Từ khi Trung Quốc triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một số quốc gia đã “dính bẫy nợ” của Trung Quốc, nhiều quốc gia tẩy chay sáng kiến này, buộc Trung Quốc phải đổi mới sáng kiến.
Phóng viên DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, xung quanh vấn đề này.
- Các nhà phê bình gọi sáng kiến BRI là “ngoại giao bẫy nợ” bởi sáng kiến này khiến nhiều quốc gia mất quyền kiểm soát các dự án của mình khi không trả được nợ cho Trung Quốc. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo nghiên cứu dựa trên số liệu do Trung Quốc cung cấp, điều đáng lo ngại nhất không phải là số nợ phải trả của một quốc gia trong sáng kiến này, mà số nợ không trả được cho Trung Quốc trong tổng nợ nước ngoài không trả được của quốc gia đó ngày càng tăng rất nhanh. Ví dụ như Ethiopia, Congo… có tỷ lệ nợ không thể trả của Trung Quốc lên đến 80%, các khoản không thể trả nợ nước ngoài tăng 100- 200%.
Có nhiều nguyên nhân cơ bản khiến các dự án của Trung Quốc dễ đẩy các nước rơi vào rủi ro “bẫy nợ”.
Thứ nhất, Trung Quốc thường xuyên đề xuất cho vay và khuyên các nước đầu tư vào các dự án có quy mô khổng lồ, vượt quá nhu cầu thực tế của họ. Myanmar là một trường hợp điển hình khi đàm phán và được Trung Quốc chấp thuận việc thu hẹp quy mô dự án cảng Kyaukphyu, giảm số tiền từ 7,3 tỉ USD xuống còn 1,3 tỉ USD.
Thứ hai, các dự án cảng biển chiến lược thuộc sáng kiến BRI có hiệu quả kinh tế kém, thậm chí có nguy cơ phá sản. Chẳng hạn như cảng Hambantota của Sri Lanka triển khai không hiệu quả đã khiến nước này phải bán 85% cổ phần cảng cho Trung Quốc với giá khoảng 1,1 tỷ USD.
Thứ ba, quốc tế gọi đó là “bẫy nợ” bởi kèm theo đồng vốn cho vay là hợp đồng thi công, cung cấp thiết bị, nhân công. Đến lúc đó, lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm... cũng chẳng có nghĩa lý gì nếu so với mức đội vốn 70- 80%. Tổng số nợ sau khi cộng các khoản phí sẽ đội giá lên gấp 3 lần so với con số vay vốn ban đầu.
Thứ tư, các quốc gia tham gia sáng kiến BRI đều có năng lực tài chính thấp và tỷ lệ nợ cao, khó có cơ hội được chấp thuận cho vay bởi các quốc gia có định chế phát triển. Trung Quốc thời gian đầu dường như không quan tâm đến điều này.
Thứ năm, Trung Quốc không phải là thành viên của Câu lạc bộ Paris, không tuân theo các yêu cầu về kiểm toán, báo cáo tài chính giống như các nước chủ nợ chủ chốt của thế giới. Điều đó khiến việc cho vay dễ dàng hơn, nhưng cũng đồng thời khó khăn hơn cho việc trả nợ khi các quốc gia đó không phải tuân theo những tiêu chuẩn tài chính ngặt nghèo.
- Mặt trái của sáng kiến BRI và tham vọng của Trung Quốc được thể hiện ở những khía cạnh nào, thưa ông?
Bên cạnh chỉ trích về “bẫy nợ”, mặt trái của sáng kiến BRI còn được cảnh báo với những cái bẫy khác. Theo đó, những dự án mà Trung Quốc đổ tiền cho vay để xây dựng được đánh giá không có hiệu quả kinh tế, thể hiện qua “bẫy nợ” lớn; không có tính bền vững, thể hiện ở những vấn đề về tham nhũng, môi trường; và không phát triển ở mức độ cao như kỳ vọng của các quốc gia vay vốn, chẳng hạn như dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Do đó, giới chuyên gia thường cảnh báo các quốc gia khi xem xét các dự án trong khuôn khổ sáng kiến BRI, cần quan tâm đến tính không hiệu quả kinh tế và đặc biệt phát triển dự án trong dài hạn.
- Thưa ông, với những chỉ trích nặng nề từ quốc tế như vậy, Trung Quốc đã có những thay đổi cải thiện chính sách, quy tắc và tiêu chuẩn của sáng kiến BRI ra sao?
Với nạn tham nhũng quá mức, đầu tư xấu và đầu tư mù quáng, sáng kiến BRI đã đi vào con đường đi ngược lại với ý định ban đầu của Bắc Kinh. Trung Quốc ngay lập tức đã có nhiều điều chỉnh căn bản cho sáng kiến này.
Đầu tiên, Trung Quốc khoanh vùng không đầu tư dàn trải và thu hẹp quy mô đầu tư của các dự án.
Thứ hai, đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ điều chỉnh và quan tâm vấn đề minh bạch, nâng cao năng lực quản trị cho mỗi dự án trong sáng kiến BRI.
Thứ ba, sáng kiến này điều chỉnh, xem xét về tính bền vững và vấn đề môi trường của mỗi dự án, thay vì chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đã ban hành danh sách “đầu tư xanh” với hàm ý Trung Quốc sẽ gắn các tiêu chuẩn cao hơn về vấn đề môi trường cũng như tham vấn xã hội tại các nước được nhận dự án. Tuy nhiên, thay đổi lớn này không đảm bảo Trung Quốc có thông qua bên thứ 3 để gián tiếp đầu tư vào những dự án không thân thiện môi trường hay không.
Cuối cùng là sự chuyển hướng sang con đường tơ lụa mới để tránh những chỉ trích trực diện từ các quốc gia khác. Trung Quốc chuyển hướng sang lĩnh vực khác như Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR), đi vào thị trường thế hệ mới hay Con đường tơ lụa về y tế (HSR) trong bối cảnh đại dịch đang mở ra nhiều cơ hội để Trung Quốc thâm nhập và xây dựng chuỗi cung ứng y tế của mình ở phạm vi toàn cầu.
Việt Nam cần thận trọng với sáng kiến BRI
Việt Nam đã hết sức thận trọng và cân nhắc về mặt chiến lược để đến năm 2017, hai nước mới ký Bản ghi nhớ cấp Chính phủ về thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến BRI của Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi thế về vị trí địa lý để trở thành cầu nối kinh tế của Việt Nam đã không được tận dụng bởi bất lợi về chủ quyền, về lợi ích cốt lõi của quốc gia vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Mặc dù hai quốc gia đã có nhiều cuộc xúc tiến trao đổi ngoại giao từ năm 2014 đến nay, nhưng sự thiếu vắng niềm tin chiến lược sẽ cản trở Việt Nam hòa mình với sáng kiến BRI. Đặc biệt, trong bối cảnh rất nhiều dự án trong sáng kiến BRI ở Campuchia đã trở thành dự án phục vụ mục đích quân sự, đe dọa đến mục đích cốt lõi của Việt Nam.
Việt Nam nên dè dặt và hạn chế tham gia sâu rộng vào sáng kiến BRI.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 26/06/2021
05:30, 14/06/2021
11:00, 06/06/2021
06:00, 24/04/2021