Lão nông Võ Minh Tuấn có thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm nhờ dày công tìm kiếm, lai ghép các giống cam đặc sản và trồng trên vùng đất đỏ Sông Hinh (Phú Yên).
Những năm trước đây, dù đất đai ở huyện Sông Hinh màu mỡ nhưng ít kiến thức nên ông Võ Minh Tuấn, thị trấn Hai Riêng và nhiều người dân ở đây chỉ đầu tư trồng cây mía, sắn…Tuy nhiên các loại cây này có giá cả bấp bênh nên khả năng sinh lời cho người trồng thấp, từ đó đời sống người dân thiếu thốn, vất vả.
Vì cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông Tuấn đã lặn lội lên vùng Tây Bắc để làm công kiếm sống. Tại đây, nhìn các vườn cam đặc sản trĩu quả, năng suất cao, ông Tuấn lại nhớ về quê nhà với đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi.
Từ thực tế đó, ông Tuấn vừa làm thuê, vừa học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tích góp vốn. Đến năm 2015, ông mua 300 cây cam giống các loại như cam sành Hà Giang, cam mật, cam V2 (Valencia) về trồng tại thị trấn Hai Riêng.
Sau hơn 5 năm gầy dựng, đến nay vườn cam đã bước vào giai đoạn thu hoạch ổn định. Mỗi gốc cam trưởng thành đều cho năng suất đều đặn từ 4-6 tạ cam/vụ; với giá bình quân từ 25.000-35.000 đồng/kg, cho gia đình thu nhập không dưới 300-400 triệu đồng/năm.
"Ngày trước gia đình khó lắm, nên tích góp mãi mới mua được 300 cây giống để về trồng trên diện tích hơn 6 sào đất. Khi mới trồng người dân xung quanh nghi ngờ khả năng thành công lắm vì mình là một trong số những tiên phong đưa cây cam về đất Sông Hinh. Họ sợ có khi trồng ra để vắt nước gia đình uống chứ không ai mua.
Nhưng được vợ con động viên mình quyết tâm làm cho bằng được, vướng chỗ nào mình nhờ anh em ngoài Tây Bắc hướng dẫn, thêm đó mình lên mạng học hỏi, cuối cùng 300 cây cam cho năng suất vượt mong đợi. Nhờ đó mà gia đình có của ăn của để, mình mua thêm đất, thêm cây giống và đến nay vườn của gia đình đã rộng 3ha với nhiều loại trái cây đặc sản." - ông Tuấn kể lại.
Với 3 ha đất của gia đình, hiện tại ông Tuấn trồng các loại cam như cam Cao Phong (Hòa Bình), cam Vinh (Nghệ An), cam xoàn (Nam Bộ), cam Cara ruột đỏ (Lâm Ðồng), cam giấy...Bên cạnh đó, để có quả bán quanh năm, ông Tuấn còn trồng xen kẽ thêm bưởi da xanh, sầu riêng, bơ, quýt...
Đến nay, 1 ha cây ăn quả của gia đình ông cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm và sẽ tiếp tục tăng thêm khi vườn cây vào tuổi trưởng thành. Với sự thành công của gia đình ông Tuấn, đã có nhiều hộ dân ở đây chuyển đổi từ cây mía, sắn sang trồng cây ăn quả với diện tích hàng trăm ha.
"Khi người dân trong vùng có khó khăn về kỹ thuật chăm sóc hỏi anh Tuấn đều được anh chia sẻ, chỉ bảo tận tình nên mọi người rất quý mến anh" - ông Nguyễn Văn Thùy, một người dân ở thị trấn Hai Riêng cho biết.
Ngoài giúp đỡ nhau trong công tác trồng trọt, ông Tuấn còn tạo việc làm cho 8 người dân phương với mức lương 200.000 - 300.000 đồng/ngày mỗi khi vườn cây ăn trái vào vụ xuất bán.
Nói về mô hình này, ông Ðinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Với cách trồng, chăm sóc khoa học, hợp lý vườn cây ăn quả của ông Võ Minh Tuấn vừa qua đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đây là hộ đầu tiên của huyện được cấp giấy chứng nhận này.
"Nông sản của gia đình ông Tuấn được người tiêu dùng đánh giá cao và trở thành đặc sản của địa phương. UBND huyện cũng vừa tổ chức hội nghị đánh giá và thống nhất sản phẩm cam sành, cam V2 và bưởi da xanh của hộ anh Tuấn đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện và đề nghị tỉnh xem xét, công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh.
Trong thời gian đến, huyện sẽ vận động người dân tham gia mô hình trồng cây ăn quả sạch như hộ của ông Tuấn để nông sản sạch đến được với người tiêu dùng, bên cạnh đời sống người dân ở huyện sẽ được ấm no hơn" - Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh chia sẻ.