồng và 2.408 tỷ đồng, đều tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, HPG đã đạt 41.988 tỷ đồng doanh thu và 6.833 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 24% và 22% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, HPG đã hoàn thành 85% kế hoạch lợi nhuận năm 2018.

Theo đó, các nhóm ngành kinh doanh của HPG giữ vững nhịp tăng trưởng. Thép xây dựng HPG trong 9 tháng đã cho ra thị trường gần 1,7 triệu tấn, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Dự kiến hết năm 2018, con số này sẽ là 2,3 triệu tấn. HPG đang tập trung cho tiến độ hoàn thiện Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Dung Quất nhằm đạt tổng công suất 4 triệu tấn thép xây dựng vào năm 2019 và 5 triệu tấn thép xây dựng từ 2020. Sau khi dự án hoạt động ổn định, thị phần thép xây dựng HPG dự kiến sẽ chiếm ít nhất 30% toàn thị trường.

Trong lĩnh vực bất động sản, dự án Mandarin Garden 2 đã bàn giao phần lớn căn hộ cho khách hàng, đồng thời hoàn thiện nốt các hạng mục tiện ích, nội thất dự án chung cư tại 70 Nguyễn Đức Cảnh, Hà Nội nhằm bàn giao căn hộ cho khách hàng vào tháng 12 tới.

Khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu

Ngược với tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng đầu năm của HPG, các quỹ ngoại liên tục bán ra cổ phiếu của HPG. Trong đó, PENM III Germany GmbH & CO. KG vừa thông báo đăng ký bán bớt 20 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 49 triệu cổ phiếu HPG (tỷ lệ 2,31%) đang sở hữu để cơ cấu lại danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ 16/11 đến 14/12/2018.

6.833 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế của CTCP Tập đoàn Hòa Phát trong 9 tháng đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó PENM III đăng ký bán 20 triệu cổ phần của HPG, nhưng hết thời gian đăng ký mới chỉ bán được 10,9 triệu cổ phiếu. Nguyên nhân không bán được hết lượng cổ phiếu đăng ký là do giá thị trường không đạt kỳ vọng.

Động thái bán cổ phiếu HPG của quỹ PENM II trong thời gian qua không ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu này. Bởi trong thời gian quỹ này bán ra (từ 5/10 đến 10/10/2018), cổ phiếu HPG giao dịch từ 41.000- 41.500 đồng/cp, chỉ giảm nhẹ so với thời điểm quỹ này đăng ký bán (42.000 đồng/cp).

Rủi ro trong sản xuất kinh doanh

Trong báo cáo mới đây, Cty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã hạ dự báo lợi nhuận năm 2018 của HPG xuống 9.113 tỷ đồng, giảm 4% so với dự báo trước đó do tiến độ bán hàng của Mandarin Garden 2 chậm hơn dự kiến và việc lùi hoạt động dây chuyền tôn mạ so với kế hoạch ban đầu.

Theo BVSC, điều đáng lo ngại tại HPG là giá tôn Trung Quốc bán tại Việt Nam mặc dù đã bị áp thuế nhưng vẫn thấp hơn khoảng 7% so với giá tôn nội địa. Trong khi nguồn cung đang dư thừa do các doanh nghiệp đầu ngành tăng mạnh công suất giai đoạn 2017-2018, kết hợp cùng việc bị chống bán phá giá ở nhiều nước trên thế giới khiến triển vọng ngành tôn mạ kém khả quan.

Ngoài ra, tăng trưởng ống thép có dấu hiệu chậm lại và có thể đi vào trạng thái ổn định, thay vì tăng trưởng nóng như 5 năm về trước. Do đó, BVSC điều chỉnh giảm 10% dự báo lợi nhuận của HPG xuống 11.701 tỷ đồng trong năm 2019. Tuy nhiên, HPG vẫn có thể đạt mức tăng trưởng 28% về lợi nhuận trong năm 2019.
Ông Nguyễn Hữu Huân-Chuyên viên kiểm toán KPMG cho biết, ngành thép Việt Nam phải nhập khẩu 50 – 60% nguyên liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất, nên HPG chịu tác động mạnh từ biến động tỷ giá.
Ngoài ra, đặc thù ngành thép là thâm dụng vốn nên nhu cầu vay nợ bình quân trong ngành rất cao, khoảng 55% trong cơ cấu tài sản được tài trợ bằng nợ vay. Khi nền kinh tế xảy ra lạm phát cao, thì lãi suất cho vay sẽ tăng, khiến các doanh nghiệp càng khó khăn hơn trong tiếp cận vốn vay và chi phí lãi vay của doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên.

Mặc dù những khó khăn, thách thức nói trên, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, HPG tiếp tục đạt được tăng trưởng tích cực trong sản xuất, kinh doanh. 

Thách thức với thép Việt

Trong năm 2018, ngành thép Việt Nam dự kiến ghi nhận sản xuất 7.500 tấn gang, 14.000 tấn phôi thép, 26.000 tấn sản phẩm thép cuối cùng bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, thép lá cuộn cán nguội, thép ống hàn...

Bên cạnh những thuận lợi trên thì ngành thép Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Cạnh tranh không lành mạnh và phá giá của Trung Quốc đã ảnh hưởng tới rất nhiều nước lân cận, đặc biệt là Việt Nam.
Tuy nhiên, năm 2016, Việt Nam đã áp dụng thuế tự vệ đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Kết quả là sản lượng nhập khẩu phôi thép từ Trung Quốc giảm mạnh, giá bán tăng và các doanh nghiệp trong ngành đã có những kết quả kinh doanh tích cực hơn.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp mức thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu từ các nước. Tuy nhiên, thị trường Mỹ chỉ chiếm 11% trong tổng sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam, nên các doanh nghiệp thép không chịu ảnh hưởng nhiều.
Trong khi đó, ngành thép Việt Nam chịu áp lực về kiện tự vệ, áp thuế nhiều nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2018, số vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến ngành thép Việt lên đến con số 37, thêm vào đó là gần 10 vụ kiện chống trợ cấp.

Đứng trước bất lợi này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có công văn kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công thương để có phản ứng đối với quyết định của Mỹ, đồng thời để bảo vệ thị trường trong nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu, phải đặc biệt chú trọng công tác phòng vệ thương mại năm 2018.
VSA cho biết sẽ theo dõi tình hình nhập khẩu các sản phẩm thép trong nước để cùng các doanh nghiệp đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất thép trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Triển vọng tăng trưởng của HPG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO