Theo ông Trần Anh Tú, giảng viên Học viện Kỹ thuật Mật Mã, trợ lý ảo KiKi có thể được coi là một mốc đột phá trong việc đưa AI vào thực tế cuộc sống tại Việt Nam.
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về bước tiến chế tạo thành công ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên của Việt Nam với trợ lý ảo Ki – ki?
Trợ lý ảo Kiki có thể thực hiện các tác vụ quen thuộc như mở nhạc, đọc tin, gửi tin nhắn, tra cứu thời tiết, tra cứu kiến thức. Ki-Ki có khả năng hiểu được tiếng của ba miền Bắc - Trung - Nam. Đây là bước tiến tương đối quan trọng trong lĩnh vực AI tại Việt Nam. Trên thế giới thì trợ lý ảo là một ứng dụng không hề mới, thậm chí có những trợ lý ảo ra đời cách đây cả chục năm.
Tuy nhiên với Việt Nam thì đây là một ứng dụng tương đối mới. Tuy đã có khá nhiều lý thuyết, các nghiên cứu của khá nhiều chuyên gia, hay một số ứng dụng xử lý ngôn ngữ tiếng Việt khá tuyệt vời của FPT tuy nhiên KiKi vẫn có thể được coi là một mốc đột phá trong việc đưa AI vào thực tế cuộc sống tại Việt Nam.
- Theo ông tiềm năng phát triển của trợ lý ảo Ki-ki sẽ có thể đạt đến trình độ nào?
Thông thường các thị trường ngách mang tính địa phương như ngôn ngữ địa phương là một thị trường khá tiềm năng đối với các ứng dụng AI. Và về mặt bản chất thì khi có càng nhiều dữ liệu thu thập được thì KiKi sẽ có thể ngày càng trở lên tốt hơn thông qua việc học tập. Do đó, có thể Kiki sẽ có nhiều phát triển trong tương lai. Hoặc cứng hóa KiKi lên các thiết bị dân dụng, gia dụng cũng là một xu hướng phát triển tiếp theo.
- Sinh sau đẻ muộn, nhưng theo ông Ki-ki có đủ sức đấu lại được trợ lý ảo của Google hay Amazon hay không?
Thực tế thì việc để Kiki cạnh tranh được với Google và Amazon ở mặt xử lý hay trong việc nhận dạng các ngôn ngữ phổ dụng như Tiếng Anh thì là điều không khả thi. Nhưng lợi thế của Kiki chính là tính địa phương. Nếu biết tập trung vào vấn đề xử lý với ngôn ngữ Tiếng Việt thì việc cạnh tranh tại Việt Nam với 2 ông lớn Google và Amazon không phải là điều bất khả thi.
- Ông có cho rằng với việc trợ lý ảo đầu tiên của Việt Nam được tạo ra sẽ tạo nguồn cảm hứng cho sự phát triển của ngành công nghiệp này tại Việt Nam không?
Việc KiKi ra đời có lẽ sẽ là một bước phát triển giúp các doanh nghiệp đầu tư hơn vào AI và cho ra đời những sản phẩm ứng dụng tiếp theo phù hợp với môi trường tại Việt Nam. Không chỉ trong phạm vi hẹp như Kiki, bất cứ sản phẩm nào mang yếu tố địa phương cũng sẽ giúp doanh nghiệp có một thế mạnh nhất định trên thị trường nội địa. Bởi yếu tố văn hóa luôn là một rào cản đối với các doanh nghiệp nước ngoài, họ không hiểu hết được tập tính văn hóa của người Việt Nam, trong khi điều này tác động khá nhiều đến xu hướng tiêu dùng của người dân. Và để cho AI có thể phát triển tại Việt Nam, theo tôi việc hỗ trợ về các thủ tục và cấp phép doanh nghiệp dễ dàng hơn là một trong những biện pháp để hỗ trợ phát triển cho AI tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!