Sự tăng trưởng bứt phá của các địa phương mới nổi là nhân tố truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác tự tin vượt lên chính mình.
LTS: Chính phủ luôn đặt quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm. Chính vì vậy, trong nhiệm kì tới, các địa phương sẽ tiếp tục kiến tạo một môi trường mà ở đó mọi người dân, doanh nghiệp đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển và "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Thành phố xác định chủ đề năm 2021 là: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, với mục tiêu tổng quát là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, đó là tập trung kiểm soát tốt lây nhiễm COVID-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực. Thành phố sẽ huy động hiệu quả mọi nguồn lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền đô thị là những vấn đề được ưu tiên. Cùng với đó, Thành phố chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, đặc biệt giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
TP.HCM kiến nghị với Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM theo Nghị quyết 131 của Quốc hội trước ngày 1/1/2021. Tên tinh thần Nghị quyết 54 của Quốc hội, TP.HCM kiến nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi tiến hành cổ phần hóa để kịp thời triển khai công tác cổ phần hóa theo đúng lộ trình. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ kê khai, phê duyệt phương án thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu của các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đóng trên địa bàn Thành phố.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười, tạo sức bật mới cho xứ sở “Đất sen hồng”, tỉnh Đồng Tháp sẽ đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hoà với phát triển đô thị; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, các đường cao tốc qua địa bàn tỉnh. Tỉnh sẽ mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông và đầu tư xây dựng các tuyến đường mới phục vụ cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tỉnh tăng cường liên kết, hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, phát triển nền nông nghiệp thông minh; đẩy mạnh phát triển ngành hoa kiểng và phát huy lợi thế của làng hoa Sa Đéc lan toả ra toàn tỉnh; phát triển nhanh diện tích trồng cây ăn trái cũng được tập trung trong nhiệm kỳ mới.
Song song đó, tỉnh tập trung phát triển doanh nghiệp và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả, đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế, gắn kết nguồn lực và tham gia chuỗi các ngành hàng chủ lực của tỉnh...
Bình Phước là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh của khu vực phía Nam và cả nước. Tỉnh có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích là 4.686 ha và 08 cụm công nghiệp với diện tích 380 ha; trong đó, có 08 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét mở rộng các khu công nghiệp như: Minh Hưng III 577 ha, Bắc Đồng Phú 317 ha, Nam Đồng phú 480 ha, Minh Hưng – Sikico 1.000 ha; bổ sung thêm quy hoạch mới Khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú 6.317 ha và 03 khu công nghiệp ở huyện Phú Riềng với diện tích 1.300 ha. Bên cạnh đó, Bình Phước còn có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, với tổng diện tích trên 28.300 ha; trong đó, trên 3.500 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động.
Với mục tiêu đặt ra cho nhiệm kỳ 2020- 2025, Bình Phước sẽ thành lập mới 6.000 doanh nghiệp và định hướng thu hút đầu tư là các dự án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để thực hiện mục tiêu đó, Bình Phước sẽ tiếp tục quan tâm thu hút đầu tư dựa trên chất lượng, giá trị gia tăng cũng như công nghệ sử dụng của dự án; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn của đại dịch COVID-19, nhưng thu nội địa TP Cần Thơ đạt đạt trên 11.180 tỷ đồng, đạt 101% dự toán Bộ Tài chính giao. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021-năm đầu thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND TP Cần Thơ kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chương trình hành động thực hiện NQ 59, chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy vùng ĐBSCL và TP.Cần Thơ phát triển nhanh hơn; xem xét chấp thuận điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn, hoàn thành các tuyến giao thông huyết mạch kết nối ĐBSCL với TP.Hồ Chí Minh, miền Đông và cả nước.
Để tháo điểm nghẽn vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng hải, giảm chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa cho vùng, TP Cần Thơ kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, hỗ trợ địa phương xây dựng cơ chế thực hiện xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2 dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố và nạo vét luồng Định An nhằm giảm bớt áp lực đầu tư cho ngân sách. Việc mời gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa dự án này rất khả thi vì hiện nay đã có một số nhà đầu tư rất quan tâm đến dự án này…
Nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Kiên Giang trong nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ mới này được xác định là tỉnh mạnh về kinh tế biển. Cùng với địa thế biển, Kiên Giang đang hướng đến vai trò cầu nối của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong hội nhập kinh tế và hợp tác khu vực. Kiên Giang đang tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và tạo bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, các cơ chế và chính sách về thu hút đầu tư... Tỉnh đã và đang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn nhất. Trong đó Kiên Giang đang mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như: công nghệ sinh học trong nông nghiệp; trồng trọt, chủ yếu là cây lúa; nuôi trồng thủy sản; công nghệ chế biến sau thu hoạch gắn với xuất khẩu; phát triển các dịch vụ kinh tế biển, du lịch, các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí...
Tuy nhiên để thực hiện được vai trò kết nối vùng, thì ngoài việc đề xuất kịp thời với các bộ, ngành và Trung ương hỗ trợ về cơ chế, chính sách, thì các địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL cần phải phối với nhau hợp chặt chẽ hơn nữa để kịp thời tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong liên kết vùng.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, Bến Tre là tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2030 là tỉnh khá của cả nước, tạo môi trường sống lý tưởng cho người dân, tỉnh Bến Tre triển sẽ khai 4 trụ cột chiến lược, đó là: Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, gắn với thị trường, xem đây là nền tảng ổn định kinh tế - xã hội; Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng, xem đây là mũi đột phá giúp đẩy nhanh tăng trưởng; Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là mũi đột phá tương lai của tỉnh; Nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo môi trường xanh bền vững, hướng tới xây dựng địa phương đáng sống.
Để hiện thực hóa 4 trụ cột tăng trưởng này, Bến Tre sẽ tập trung vào 2 trục phát triển. Thứ nhất, dựa vào Quốc lộ 60 để phát triển đô thị Bến Tre từ Châu Thành đến Mỏ Cày Nam thành đô thị loại 1 đến năm 2030. Thứ hai, hướng tới phát triển trục phía Đông. Không gian phát triển phía Đông này không chỉ riêng Bến Tre, mà nằm trong chuỗi phát triển của cả vùng duyên hải phía Đông, từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, qua Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An để kết nối, hình thành một trục giao thông ven biển.
Với trọng trách bảo tồn di sản, TT- Huế có muốn phát triển như đô thị khác cũng không được. Huế chỉ có thể phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy giá trị di sản theo hướng chuyển tiếp, tiếp nối quá khứ với tương lai, truyền thống với hiện đại, tiếp nối giữa trầm ngâm an phận với sôi nổi khởi nghiệp. Tôi rất thích slogan: “Huế luôn luôn mới”. Đơn giản mà hay, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Quan điểm là phải đổi mới, đổi mới để phát triển”. Bởi thể, dù khó cũng phải làm vì nếu không làm sẽ không thể phát triển được.
Hiện nay, các hướng phát triển của TT Huế sẽ tập trung vào Công nghệ thông tin, bởi trước xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không có công nghệ không làm được gì. Đó là xu thế phát triển. Tuy nhiên, muốn vậy phải có chuyên gia cũng như điều kiện để hỗ trợ cho họ. Nói cho cùng, vẫn phải bắt đầu từ khởi nghiệp và khởi nghiệp làm sao để có sản phẩm bán ra thị trường.
Trước hết, muốn khởi nghiệp chúng ta cần thay đổi tư duy về khởi nghiệp. Đây không phải là tư duy trên nghị quyết mà là tư duy hành động.Các doanh nghiệp phải tự trăn trở tìm cách đưa những sản phẩm của mình vào cuộc sống. Chủ động kết nối và thương mại hóa các sản phẩm đó, chủ động bán rồi sau đó thu hút đầu tư để phát triển.
Lãnh đạo thành phố xác định năm 2021 là năm “bản lề” thực hiện kép nhiều nhiệm vụ để khôi phục kinh tế của thành phố. Và nhiệm vụ nòng cốt góp phần tiên quyết “vực dậy” nền kinh tế thành phố là phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, các dự án, công trình trọng điểm còn tồn động… Đồng thời, chính quyền thành phố sẽ tổng lực “khơi thông” nguồn lực, đẩy nhanh và mạnh tiến độ đầu tư trong ngoài nước nhằm đảm bảo phát triển ổn định nền kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân và các vấn đề an sinh xã hội tại địa phương.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan giải quyết một số kiến nghị của địa phương. Trong đó, Chính phủ quan tâm xem xét, sớm ban hành Nghị định quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định số 144/2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng, Quyết định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Điều 8 Nghị quyết 119/2020/QH14 về điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị; phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong điều kiện hiện nay của tỉnh, bên cạnh thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn sau quá trình thanh tra, kiểm tra của Trung ương, phát hiện những sau phạm cần chấn chỉnh trong việc thực hiện thủ tục đầu tư, nhiều dự án trên địa bàn. Việc rà soát quá trình cấp phép đầu tư, thủ tục xây dựng, đất đai của rất nhiều dự án... đã làm ảnh hưởng đến tiến độ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp.
Mặc dù, các chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh Khánh Hòa năm 2020 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng với chính quyền tỉnh Khánh Hòa để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm cho người lao động trong thời gian qua đã làm cho kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 vẫn có sự phát triển.
Hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đang từng bước thống nhất các bước nhằm tháo gỡ các khó khăn của các dự án đầu tư. Trong năm 2021 và thời gian tới, Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt trong sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển theo Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tại Quyết định số 414/QĐ-UBND ngày 24/02/2020.
Để đạt được mục tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh 2020) tăng 6,5-7%, tỉnh Quảng Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội năm 2021 đó là: Thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
UBND tỉnh ban hành Chương trình công tác năm 2021, với 11 nhóm giải pháp trọng tâm để cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu nêu trên như: tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và khắc phục nhanh hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng; triển khai thực hiện tốt công tác Quy hoạch (đặc biệt tập trung lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050); Triển khai mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số, chính quyền số tỉnh gắn với đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính; Sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư; thúc đẩy việc đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp,....
Cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được xác định là 01 trong 03 nhiệm vụ đột phát chiến lược của tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu: phấn đấu tổng điểm PCI năm 2021 đạt từ 70,5 điểm trở lên và thứ hạng tiếp tục nằm trong top 10 tỉnh, thành phố cả nước.
Nhìn lại quá trình hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt là 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, Hải Phòng đã có bước phát triển đột phá...
Có thể nói đó là những thành tựu ấn tượng, mở ra một không gian tiếp diễn trường tồn, mang hơi thở mặn mòi vùng cửa biển, bừng cháy ngọn lửa thời gian, trở thành thông điệp có sức lan tỏa vượt qua ranh giới của đồng bằng sông Hồng…
Để đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Thành phố Hải phòng phấn đấu trong năm 2021, thành phố có thêm 7 công viên cây xanh, tiến tới xây dựng công viên cây xanh, các vui chơi, công trình phục vụ cộng đồng tại các phường đến năm 2025. Ngoài ra, Thành phố tập trung nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, môi trường để hoàn thành xây dựng mô hình thí điểm 8 xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021.
Hải Phòng đã có sự khởi đầu tốt đẹp, để bước sang một giai đoạn cách mạng về kinh tế, từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, từng bước phục hồi và đẩy mạnh tăng trưởng. Điều quan trọng là thành phố đã nhận diện đúng thực trạng, tự tin với thành tựu, đánh giá đúng tiềm năng và thách thức.
Dù trước mắt còn nhiều thách thức, nhưng niềm tin “Trung dũng – Quyết thắng” của người Hải Phòng không bao giờ thay đổi. Kinh nghiệm cho thấy, Thành phố đã tìm được hướng đi phù hợp, sẽ tự tin bứt phá ngoạn mục trong tương lai, đó chính là kỳ vọng và quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp Thành phố Hải Phòng bước sang năm mới 2021.
Để thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch năm 2021, làm động lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu giai đoạn 2021-2025, Tỉnh Thái Bình sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá phát triển và 5 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đã đề ra.
Tỉnh sẽ thường xuyên rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách thực chất cho doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương, thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn sau đại dịch COVID-19…
Tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng hoàn thành kết cấu hạ tầng của khu công nghiệp Liên Hà Thái, Khu Công nghiệp Hải Long và các khu chức năng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt… Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, mang tính động lực liên vùng, có tác động quan trọng đến sự phát triển của tỉnh, như: Tuyến đường bộ ven biển, đường nối Khu kinh tế Thái Bình với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Thành phố đi Cầu Nghìn, Khu công nghiệp chuyên nông nghiệp Thaco - Thái Bình và một số tuyến đường giao thông liên vùng, liên huyện trọng điểm, tạo động lực thu hút đầu tư vào Khu kinh tế nói riêng và vào tỉnh nói chung. Tỉnh tiếp tục tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố lân cận và cả nước, đặc biệt là thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam trên cơ sở phát triển hạ tầng giao thông kết nối, gắn với hình thành các hành lang phát triển kinh tế theo các tuyến đường giao thông liên vùng.
Trọng tâm trong thu hút đầu tư thời gian tới được tỉnh xác định là tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông, rút ngắn khoảng cách từ tỉnh đến các trung tâm kinh tế lớn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án. Đồng thời, không ngừng cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đặc biệt là khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ và chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa việc cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, giảm nhanh thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Tỉnh thường xuyên đối thoại để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Tỉnh coi trọng các dự án đầu tư ngoài ngân sách, một mặt tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, mặt khác đẩy nhanh tiến độ không để doanh nghiệp mất nhiều thời gian chờ đợi, đi lại nhiều cửa, phiền hà. Tỉnh quyết liệt cải thiện thứ bậc xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tuyên Quang cũng tích cực xây dựng chính quyền điện tử theo lộ trình Nghị quyết số 17/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; đầu tư hạ tầng để tạo ra môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp, tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, góp phần hình thành nền hành chính Tuyên Quang từ tỉnh đến cơ sở vận hành một cách chuyên nghiệp; chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, góp phần từng bước đưa Tuyên Quang thành nơi đáng sống, điểm đến của các nhà đầu tư.
UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội để ứng phó với diễn biến từng giai đoạn của dịch và tình hình thực tế; tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; triển khai các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh duy trì các cuộc họp chuyên đề hằng tháng về công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công; ổn định và sớm phục hồi các hoạt động thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.
Nhờ đó, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã có xu hướng ổn định trở lại. Từ đầu năm đến ngày 15/11/2020, đăng ký thành lập mới 362 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 2.501 tỷ đồng. Lũy kế toàn tỉnh có 3.248 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 27.245 tỷ đồng; 313 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký 551.499 triệu đồng.
Chính quyền tỉnh Lạng Sơn xác định rõ, doanh nghiệp phát triển là động lực để bứt phá nền kinh tế của địa phương. Do đó, tỉnh sẽ luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 6.500 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, 8 đến 10 doanh nghiệp có vốn 500 - 1.000 tỷ đồng; tỷ lệ đóng góp của khối doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước bình quân hằng năm tăng trên 15%.
Nền kinh tế vừa bị ngưng trệ sau đợt dịch COVID- 19 chưa kịp phục hồi, Hà Tĩnh đã hứng chịu 2 trận lụt lịch sử liên tiếp khiến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 bị kéo lùi. Tuy nhiên, với sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế Hà Tĩnh vẫn có tăng trưởng dương 0,53%.
Năm 2021, Hà Tĩnh tiếp tục chủ động, linh hoạt thực hiện mục tiêu kép, phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục phát triển kinh tế phù hợp với tình hình mới. Trong đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng kế hoạch hành động tiếp tục cải thiện và nâng cao thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng thời, đa dạng hoá các hình thức thu hút đầu tư và loại hình đầu tư để phát triển khu vực công nghiệp và dịch vụ, du lịch; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt trên 9%; GRDP bình quân đầu người trên 69 triệu đồng.
Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, đồng hành vượt khó cùng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 như: Tổ chức đối thoại, kịp thời giải quyết kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp; tạm dừng tất cả các cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chưa thực sự cần thiết; triển khai các giải pháp cấp bách về tín dụng ngân hàng, thuế để hỗ trợ doanh nghiệp; ban hành Đề án phục hồi sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Tỉnh tích cực huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, thúc đẩy triển khai các dự án sản xuất công nghiệp, xúc tiến công nghiệp hỗ trợ, phát triển các dự án năng lượng mới, nhằm nâng cao năng lực và quy mô sản xuất ngành công nghiệp, tạo nên yếu tố mới đóng góp vào tăng trưởng.
Trong năm qua, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các đề án chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tập trung xây dựng các mô hình liên kết vùng sản xuất tập trung.
Trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu xây dựng Lai Châu trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, xã hội tiến bộ và công bằng, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trở thành một trong những tỉnh khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 9-10%/năm; đến năm 2025 thu ngân sách đạt 3.000 tỷ đồng và cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Do đó, tỉnh sẽ chú trọng thu hút đầu tư gắn liền với quy hoạch của tỉnh, ưu tiên phát triển công nghiệp, phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và kết cấu hạ tầng để tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội.
Với phương châm “doanh nghiệp phát tài, Lai Châu phát triển”, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục ban hành nhiều giải pháp, chương trình hành động để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch. Đặc biệt, Tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công. Trong đó, Tỉnh sẽ ưu tiên tập trung xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; tiếp tục tăng cường đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển.