3 điều rút ra từ thượng đỉnh Vành đai và Con đường 2023

TRƯỜNG ĐẶNG 22/10/2023 03:30

Sự quan tâm toàn cầu tới BRI có thể giảm, nhưng Trung Quốc vẫn thấy những tia sáng từ sự ủng hộ của các nước Nam bán cầu trong việc xây dựng một đối trọng với Mỹ.

Thượng đỉnh BRI đã diễn ra tại Bắc Kinh từ 17-18/10/2023

Thượng đỉnh BRI đã diễn ra tại Bắc Kinh từ 17-18/10/2023

Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường (BRI) lần thứ ba vừa diễn ra tại Bắc Kinh, trở thành nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổng kết về những thành tựu đạt được 10 năm qua, cũng như giới thiệu các cam kết chính sách mới cho thập kỷ tiếp theo.

Theo giới quan sát, nhìn từ những gì đang diễn ra tại hội nghị, BRI hé lộ những thực tế có thể rất khác so với những gì truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra.

Dấu hỏi về hiệu quả của BRI sau 10 năm

Uy tín của BRI đã giảm sút dần theo năm tháng, được thể hiện rõ nhất ở con số các nguyên thủ tham gia thượng đỉnh lần này. Năm 2017, lãnh đạo của 29 quốc gia đã tới Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường đầu tiên, con số này đã tăng lên 37 tại sự kiện lần thứ hai vào năm 2019. Tuy nhiên, tuần này chỉ có 23 nguyên thủ quốc gia và chính phủ tham dự Diễn đàn BRI lần thứ ba.

>>BRI hay 3 sáng kiến mới sẽ định hình chiến lược toàn cầu của Trung Quốc?

Đối với giới ngoại giao, sự có mặt của các lãnh đạo cấp cao gửi đi một tín hiệu ủng hộ quan trọng mà Trung Quốc muốn tận dụng để tiếp tục thúc đẩy BRI. Sự sụt giảm về số lượng cho thấy sự nhiệt tình đối với BRI đã suy giảm khi các dự án lớn gặp khó khăn, các quốc gia cũng cẩn trọng hơn với khả năng gánh thêm nợ từ Trung Quốc và sự sẵn sàng cho vay của bản thân Trung Quốc cũng đã giảm đi.

Sách trắng đầu tiên của Trung Quốc về BRI, được công bố ngay trước diễn đàn tuần này, cho biết Bắc Kinh đã “ký hơn 200 thỏa thuận hợp tác BRI với hơn 150 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế trên khắp năm châu lục”.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải quốc gia nào ký biên bản ghi nhớ cũng tham gia vào các dự án BRI. Thậm chí, việc tham gia BRI cũng không đảm bảo một quốc gia sẽ nhận được ưu đãi từ các ngân hàng Trung Quốc, như kinh nghiệm của Italia đã chứng minh.

>>Định hướng mới của Trung Quốc về sáng kiến Vành đai và Con đường

Bên cạnh đó, các quốc gia đã dần thực sự thấy được tính hiệu quả trong các khoản cho vay của Trung Quốc dành cho cơ sở hạ tầng dưới biểu ngữ BRI. Không chỉ nhiều dự án gặp phải vấn đề nghiêm trọng, mà bản thân nhiều quốc gia đang phát triển cũng đang chật vật để thanh toán các khoản nợ cho Trung Quốc, cũng như đối mặt với nhiều bất ổn xã hội khác có liên quan.

Cán cân ba bên

Sự liên kết ngày càng chặt chẽ của Trung Quốc với Nga, và đổi lại là sự kết nối thêm phần lỏng lẻo giữa Bắc Kinh và phương Tây.

Trong khi quan hệ với châu Âu thêm phần xa lánh, liên kết giữa Trung Quốc với Nga càng thêm bền chặt

Trong khi quan hệ với châu Âu thêm phần xa lánh, liên kết giữa Trung Quốc với Nga càng thêm bền chặt

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự cả ba diễn đàn BRI. Trong bức ảnh chụp toàn bộ các nhà lãnh đạo tham dự sự kiện năm nay, ông Putin đứng cạnh ông Tập ở hàng ghế đầu, một minh chứng cho sự liên kết ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Moscow.

Ngược lại, các nước Tây Âu gần như thống nhất trong việc bỏ qua sự kiện này. Trong khi các nhà lãnh đạo Cộng hòa Séc, Hy Lạp và Italy đã tham dự hai diễn đàn đầu tiên, họ đã không đến Bắc Kinh năm nay. Lãnh đạo duy nhất của một quốc gia thành viên EU đến Trung Quốc là Thủ tướng Hungary ông Viktor Orban – vốn thường nổi tiếng là một "trở ngại" trong thống nhất chính sách của EU.

Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá Trung Quốc phần lớn đã thất bại trong việc đưa BRI xâm nhập vào Tây Âu và sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo châu Âu tại diễn đàn năm nay làm nổi bật sự hoài nghi ngày càng tăng của châu Âu đối với Bắc Kinh.

Ảnh hưởng với Nam bán cầu vẫn lớn

Sự tham gia mạnh mẽ từ các nước phía Nam bán cầu cho thấy nơi mà BRI vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ. Đáng chú ý nhất là các nhà lãnh đạo Pakistan, Indonesia và Sri Lanka - hai nước bỏ qua diễn đàn 2019 - đã tham dự chương trình năm nay ở Bắc Kinh.

Bởi vậy, cùng với dư âm của thượng đỉnh BRICS vừa qua - nơi nhấn mạnh vào sự mở rộng thành viên, sự quan tâm của các nước Nam bán cầu lần này cho Bắc Kinh thấy đâu sẽ là nơi họ có thể ưu tiên tập trung nhiều hơn trong những năm tới.

Dù BRI có thể gặp khó khăn trong thập kỷ đầu tiên, nhưng sẽ khó có chuyện sáng kiến này bị ông Tập Cận Bình bỏ quên, nhất là khi Trung Quốc đã đưa ra nhiều định hướng mới để làm mới BRI tại Diễn đàn năm nay.

Các chuyên gia vẫn thấy BRI là một công cụ quan trọng để chính quyền Trung Quốc nâng cao sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với Hoa Kỳ. Do đó, giá trị của BRI đối với Bắc Kinh cũng sẽ không thể suy giảm.

Có thể bạn quan tâm

  • Cách tiếp cận mới của Trung Quốc trong sáng kiến BRI

    Cách tiếp cận mới của Trung Quốc trong sáng kiến BRI

    03:30, 18/10/2023

  • Quảng Ninh: Thúc đẩy hợp tác với thành phố Phòng Thành Cảng (Trung Quốc)

    Quảng Ninh: Thúc đẩy hợp tác với thành phố Phòng Thành Cảng (Trung Quốc)

    08:59, 16/10/2023

  • Nhìn lại 10 năm BRI: Vì sao Trung Quốc thúc đẩy Con đường Tơ lụa kỹ thuật số?

    Nhìn lại 10 năm BRI: Vì sao Trung Quốc thúc đẩy Con đường Tơ lụa kỹ thuật số?

    04:30, 16/10/2023

  • Nhìn lại 10 năm BRI: Trung Quốc có

    Nhìn lại 10 năm BRI: Trung Quốc có "bước đi" mới

    03:30, 14/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
3 điều rút ra từ thượng đỉnh Vành đai và Con đường 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO