Trọng trách doanh nhân!

Bài: Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú. Ảnh: Quốc Tuấn 13/10/2022 05:00

Thế hệ doanh nhân ngày nay phải có trọng trách xây dựng đất nước ta đến năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao.

>>Điều hành bằng văn hóa

Đời sống nhân dân ngày càng phát triển, kinh tế ổn định, chủ quyền được giữ vững, đội ngũ doanh nhân luôn xứng đáng là lực lượng xung kích trong sự nghiệp phát triển của đất nước.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI trao Nhà Đại đoàn kết ủng hộ các hộ nghèo cho ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do các doanh nhân tiêu biểu ủng hộ.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI trao Nhà Đại đoàn kết ủng hộ các hộ nghèo cho ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do các doanh nhân tiêu biểu ủng hộ.

Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, chúng ta đã có một tầng lớp doanh nhân Việt Nam mới sau 35 đổi mới, đây là đội ngũ đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, đất nước ta đang tiếp tục sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá cho nên vai trò của doanh nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Muốn làm tốt vai trò của doanh nhân và thúc đẩy, kích thích sự phát triển của đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh về số lượng, chúng ta cần phải quan tâm đến một số vấn đề sau.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh sòng phẳng cho các doanh nghiệp và doanh nhân phát triển.

Bởi chỉ có thể chế minh bạch, rõ ràng dễ tiên liệu, dễ hoạch định thì doanh nhân mới có chí tiến thủ để phát triển, không bị gò bó vào những điều kiện không đáng có để kìm hãm sức phát triển, sức sống của doanh nghiệp cũng như sức sáng tạo của doanh nhân. Đây là điều đầu tiên Đảng ta đã xác định ở Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII lần thứ nhất vừa qua.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân. Đảng ta coi yếu tố con người là quan trọng nhất. Cho nên, muốn nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần đào tạo, đào tạo lại đội ngũ doanh nhân Việt Nam để làm sao xứng tầm với sự phát triển.

Một đội ngũ doanh nhân vừa có tri thức, vừa có đổi mới sáng tạo và theo kịp xu hướng phát triển công nghệ, sự phát triển sản xuất kinh doanh của thời đại. Một đội ngũ doanh nhân tận tâm cống hiến cho đất nước, làm giàu cho bản thân, gia đình và cho cả xã hội.

Coi những nhiệm vụ của doanh nghiệp và doanh nhân là xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế của đất nước. Doanh nhân phải có tinh thần hợp tác, liên kết, chia sẻ trong lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi trên bước đường đi lên của mình.

Tổng Công ty May 10 ngay lập tức phải “nếm trải” khó khăn sớm hơn nhiều doanh nghiệp ở các nhóm ngành khác tại Việt Nam khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Ảnh: Quốc Tuấn

Tổng Công ty May 10 đã phải “nếm trải” khó khăn sớm hơn nhiều doanh nghiệp ở các nhóm ngành khác tại Việt Nam khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Ảnh: Quốc Tuấn

Doanh nhân cũng cần có tinh thần hợp tác quốc tế, cởi mở, sâu rộng, thân thiện, hữu nghị. Đội ngũ doanh nhân coi trọng đạo đức và phải đưa lên hàng đầu. Tài năng cần gắn liền với đạo đức để phát triển đội ngũ doanh nhân một cách toàn diện.

Thứ ba, xây dựng văn hoá cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam như Hồ Chí Minh đã dạy: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”.

Nếu không có văn hoá, không có đạo đức kinh doanh thì chúng ta sẽ không có tất cả. Có thể chúng ta giàu có nhưng văn hoá bị xuống cấp, cạnh tranh không lành mạnh, “cá lớn nuốt cá bé” hay “sát phạt” lẫn nhau để tranh giành lợi nhuận, không có sự chia sẻ… thì dù có giàu có cũng sẽ không mang lại những gì hiệu quả cho đất nước, thậm chí còn có những tai hại hơn.

Thứ tư, xây dựng được các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nhân. Chúng ta phải nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội và chính các hiệp hội đó là để tập hợp đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam.

Tạo sức mạnh chung, sự liên kết như những “vectơ” cùng chiều. Những “con thuyền nhỏ” doanh nghiệp Việt Nam kết nối lại, phát triển thành đội tàu lớn hùng mạnh hơn, có chất lượng hơn để tự tin cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

>>“Bí quyết” xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Hòa Bình

>>Bản sắc văn hoá tạo ra thương hiệu

>>Văn hoá là “điểm tựa” của doanh nghiệp trong đại dịch

>>Thời gian "thử thách" với "độ bền" văn hoá

Vai trò của hiệp hội không chỉ tập hợp mà còn phải giáo dục, động viên, dẫn dắt và có lập trường rõ ràng trong vấn đề đúng, sai của doanh nhân để có thể phát huy cũng như kịp thời uốn nắn nhằm cùng nhau phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có luật về hội mà chỉ mới có nghị định. Do đó, tôi mong rằng, thời gian tới nhận thức đúng vai trò này thì Quốc hội, Nhà nước cũng nên có những sửa đổi trong vấn đề tổ chức các hiệp hội để làm sao các tổ chức này mạnh hơn, vừa có quyền uy vừa có trách nhiệm với đất nước, xã hội, con người và đối với sự phát triển chung.

Thứ năm, khen thưởng với đội ngũ doanh nhân. Theo tôi, từng đợt, từng thời kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá từng giai đoạn phát triển của đất nước chúng ta đều phải có sự quan tâm, biểu dương đến người tốt, việc tốt của doanh nhân, những việc làm hay, đổi mới sáng tạo của doanh nhân.

Phát huy tính sáng tạo đến mức cao nhất của doanh nhân vì sự nghiệp chung của đất nước. Lãnh tụ Hồ Chí Minh căn dặn: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Cho nên, chúng ta không nên coi nhẹ công tác thi đua, miễn sao khen thưởng, động viên một cách đúng mực, chính xác, kịp thời để những người có đầy đủ tâm huyết, trách nhiệm có thể phát huy tối đa năng lực của mình.

Thứ sáu, xây dựng khối đoàn kết trong giới doanh nhân, sự đoàn kết này rộng lớn hơn hiệp hội. Chúng ta có hàng chục triệu doanh nhân, và dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đang có sự phát triển rất mạnh mẽ trong các ngành công, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, kinh doanh thương mại, khoa học kỹ thuật…

Như vậy, đội ngũ này cần phải tăng cường sự đoàn kết nhất trí tạo sức mạnh chung như Bác Hồ đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Truyền thống của đất nước chúng ta là những lúc khó khăn hay khi thuận lợi, sự đoàn kết đã đem lại thắng lợi cho cách mạng, giải phóng dân tộc cũng như cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Như vậy, nói đến doanh nhân thì không thể không nói đến sự đoàn kết, không chia rẽ, hợp sức nhau lại, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, hợp tác với nhau để cùng nhau phát triển.

Đặc biệt, trong thời đại công nghệ mới đòi hỏi kết nối lại các chuỗi cung ứng hiện đại để vượt qua được các cuộc khủng hoảng, như thời gian hơn 2 năm Covid-19 vừa qua.

Tóm lại, có sự đoàn kết thì mới tạo ra được sức mạnh chung của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Chúng tôi là những thế hệ đi trước rất tin tưởng tầng lớp doanh nhân ngày nay, vì có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với chúng tôi 20-30 năm trước đây.

Do đó, thế hệ doanh nhân ngày nay càng phải phát huy ý chí và sức sáng tạo của mình để đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Và không hổ thẹn với thế hệ doanh nhân cha ông, như doanh nhân Bạch Thái Bưởi,Trịnh Văn Bô… đã khơi dậy phong trào doanh nhân yêu nước để phát triển đất nước.

Thế hệ doanh nhân ngày nay có trọng trách xây dựng đất nước ta đến năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao, đời sống nhân dân ngày càng phát triển, kinh tế ổn định, chủ quyền được giữ vững, đội ngũ doanh nhân luôn xứng đáng là lực lượng xung kích trong sự nghiệp phát triển của đất nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Điều hành bằng văn hóa

    00:24, 27/09/2022

  • “Bí quyết” xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Hòa Bình

    00:36, 10/09/2022

  • Bản sắc văn hoá tạo ra thương hiệu

    00:11, 08/09/2022

  • Văn hoá là “điểm tựa” của doanh nghiệp trong đại dịch

    00:09, 07/09/2022

  • Thời gian "thử thách" với "độ bền" văn hoá

    01:03, 03/09/2022

  • Dấu ấn văn hoá người đứng đầu

    01:15, 31/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trọng trách doanh nhân!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO