Du lịch

Trợ thủ đắc lực trong phát triển kinh tế

Minh Châu 16/02/2025 02:45

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây nhấn mạnh, để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, không thể thiếu trợ lực từ sự bứt phá của ngành du lịch.

Năm 2025, ngành du lịch đặt mục tiêu đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP. Nguồn TTXVN
Năm 2025, ngành du lịch đặt mục tiêu đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP. Nguồn TTXVN

Năm 2025 và 2030 được xác định là các cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Mục tiêu bứt phá

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2025, du lịch cần phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa, đóng góp từ 6 - 8% GDP. Đến năm 2030, ngành cần đạt tốc độ tăng trưởng khách quốc tế từ 13 - 15% mỗi năm, phấn đấu đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa, với đóng góp GDP từ 10 - 13%.

Từ góc độ quản lý, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho hay, năm 2025 được xác định là các cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam. Kỷ nguyên vươn mình không chỉ đánh dấu sự thay đổi, mà còn mở ra cơ hội cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là du lịch.

Thực tế những con số ấn tượng từ báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê và Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang bước vào năm 2025 với đà tăng trưởng mạnh mẽ. Việc đón gần 2,1 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 1, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước, là một tín hiệu đầy lạc quan, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực.

Theo đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, thành công của ngành du lịch trong năm qua không phải là kết quả ngẫu nhiên mà đến từ sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng với hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Du lịch đã huy động được sự chung tay của toàn ngành, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò đổi mới của địa phương. Các địa điểm du lịch đã triển khai nhiều mô hình du lịch thông minh, sáng tạo theo hướng xanh và bền vững, như Hà Nội - Đến để yêu, Đà Nẵng - Khơi nguồn hạnh phúc,...Theo đó, nhiều địa phương nổi bật với các hoạt động hấp dẫn đã khẳng định được vị thế là địa phương đi đầu trong các sản phẩm mới, xây dựng các tuyến tour chất lượng, mang lại trải nghiệm hấp dẫn, góp phần tăng độ hài lòng và thu hút du khách, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Xóa rào cản thu hút đầu tư

Tuy nhiên, trên thực tế, du lịch vẫn còn có một số chỉ tiêu chưa đạt được như kỳ vọng. Việc phục hồi nền du lịch không dễ dàng và phát triển du lịch cần có sự chung tay, liên kết của các ngành.

Ông Đặng Duy Trung Hiếu - Chủ tịch Vietnam Express Tour - Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội cho rằng, để hiện thực hóa tham vọng này, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp chiến lược nhằm cải thiện thể chế, đầu tư hạ tầng - công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm cùng quảng bá, định vị thương hiệu quốc gia.

Về đầu tư hạ tầng, Việt Nam còn nhiều hạn chế về việc điều tiết các chuyến bay tới những điểm đến du lịch, đặc biệt trong mùa cao điểm. Theo ông Hiếu, Việt Nam có nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống, ẩm thực phong phú và con người mến khách; tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn chưa thực sự cởi mở, thông thoáng về chính sách visa với khách quốc tế.

Do đó, đại diện Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng “Hàng không và visa là rào cản quan trọng cần được tháo gỡ. Nếu chúng ta muốn du lịch bứt phá, cần quyết liệt đưa ra giải pháp hiệu quả cho vấn đề này. Có như vậy, du lịch Việt mới hấp dẫn được doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong việc nâng cấp hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm...”. Bên cạnh đó, điều cấp thiết là cần có sản phẩm đáp ứng được thị trường du khách hạng sang, chi tiêu cao, hình thành hệ sinh thái cung cấp sản phẩm dịch vụ cao cấp cho khách du lịch hạng sang.

Ngoài ra, để phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững, ông Đặng Duy Trung Hiếu cho rằng, cần sự thay đổi về chính sách và nhận thức ở cả cấp quốc gia và địa phương nhằm xây dựng chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Trong đó đánh giá thị trường khách, quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch cho từng thị trường mục tiêu, sau đó mới xây dựng các chiến lược quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch.

“Đây là những chiến lược mà Hà Nội cũng như các thành phố “đầu tàu” cần phải có những bước đi quyết liệt để ngày càng nâng cấp, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Có thể khẳng định, năm 2025 đánh dấu một giai đoạn quan trọng của ngành du lịch Việt Nam. Định hướng của Chính phủ là đúng đắn, nhưng để biến kỳ vọng thành hiện thực, cần sự quyết liệt trong triển khai chính sách, cải thiện chất lượng dịch vụ, đổi mới sản phẩm du lịch và đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách quốc tế. Nếu làm tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá, không chỉ phục hồi mà còn vươn lên trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trợ thủ đắc lực trong phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO