Trợ lực từ chính sách tài khoá

HÀ THU 01/05/2024 19:50

Chính sách tài khoá vẫn là chủ công của quá trình hồi phục và phát triển kinh tế hiện nay.

>>Hỗ trợ và củng cố phục hồi kinh tế thông qua chính sách tài khoá

Nghị quyết số 110 năm 2023 của Quốc hội quy định giảm 2% mức thuế suất thuế Giá trị gia tăng - VAT trong 6 tháng đầu năm 2024. Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tài khóa này trong 3 tháng đầu năm nay cho thấy đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân hơn 11.480 tỷ đồng.

Cuối tháng 4/2024, Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế VAT cũng như đề xuất tiếp tục giảm sắc thuế này trong 6 tháng cuối năm.

Chính sách tài khoá vẫn còn dư địa thực hiện để củng cố sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế

Chính sách tài khoá vẫn còn dư địa thực hiện để củng cố sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế

Theo đó, Chính phủ cho rằng để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, cân nhắc tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023.

Đồng thời, cần nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2024. Trong đó, tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2%, gia hạn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở đánh giá các kết quả đạt được khi giảm thuế VAT 2% theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế VAT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024, thực hiện từ ngày 1-7 đến hết 31-12 của năm nay. Chính phủ cho rằng việc áp dụng giảm 2% thuế VAT làm giảm thu 24.000 tỉ đồng (tương đương 4.000 tỉ đồng/tháng).

Theo nhận định chung, việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và chính sách tài chính thời gian qua đã tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, giúp ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Ông Trần Đức Hoàn, Giám đốc Công ty Đầu tư & Sản xuất Thái Hưng, nhờ sự vào cuộc của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương thường xuyên họp bàn gỡ khó cùng hiệu quả từ chính sách tài khóa và tiền tệ đã giúp nền kinh tế Việt Nam đứng vững và không bị kéo vào vòng xoáy khủng hoảng như nhiều quốc gia khác.

“Có thể không phải toàn bộ mọi ngành nghề, lĩnh vực, người dân ở các địa phương đều đón nhận được những giá trị tích cực này nhưng đất nước ổn định và trụ vững qua các cơn bão khủng hoảng đã là một thành công và may mắn lớn, từ đó sẽ tạo động lực cho giai đoạn tiếp theo”, ông Hoàn nói.

>>Kích thích tăng trưởng: Các biện pháp tài khóa và đầu tư công là then chốt

Còn theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Một loạt chính sách kích cầu từ tiêu dùng đầu tư xuất khẩu cho đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thì nhiều chuyên gia đã nói dư địa của chính sách tiền tệ, độ linh hoạt không còn nhiều, nên quan trọng là chấp nhận một mức hỗ trợ bằng chính sách tài khóa quyết liệt hơn. Trong chừng mực nào đó chúng ta còn khá “rón rén” trong khi dư địa chính sách tài khóa còn rất lớn”.

Theo dự báo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2024, chúng ta triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng dự báo khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành tài chính hết sức nặng nề khi dự toán thu ngân sách nhà nước là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi ngân sách nhà nước là 2,1 triệu tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.

Với các kết quả khả quan đạt được trong năm 2023, trên cơ sở đánh giá, dự báo những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt trong năm 2024, Bộ Tài chính nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục thực hiện các chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng trong năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Quốc hội ban hành Nghị quyết 110/2023/QH15 về chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Dự toán chi đầu tư phát triển năm 2024 là 677,3 nghìn tỷ đồng, tăng 108 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2023 (không kể phần kinh phí bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023), chiếm tỷ trọng 32,2% tổng chi ngân sách nhà nước, là mức cao so với những năm qua. Đồng thời, năm 2024 bố trí đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương tổng thể theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương khóa XII.

Với việc thực hiện các giải pháp này, kỳ vọng sẽ góp phần giúp nền kinh tế sớm phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng nhanh, ổn định. Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Có thể thấy, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng lớn nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, dồn lực cho đầu tư phát triển và đáp ứng nhu cầu chi cho an sinh xã hội tạo ra thách thức không nhỏ đối với cân đối ngân sách nhà nước.

Và việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Chính sách tài khóa nghịch chu kỳ tiếp tục để lại nhiều dấu ấn và là điểm tựa thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP.

Có thể bạn quan tâm

  • Hỗ trợ và củng cố phục hồi kinh tế thông qua chính sách tài khoá

    01:34, 24/04/2024

  • Kích thích tăng trưởng: Các biện pháp tài khóa và đầu tư công là then chốt

    12:04, 11/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trợ lực từ chính sách tài khoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO