Chiều nay (12/12), Diễn đàn KCN trục cao tốc phía Đông với chủ đề “Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh” được tổ chức tại Khách sạn ROYAL Hạ Long - Quảng Ninh.
Trên cơ sở Thoả thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ký kết với UBND 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; nhằm kết nối với chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu, dưới sự chỉ đạo của VCCI và UBND 4 tỉnh, Thành phố; ngày 12/12, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Ban Pháp chế (VCCI), Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn Khu công nghiệp trục cao tốc phía đông năm thứ hai liên tiếp với chủ đề “Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”.
Tham dự Diễn đàn có sự hiện diện của đông đảo các vị khách mời. Về phía các tỉnh thuộc tiểu vùng trục cao tốc phía Đông có: Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng; Ông Nguyễn Lê Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên; Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.
Về phía VCCI có sự tham dự của ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số lãnh đạo Ban chức năng của VCCI.
Về phía các chuyên gia, diễn giả có sự tham dự của bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương; Ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Phó Chủ tịch Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA); TS.Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam; Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài-Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS Phan Tuấn Ngọc - Chuyên gia kinh tế, Đại học Fulbright Việt Nam.
Về phía đơn vị thực hiện có sự tham dự của: ông Nguyễn Linh Anh, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế (VCCI); ông Phạm Xuân Đài, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh.
Chương trình còn có sự tham gia của các sở ban ngành, Ban Quản lý Khu Kinh tế các địa phương thuộc trục Cao tốc phía Đông và các địa phương thuộc vùng Đồng Bằng Sông Hồng và lãnh đạo các sở ngành địa phương, cục hải quan các tỉnh, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Amcham, Eurocham, Kocham…, các Hiệp hội Doanh nghiệp trung ương và địa phương, Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp và các Tập đoàn lớn, doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics, nhà thầu xây dựng, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
ĐƯA VIỆT NAM THÀNH TRUNG TÂM SẢN XUẤT THÔNG MINH CỦA THẾ GIỚI
Phát biểu khai mạc Diễn đàn “KCN trục cao tốc phía Đông 2024: Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, cách đây hơn 2 năm, tháng 7/2022, Thỏa thuận Kết nối Kinh tế Trục Cao tốc Phía Đông (VEHEC) đã được ký kết giữa VCCI và 4 địa phương gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên.
“Đây là một mô hình kết nối tiểu vùng đầu tiên, hướng đến thiết lập một cơ chế phối hợp nhằm tối ưu hóa các nguồn lực, khai thác thế mạnh của từng tỉnh, và tăng cường hợp tác liên tỉnh trong khu vực VEHEC, qua đó tối đa hóa khả năng kinh tế của khu vực”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Đồng thời Chủ tịch VCCI cho biết, VEHEC là một động lực kinh tế quan trọng của miền Bắc Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng GRDP toàn khu vực VEHEC trong những năm vừa qua đạt mức cao, dao động từ 9% đến 12% mỗi năm, cao hơn mức GRDP trung bình của 63 tỉnh, thành. Trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2024, các thành viên VEHEC vẫn đang duy trì mức tăng trưởng cao với thành phố Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Hải Dương (9,31%), và Hưng Yên (8,07%), vượt xa mức 6,82% của cả nước.
Theo thống kê, hiện tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại 4 địa phương VEHEC là 52.000 doanh nghiệp, chiếm 5,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.
“Khu vực VEHEC là một phần của sáng kiến chiến lược này, đóng vai trò thiết yếu trong việc thực hiện các mục tiêu của Đồng bằng sông Hồng được nêu trong Nghị quyết 30-NQ/TW và Quyết định 368-QĐ/TTg, đặc biệt trong các lĩnh vực ứng dụng năng lượng tái tạo, phát triển logistics xanh và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Phạm Tấn Công nhận định, với sự phát triển và biến đổi không ngừng của nền kinh tế toàn cầu, sản xuất thông minh đã trở thành một động lực quan trọng cho hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh này, Việt Nam là "mắt xích" sản xuất mới tại châu Á đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu.
Thông qua Diễn đàn, Chủ tịch VCCI kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoàn thiện và phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại Việt Nam nói chung cũng như VEHEC nói riêng, qua đó khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế để trở thành trung tâm sản xuất thông minh trong tương lai.
Đồng thời Chủ tịch VCCI cho biết, tại Diễn đàn này, lần đầu tiên VCCI sẽ công bố “Báo cáo kinh tế tiểu vùng Trục cao tốc phía Đông”. Báo cáo này cung cấp một phân tích toàn diện về tình hình kinh tế, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, và các nỗ lực phát triển bền vững của khu vực VEHEC; mà trong những năm gần đây, tầm quan trọng chiến lược của khu vực bốn tỉnh thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đã được nâng cao, khi khu vực định hướng trở thành trung tâm công nghiệp, logistics và phát triển xanh, phù hợp với các ưu tiên quốc gia về tăng trưởng bền vững và toàn diện.
“Báo cáo này đóng vai trò cung cấp thông tin dành cho các bên liên quan—bao gồm nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và doanh nghiệp địa phương—muốn hiểu rõ hơn về các động lực kinh tế, thách thức và cơ hội của khu vực VEHEC”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
"Thông qua phân tích số liệu về kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh, xác định các hạn chế chính và đề xuất các khuyến nghị chính sách cụ thể, Báo cáo hướng đến cung cấp những thông tin hữu ích để hỗ trợ VEHEC tiếp tục chuyển mình thành một trung tâm kinh tế tăng trưởng bền vững và phát triển cao. Các phát hiện và khuyến nghị trong báo cáo nhằm củng cố vị thế 4 địa phương trong VEHEC như một khu vực kinh tế chiến lược, phù hợp với các chỉ đạo quốc gia và khát vọng khu vực nhằm thúc đẩy thịnh vượng lâu dài và toàn diện", Chủ tịch VCCI cho biết.
Chính vì vậy, Chủ tịch VCCI đánh giá cao Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Ban Pháp chế VCCI đã phối hợp với các bên liên quan chuẩn bị và tổ chức Diễn đàn KCN Trục cao tốc phía Đông 2024: Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh với mục tiêu tạo nên kết nối vùng trong khu vực, tạo thành mạng lưới cùng hợp tác phát triển và hình thành chuỗi sản xuất thông minh, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, trân trọng cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của UBND tỉnh Quảng Ninh đã tạo điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức Diễn đàn hôm nay.
CƠ HỘI KẾT NỐI HIỆU QUẢ
Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh tại Diễn đàn rằng, chuyển dịch chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ và ngày càng hướng đến công nghệ cao, sản xuất thông minh. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn, là một trung tâm sản xuất mới ở châu Á. Việc chủ động tham gia chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu, tối ưu hóa chuỗi sản xuất và cung ứng là điều thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của các khu công nghiệp.
Với sự phát triển của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, những mô hình truyền thống không còn đáp ứng được và cần phải thay đổi tư duy từ sản xuất đơn lẻ sang phát triển hệ sinh thái liên kết, chia sẻ thông tin và nguồn lực, xây dựng các chuỗi cung ứng thông minh giúp giảm thiểu chi phí, tăng tính linh hoạt và cải thiện chất lượng sản phẩm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện khả năng cạnh tranh công nghiệp, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững.
Trước xu hướng mới và những yêu cầu mới được đặt ra, ông Phạm Đức Ấn cho biết, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, kịp thời ban hành những chủ trương, chính sách nhằm tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cụ thể, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030… Quảng Ninh đang hướng đến mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số để tăng năng suất và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với xu thế mới.
Nhiều công nghệ cao, công nghệ mới, hiện đại đã được các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, qua đó góp phần cải thiện chất lượng tăng trưởng của tỉnh, năng suất lao động nâng lên rõ rệt.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới vào các khu công nghiệp, các dự án đầu tư vào các ngành nghề sản xuất thông minh, hàm lượng tri thức cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, tích cực đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp đi vào hoạt động, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng.
Khẳng định diễn đàn là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các giải pháp thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại các khu công nghiệp tiểu vùng trục cao tốc phía Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn mong muốn, diễn đàn mở cơ hội để các các khu công nghiệp kết nối một cách hiệu quả với chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu, xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, tìm kiếm cơ hội phát triển chung và cùng có lợi, góp phần thúc đẩy hợp tác sản xuất thông minh giữa Việt Nam với các quốc gia sản xuất như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc…
THÊM CƠ CHẾ TẠO ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY CHUỖI CUNG ỨNG
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Lê Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, ngày 28/7/2022, VCCI và 4 tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng - Hải Dương - Hưng Yên đã ký kết Thoả thuận hợp tác kết nối kinh tế cao tốc phía Đông, trong đó, 4 tỉnh, thành phố thống nhất xây dựng liên kết kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nâng cao tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và hình thành cực tăng trưởng trong vùng Đồng bằng sông Hồng…
“Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 19 đã chỉ ra một trong ba khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên, đó là tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số đóng góp tích cực cho tăng trưởng và ngân sách Nhà nước”, ông Huy chia sẻ.
Theo ông Huy, năm 2024, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng (GRDP) năm 2024 trên địa bàn tỉnh ước đạt 7,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi nhanh theo hướng công nghiệp, dịch vụ, trong đó: công nghiệp, xây dựng chiếm 62,65%; dịch vụ chiếm 24,85%. Thu ngân sách đạt 40.114 tỷ đồng, đạt 122,2% so với dự toán, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa đạt 35.814 tỷ đồng, đạt 122,9% dự toán, thu xuất nhập khẩu đạt 4.300 tỷ đồng, đạt 116,2% dự toán.
Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục được cải thiện. Năm 2023, chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hưng Yên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Hưng Yên hiện nay đang dành được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hiện nay trên địa tỉnh đã có trên 2.330 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 23 tỷ USD, trong đó có gần 600 dự án FDI với số vốn đăng ký 7,68 tỷ USD.
Cũng theo ông Huy, Hưng Yên còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế cho việc phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, tỉnh đã quy hoạch phát triển 35 KCN tập trung, với diện tích trên 12.000 ha. Giai đoạn đến năm 2030, quy hoạch phát triển mới 30 KCN, với tổng diện tích: 9.500 ha…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên cho rằng, để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu, thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất công nghệ và hàm lượng giá trị tri thức cao, xanh thông minh, Hội đồng cùng thống nhất một số nội dung như:
Thứ nhất, Thống nhất việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng mức, đồng bộ đảm bảo kết nối thông suốt giữa các địa phương trong trục kinh tế cao tốc phía Đông, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa trong khu vực và thế giới, thúc đẩy hoạt động logistics, hình thành chuỗi cung ứng kịp thời ổn định cho các doanh nghiệp trong trục kinh tế cao tốc phía Đông.
Thứ hai, nhất trí cùng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp bộ ngành Trung ương điều chỉnh một số nội dung về thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật nhằm tháo gỡ cho các địa phương, như: Bổ sung chỉ tiêu đất công nghiệp cho các địa phương, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt và đảm bảo đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh; có chính sách ưu đãi đặc thù đối với các nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất công nghệ và hàm lượng giá trị tri thức cao, xanh thông minh tại các tỉnh, thành nằm trong Trục kinh tế cao tốc phía Đông, nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất, phát triển công nghệ tại các tỉnh trong Trục kinh tế cao tốc phía Đông;
Thứ ba, ủy quyền cho UBND cấp tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án CCN, KCN do cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; phân cấp cho địa phương tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình cấp I và kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình cấp I đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác trong khu công nghiệp và ngoài KCN.
Cùng với đó, kiến nghị VCCI nghiên cứu hỗ trợ các thành viên trong Hội đồng làm cầu nối tiếp cận thông tin các nhà đầu tư lớn, hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao có nhu cầu mở rộng đầu tư, để chủ động tiếp cận, vận động thu hút đầu tư vào địa bàn.
TĂNG TÍNH LINH HOẠT CỦA ĐỊA PHƯƠNG TRONG HÚT ĐẦU TƯ
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhận định, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng vẫn tiếp tục ổn định và phát triển.
Là một trong những địa phương có chất lượng thu hút đầu tư rất cao cả nước ngoài và trong nước chủ yếu tập trung vào các khu công nghiệp, ông Cường cho biết, các khu công nghiệp đều được quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại; chủ đầu tư các khu công nghiệp đều là những đơn vị có năng lực, có kinh nghiệm, có uy tín quốc tế, có tiềm lực tài chính mạnh mẽ như Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C (của Bỉ), Tập đoàn Kinh Bắc (chủ đầu tư Khu công nghiệp Tràng Duệ), Tập đoàn Xuân Cầu, VSIP (của Singapore), Tập đoàn Sao Đỏ (chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ),…
Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp hiện nay đã lên đến 70%, suất đầu tư bình quân trên 1 ha vào khoảng 13 triệu đô la Mỹ, gấp hơn 3 lần suất đầu tư 04 triệu đô la Mỹ/ha bình quân của cả nước.
"Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 04/12/2024 về việc thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích 20.000 ha sẽ tạo động lực, niềm cảm hứng cho các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đến với Hải Phòng, góp phần mở rộng không gian kinh tế của thành phố theo hướng phát triển kinh tế xanh, sinh thái và hiện đại, bám sát xu hướng quốc tế và mục tiêu giảm phát thải nhà kính - Net zero", ông Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhận định, để có thể đón bắt xu hướng dịch chuyển sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam ngày càng được định hình rõ, việc ra quyết định đầu tư tại các tỉnh, thành phố diễn ra trong thời gian rất ngắn dẫn đến việc xử lý, điều hành của từng địa phương trong các lĩnh vực: đầu tư, đất đai, quy hoạch, cung ứng năng lượng, lao động... luôn đòi hỏi phải có tính linh hoạt rất cao để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Do vậy, nhằm phát huy những lợi thế của các địa phương, để khu vực liên kết kinh tế trục cao tốc phía Đông có thể đi trước đón đầu dòng vốn dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã đưa ra 4 đề xuất, bao gồm cần tập trung đầu tư mạnh mẽ cho phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển hệ thống vận tải đa phương thức, tăng chất lượng dịch vụ logistics.
Cùng với đó, ông Cường cho rằng, việc thúc đẩy hình thành trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới, sáng tạo trong khu vực liên kết kinh tế trục cao tốc phía Đông sẽ nâng cao năng lực hấp thụ vốn và khả năng tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng thông minh toàn cầu.
Tính đến thời điểm hiện tại, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng (GRDP) tăng 11,01% so với năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15% so với năm 2023, đạt kế hoạch năm đề ra.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2024 ước đạt trên 116.300 tỷ đồng, vượt trên gần 19% dự toán Trung ương giao, vượt 9% dự toán HĐND TP Hải Phòng giao. Trong đó, thu nội địa đạt trên 48.200 tỷ đồng, vượt trên 28% dự toán Trung ương giao và vượt trên 7% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao.
Đến nay, thành phố Hải Phòng đã thu hút hơn 1.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn là 32,5 tỷ đô la Mỹ của các nhà đầu tư đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến tại các khu công nghiệp và khu kinh tế.
VAI TRÒ CHIẾN LƯỢC CỦA HẢI DƯƠNG
Theo ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, với lợi thế nằm giữa Hải Phòng, Quảng Ninh và Hưng Yên – ba trung tâm kinh tế công nghiệp và logistics trọng điểm, Hải Dương không chỉ là cầu nối về mặt địa lý mà còn là điểm tựa để phát triển chuỗi cung ứng công nghiệp hiện đại. Hạ tầng KCN Hải Dương đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự liên kết giữa các tỉnh thành thuộc trục kinh tế phía Đông.
Theo ông Quân, sự phát triển của các KCN tại Hải Dương không chỉ mang lại những con số ấn tượng về vốn đầu tư FDI và DDI mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế. Từ đầu năm 2024, tỉnh đã thu hút gần 865 triệu USD vốn đầu tư, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập người dân.
Đặc biệt, các dự án FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn đưa công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ thuật hiện đại vào quy trình vận hành, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp trong nước học hỏi và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn cũng góp phần xây dựng mạng lưới vệ tinh công nghiệp, từ cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện đến dịch vụ hậu cần, qua đó thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của toàn bộ chuỗi giá trị.
Mặc dù Hải Dương đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển KCN, nhưng việc chưa thu hút được các dự án công nghiệp quy mô lớn vẫn là điểm yếu cần khắc phục. Theo ông Trần Văn Quân, với lợi thế dư địa và những điều kiện sẵn có thì việc thu hút đầu tư của tỉnh còn hạn chế; trọng tâm là tỉnh chưa thu hút được các dự án lớn và nhà đầu tư có tiềm năng.
Để giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho rằng, tỉnh cần tập trung vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Theo đó, sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ tại các KCN nhằm tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, triển khai các tiêu chuẩn phát triển bền vững, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch và quản lý môi trường chặt chẽ.
Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa Hải Dương và các tỉnh lân cận, đặc biệt trong khung thỏa thuận trục kinh tế phía Đông, sẽ mở ra nhiều cơ hội để tỉnh nâng cao vị thế trong khu vực.
Nhìn chung, hạ tầng khu công nghiệp Hải Dương không chỉ đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển kinh tế địa phương mà còn là mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế trục cao tốc phía Đông. Với những nỗ lực cải thiện hạ tầng, thu hút đầu tư và hướng đến sự phát triển bền vững, Hải Dương đang trên đà trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, xanh và hội nhập, góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng cho toàn vùng.
TIỀM NĂNG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VƯỢT TRỘI
"Tốc độ tăng trưởng kinh tế 4 tỉnh trục cao tốc phía Đông vượt trội trong cả nước nhờ nỗ lực cải cách hành chính và môi trường kinh doanh" - đó là nhấn mạnh của ông Phan Tuấn Ngọc - chuyên gia kinh tế Đại học Fulbright Việt Nam khi trình bày “Báo cáo kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông năm 2024” tại Diễn đàn.
Theo chuyên gia kinh tế Đại học Fulbright Việt Nam, những năm qua, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động song với thế mạnh, 4 tỉnh tiểu vùng trục cao tốc phía Đông (VEHEC) duy trì tăng trưởng ấn tượng, cao hơn mức trung bình cả nước. Đặc biệt là Hải Phòng và Quảng Ninh đạt tăng trưởng ở mức cao từ 11%-12%.
Trong cả nước, tốc độ cải thiện năng suất lao động của khu vực VEHEC cũng được duy trì ở mức cao (trên 10%) trong suốt giai đoạn 2019-2022, thậm chí mức tăng này còn được duy trì qua cả giai đoạn đầy khó khăn của đại dịch COVID -19. Mức tăng cao này một phần nhờ vào lực lượng lao động đã qua đào tạo ở khu vực VEHEC cao hơn so với trung bình cả nước.
Trong bảng xếp hạng PCI, 4 địa phương VEHEC đều nằm trong số 30 tỉnh, thành có điểm PCI cao nhất năm 2023. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu PCI trong 4 năm liên tiếp (2020-2023) khẳng định vị thế là địa phương có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt nhất cả nước. Còn Hải Phòng luôn nằm trong top 3 tỉnh, thành phố dẫn đầu PCI (2021-2023) góp phần củng cố vai trò trung tâm công nghiệp và logistics hàng đầu khu vực.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, qua khảo sát PCI 2023 với 710 doanh nghiệp từ 4 thành viên VEHEC, nhóm nghiên cứu nhận thấy, hơn một nửa doanh nghiệp gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng, vượt qua cả thách thức tìm kiếm khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp gặp thách thức do biến động thị trường và hậu quả COVID-19; các thay đổi đột ngột về chính sách và quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp; thủ tục hành chính cũng là một thách thức đáng kể.
Cùng với những thách thức hiện hữu trên là các thách thức về chuyển đổi xanh - xu hướng mới trên toàn cầu và tại Việt Nam. Theo nhóm nghiên cứu, các địa phương đang đối mặt với thách thức lớn về tài chính và chuyên môn trong lĩnh vực quản trị môi trường; các thị trường quốc tế ngày càng đưa ra tiêu chuẩn môi trường cao. Trong khi đó, chính quyền địa phương dù rất nỗ lực nhưng còn gặp khó khăn trong việc điều chỉnh động lực doanh nghiệp và xây dựng các chính sách phù hợp. Việc thúc đẩy sản xuất bền vững cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ trung ương, không chỉ về quy định mà còn trong việc phối hợp các nguồn lực và thông tin.
Để phát huy tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, ông Phan Tuấn Ngọc đề xuất 3 nội dung với các tỉnh khu vực VEHEC.
Thứ nhất, cải thiện năng lực địa phương. Chính quyền địa phương cần tiếp cận cải thiện chỉ số PGI như với PCI; nghiên cứu kỹ các chỉ số PGI, trao đổi với các tỉnh dẫn đầu và nhóm nghiên cứu PGI; các định các chỉ số thành phần cần cải thiện và xây dựng kế hoạch hành động chi tiết.
Thứ hai, tận dụng hỗ trợ từ trung ương và quốc tế. Chính phủ và các tổ chức quốc tế cần cung cấp tài chính và kỹ thuật giúp địa phương khắc phục hạn chế về nguồn lực và năng lực và thực hiện chuyển đổi xanh hiệu quả hơn.
Thứ ba, thúc đẩy vai trò của thị trường. Người tiêu dùng cần được tuyên truyền để nâng cao nhận thức về sản phẩm thân thiện môi trường, từ đó tạo động lực thị trường mạnh mẽ cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh; khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh bằng cách tạo điều kiện tiếp cận thị trường có tiêu chuẩn môi trường cao hơn.
PHÁT HUY SỨC MẠNH CỘNG HƯỞNG CỦA CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
Phát biểu tại Diễn đàn Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông năm thứ hai liên tiếp với chủ đề “Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian qua có những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế-xã hội, như thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư, trong đó có khu vực FDI; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước; tạo nhiều việc làm…. Đồng thời, các KCN đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, trở thành “cứ điểm” sản xuất quan trọng của thế giới, sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Intel, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn,… Kèm với đó là một loạt các nỗ lực đổi mới chính sách, gắn với tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, kết nối giữa doanh nghiệp có vốn nước ngoài với doanh nghiệp trong nước,…
Trong bối cảnh phát triển đó, theo bà Minh, các KCN ở trục cao tốc phía Đông đã có những thành tựu quan trọng. Bên cạnh những kết quả về thu hút đầu tư và tạo việc làm cho người lao động, việc đẩy mạnh kết nối các khu công nghiệp ở trục cao tốc phía Đông đã đóng góp tích cực vào cải thiện liên kết kinh tế giữa các địa phương. Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng.
Tuy nhiên, TS Trần Thị Hồng Minh nhận định, trong thời gian tới, sự phát triển của các khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông sẽ đối mặt với cả cơ hội và thách thức đan xen. Bối cảnh kinh tế thế giới trong thời gian tới được đánh giá còn khá bất định, phức tạp và khó lường. Một yếu tố nổi lên mà nhiều quốc gia và nhà đầu tư quan tâm là khả năng chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Từ thực tiễn và nghiên cứu, bà Minh cho biết, có một số tư duy đặc biệt quan trọng cần lưu ý trong thời gian tới bao gồm:
Thứ nhất, phát triển KCN nói chung ở trục cao tốc phía Đông phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm khí phát thải, gắn với phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các KCN cần tiếp tục là nơi thuận lợi để xây dựng, thử nghiệm các không gian phát triển mới, trước khi triển khai ở các địa bàn khác trên cả nước.
Cụ thể, bà Minh kiến nghị, các KCN phải đóng góp đáng kể vào chuyển đổi không gian phát triển, áp dụng thí điểm các mô hình KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế, thu hút các dự án sản xuất công nghiệp và dịch vụ công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch.
Thứ hai, bà Minh cho rằng, các KCN ở trục cao tốc phía Đông phải vượt qua hình ảnh truyền thống về một địa điểm sản xuất tập trung, mà phải trở thành một nơi để người lao động gắn bó, để người lao động yên tâm phát triển, cống hiến, và thụ hưởng thành quả lao động.
Theo bà Minh, người lao động sẽ khó có thể học hỏi, cải thiện năng suất nếu khu công nghiệp còn thiếu những hạ tầng bổ trợ, tạo động lực để các KCN cải thiện một cách thực chất trên các phương diện này.
Thứ ba, các KCN ở trục cao tốc phía Đông cũng phải giúp cải thiện đáng kể liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Hiệu quả của khu công nghiệp không chỉ được đánh giá bởi tỷ lệ lấp đầy, quy mô doanh nghiệp, quy mô xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước, v.v., mà còn cần được nhìn nhận ở góc độ liên kết giữa các khu, để tận dụng được lợi thế của các địa phương.
Bà Minh nhận định, tính chất “bền vững” của các KCN không chỉ được phản ánh ở khía cảnh bảo vệ môi trường, giảm phát thải, mà còn là khả năng hợp tác và chia sẻ lợi ích “lâu dài” giữa các doanh nghiệp trong KCN.
Đáng chú ý, từ bình diện rộng hơn, phát triển các khu công nghiệp sẽ khó có thể hiệu quả ở góc độ vùng và quốc gia nếu các khu ở các địa phương lân cận bắt chước nhau một cách máy móc.
Ở góc độ chính sách, ưu tiên không chỉ hướng tới phát triển hạ tầng trong khu công nghiệp, mà cả hạ tầng kết nối giữa các khu công nghiệp. "Nếu giải quyết tốt vấn đề này, các KCN sẽ đóng góp trực tiếp vào cải thiện liên kết giữa các địa phương trong vùng", bà Minh nói.
TƯƠNG LAI CHUỖI CUNG ỨNG SẢN XUẤT THÔNG MINH
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký VCCI, Trưởng ban Pháp chế VCCI khẳng định: Tương lai chuỗi cung ứng sản xuất thông minh "nằm trong tay doanh nghiệp". Các doanh nghiệp, các nhà phát triển khu công nghiệp sẽ có nhiều ý tưởng và kiến nghị từ thực tế.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Tổng Giám đốc ROX iPark khẳng định: ROX iPark có hơn 3000ha trải dài từ Bắc vào Nam cho 14 Khu Công nghiệp (KCN). Tại Trục cao tốc phía Đông, hiện doanh nghiệp có 6 KCN và đã lấp đầy được 4 KCN. Có 2 KCN doanh nghiệp đang tiển khai là KCN Minh Quang ở Hưng Yên và KCN Gia Lộc ở Hải Dương.
Với 14 KCN hiện có, doanh nghiệp đã thu hút về hơn 5 tỷ USD từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việc nhanh chóng chuyển đổi xanh của doanh nghiệp đi theo xu hướng của thế giới và đáp ứng được các tiêu chí của khách hàng là các doanh nghiệp FDI nhằm hướng tới chung tay triển khai chiến lược xanh hóa quốc gia. Khách hàng chính của doanh nghiệp hiện nay là các doanh nghiệp FDI thực hiện xuất khẩu lớn, nên nhu cầu xanh và thông minh là thiết yếu. Do đó, nên việc xử lý cũng như tiết kiệm và tận dụng các phế thải đầu ra để đảm bảo môi trường là mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp với những hoạt động thiết thực như thu gom xử lý nước thải, rác thải,... để tái sử dụng nhằm tiết kiệm chi phí, phục vụ chính cho các hoạt động trong KCN như rửa đường, tưới cây,…
Để thực hiện được việc này, doanh nghiệp đã vận dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, cụ thể là phần mềm về KCN thông minh… cùng với đó là hệ thống cảm biến, cũng như camera để phối hợp cùng với phần mềm KCN thông minh. Về hệ thống điện, doanh nghiệp đã triển khai lắp đặt toàn KCN hệ thống điện thông minh, tiết kiệm nhiên liệu… hướng tới tích hợp hệ thống đèn năng lượng mặt trời, phối hợp với các nhà đầu tư để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trong KCN.
Để có thể đầu tư được các KCN xanh, thông minh thì vấn đề tài chính, con người đóng vai trò quan trọng. Do vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp, cần có chính sách vốn linh hoạt hơn… để giúp các doanh nghiệp phát triển theo các công nghệ xanh, công nghệ thông minh.
Ấn F5 để tiếp tục cập nhật...