Trump đã từng hứa sẽ giúp Triều Tiên trở nên giàu có nếu giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, sẽ giúp Triều Tiên hiện thực hóa tham vọng này.
Mục đích chính của ông Kim Jong-un đến với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều nhằm đạt được thỏa thuận gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nói chung và của Mỹ nói riêng, cũng như yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc và không tiếp tục tập trận chung với quốc gia này, chứ không nhằm thuyết phục Mỹ giúp quốc gia này xây dựng và phát triển kinh tế của mình.
Cải cách theo mô hình Trung Quốc
Giới chuyên gia cho rằng, Triều Tiên hoàn toàn không phù hợp với mô hình chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ, mà chỉ phù hợp với mô hình kinh tế thị trường có định hướng Nhà nước của Trung Quốc.
Chính Trung Quốc mới là quốc gia đã có công rất lớn trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng tham gia Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều. Bởi từ tháng 3/2018 ông Kim Jong-un đã có 2 chuyến thăm tới Trung Quốc. Trong khi đó, phái đoàn cao cấp của đảng Lao động của Triều Tiên cũng đã có chuyến thăm kéo dài 11 ngày tới các khu công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua. Trong đó, đoàn công tác của Triều Tiên đã tập trung tìm hiểu, khảo sát về giao thông đô thị công nghệ cao và những phát minh khoa học của Trung Quốc.
Phái đoàn của đảng Lao động Triều Tiên tới Trung Quốc chỉ khoảng một vài tuần sau khi ông Kim Jong-un tuyên bố chấm dứt thử vũ khí hạt nhân để tập trung phát triển kinh tế của đất nước.
“Sở dĩ ông Kim Jong-un muốn đàm phán với ông Trump là do ông ấy muốn Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện hành đối với Bình Nhưỡng. Sau đó, ông Kim Jong-un sẽ dựa vào Trung Quốc để thực hiện cải cách nhằm khôi phục nền kinh tế của mình”, ông Jeon Kyon-man, chuyên gia kinh tế của Viện nghiên cứu hội nhập Hàn Quốc nhận định.
Hơn nữa, Trung Quốc đang là đối tác thương mại quan trọng nhất của Triều Tiên khi chiếm tới hơn 90% kim ngạch xuất, nhập khẩu của quốc gia này.
Ông Zhang Anyuan, Kinh tế trưởng của Công ty Chứng khoán Dongxing ở Bắc Kinh cũng cho rằng, mô hình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường của Trung Quốc thực sự hấp dẫn đối với Triều Tiên, bởi mô hình này đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị và xã hội.
“Xét về vị trí địa lý, hệ thống kinh tế, quy mô thị trường và mức độ phát triển kinh tế, thì mô hình hợp tác kinh tế Trung Quốc- Triều Tiên sẽ đem lại lợi ích lớn nhất đối với Bình Nhưỡng”, ông Zhang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Adam Cathcart, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc- Triều Tiên tại Đại học Leeds ở Anh Quốc cho rằng, nếu Triều Tiên đi theo mô hình kinh tế của Trung Quốc, thì quá trình tự do hóa nền kinh tế của quốc gia này sẽ rất chậm chạp, một phần do Triều Tiên thận trọng với những rủi ro chính trị.
Phát triển kinh tế thận trọng
Giới chuyên gia cho rằng, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần này, hai nhà lãnh đạo Trump- Kim có thể sẽ đạt được thỏa thuận về lộ trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, để tiến tới gỡ bỏ các lệnh trừng phạt về kinh tế đối với Bình Nhưỡng.
Ông Kim Byung-Yeon, Giáo sư kinh tế của Đại học Quốc gia Seoul cho rằng, thậm chí sau khi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên được gỡ bỏ, thì quốc gia này có thể vẫn phải đi theo mô hình phát triển kinh tế có sự điều tiết của Nhà nước. Bởi việc mở cửa kinh tế quá mức sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với chế độ chính trị của quốc gia này. Hơn nữa, mở cửa kinh tế có thể sẽ khiến ông Kim Jong-un mất đi một nửa quyền lực mà ông đang có.
Có thể bạn quan tâm
|
Theo BMI Research, một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Fitch, nếu Triều Tiên mở cửa nền kinh tế của mình, thì có thể cũng chỉ giới hạn ở các đặc khu kinh tế, nơi quốc gia này có thể kết hợp lao động giá rẻ của mình với hệ thống tài chính và bí quyết công nghệ của Trung Quốc.
“Đặc khu du lịch Wonsan ở bờ biển phía Đông Triều Tiên, hay khu công nghiệp liên Triều hiện đang ngừng hoạt động ở thành phố Kaesong… có thể sẽ là những mô hình mẫu cho quốc gia này tiếp tục mở rộng”, BMI Research nhận định.
Tại Wonsan, Triều Tiên đã xây dựng khu trượt tuyết và sân bay mới để xây dựng thành phố này thành khu du lịch tỷ đô của quốc gia này.
Ông Jeon Kyon-man cho rằng, nếu các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ, Triều Tiên sẽ thực hiện mô hình cải cách kinh tế, giống như mô hình mà ông Đặng Tiểu Bình đã từng áp dụng ở các đặc khu kinh tế của Trung Quốc.
“Ông Kim Jong-un có thể đang rất háo hức với các mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc, bởi ông ấy chỉ muốn thay đổi một phần của nền kinh tế Triều Tiên”, ông Jeon Kyon-man nhận định.
Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều sẽ diễn ra tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa vào lúc 9 giờ sáng 12/6 theo giờ địa phương, tức 8 giờ sáng cùng ngày theo giờ Hà Nội.
Theo KCNA, tại Hội nghị này, ông Trump và ông Kim sẽ thảo luận về việc xây dựng một cơ chế gìn giữ hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên và thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Trong ngày 11/6 tại khách sạn Ritz Carlton của Singapore sẽ diễn ra cuộc họp giữa Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim, Trưởng phái đoàn Mỹ, và Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui để thảo luận về công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều.