Triển vọng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2024: “Hợp long” cho nông nghiệp 2024

THY HẰNG 06/01/2024 04:30

Tất cả các trục của ngành nông nghiệp như các “dòng sông” cùng chảy sẽ “hợp long” được quy mô xuất khẩu năm 2024 với sản lượng với giá trị lớn hơn năm 2023.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh khi chia sẻ với DĐDN.

>>Kỳ vọng “cửa sáng” cho doanh nghiệp xuất khẩu năm 2024

LTS: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp để năm 2024 tăng trưởng, năm 2025 về đích, đạt đúng mục tiêu của Nghị quyết Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Năm 2023, ngành nông nghiệp đạt được con số tăng trưởng tích cực 3,83%. Đây là tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.

- Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh khó khăn của năm 2023, ngành nông nghiệp đã phát huy vai trò trụ đỡ như thế nào?

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đáng lưu ý, chúng ta đạt nhiều kỷ lục mới, lúa gạo tăng mạnh về sản lượng và năng suất với 43,5 triệu tấn. Thịt các loại đặt mục tiêu trên 7,3 triệu tấn nhưng đã đạt 7,79 triệu tấn. Ngành chăn nuôi năm nay ghi nhận tăng trưởng 5,72%.

Ngành thủy sản đạt 9,33 triệu tấn, tăng trưởng 3,71%. Trồng trọt chưa khi nào tăng trên 2% năm nay cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ 3%. Lâm nghiệp thì gỗ rừng trồng là 33 triệu tấn, thu dịch vụ môi trường rừng 3.200 tỷ. Và lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn, tương đương 51,5 triệu USD, đây là tiềm năng lợi thế rất lớn.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 53,1 tỷ USD tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng thặng dư thương mại đạt 12,1 tỷ USD, tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước, lớn nhất trong 10 năm trở lại đây.

Đặc biệt chúng ta đã phát động thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

- Vậy có thể kỳ vọng như thế nào về triển vọng xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2024, thưa Thứ trưởng?

Dự báo trong năm 2024 nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao cùng tác động của El Nino…; đặc biệt là tác động từ xung đột, bất ổn của thế giới.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0-3,5%. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 2,0-2,2%; chăn nuôi là 4,0-5,0%; thủy sản là 3,7 - 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54-55 tỷ USD.

 Năm 2023, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.p/(Biểu đồ: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam qua các năm)

Năm 2023, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. (Biểu đồ: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam qua các năm)

>>Doanh nghiệp gia tăng giá trị xuất khẩu từ kinh doanh bền vững

- Để đạt được mục tiêu trong năm mới 2024, ngành nông nghiệp đã có những kế hoạch và hành động cụ thể nào, thưa Thứ trưởng?

Để đạt được những mục tiêu đề ra, tới đây ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm. Thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản. Chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng...

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN.

Về thị trường, đối với thị trường Trung Quốc, các nghị định đã từng bước được ký kết, chúng ta sẽ có nhiều lợi thế hơn. Cụ thể, lợi thế về hạ tầng, có trao đổi hai chiều thuận lợi hơn, cắt giảm thủ tục hành chính để kiểm dịch thực vật được nhanh hơn và tốt hơn, chính xác hơn… Ngoài ra, các mặt hàng khác cũng đang rất tiềm năng là dừa và yến tươi có cơ cấu thị trường với Trung Quốc rất lớn.

Bên cạnh đó căn cứ vào cơ cấu của các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường châu Âu, cơ cấu sản xuất chúng ta sẽ thay đổi để thúc đẩy tiềm năng lợi thế.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp "đói" đơn hàng, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản "lao dốc”

    04:00, 05/05/2023

  • Kỳ vọng “cửa sáng” cho doanh nghiệp xuất khẩu năm 2024

    02:30, 01/01/2024

  • Xuất khẩu gạo tiếp đà tăng tốc năm 2024

    03:30, 29/12/2023

  • Thấy gì từ hoạt động xuất khẩu của Nghệ An vượt mức kỳ vọng?

    14:25, 27/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Triển vọng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2024: “Hợp long” cho nông nghiệp 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO