Trung Quốc có điều khiển cuộc chơi mang tên "Tiêu chuẩn toàn cầu cho 5G"?

An Chi 29/07/2020 13:19

Trung Quốc đang từng bước trở thành một trung tâm trong việc thiết lập các quy tắc quốc tế đối với các nền công nghệ mới nổi, đặc biệt là công nghệ 5G.

Trung Quốc đang từng bước trở thành một trung tâm trong việc thiết lập các quy tắc quốc tế đối với các nền công nghệ mới nổi, đặc biệt là công nghệ 5G. Đây được như một phần trong những nỗ lực mang tầm quốc gia của Trung Quốc nhằm định hình sân chơi theo hướng có lợi cho quốc gia mình.

Huawei Technologies của Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu các bằng sáng chế 5G tiêu chuẩn

Huawei Technologies của Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu các bằng sáng chế 5G tiêu chuẩn

Trung Quốc được cho là đang soạn thảo một chiến lược trung hạn có tên là "Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035", bổ sung cho kế hoạch hiện đại hóa công nghiệp "Made in China 2025", và tập trung vào phát triển các lĩnh vực như 5G và trí tuệ nhân tạo AI. 

Năm 2019, Trung Quốc đã đệ trình 830 tài liệu kỹ thuật liên quan đến thông số kỹ thuật truyền thông có dây cho Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Những tài liệu này làm cơ sở cho việc cân nhắc các tiêu chuẩn mới, và quốc gia nào đệ trình nhiều giấy tờ tài liệu hơn có nghĩa là quốc gia đó có tiếng nói hơn.

Trung Quốc là nước đóng góp lớn thứ năm vào ngân sách của ITU. Tổng thư ký của ITU – ông Zhao Houlin (quốc tịch Trung Quốc), trước đây đã tham gia vào việc phát triển các tiêu chuẩn viễn thông của Bắc Kinh và đã cam kết tăng cường hợp tác với sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Ngoài lĩnh vực viễn thông, kể từ năm 2014 tới nay, Trung Quốc đứng sau 16 trong số 65 đề xuất liên quan tới các tiêu chuẩn kỹ thuật mới được gửi tới Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC). Trên thực tế, khi nhận được các đề xuất này, các ủy ban này sẽ làm việc trực tiếp với giới chức lãnh đạo của các quốc gia đưa ra đề xuất để bàn bạc và thông qua dự thảo thông số kỹ thuật cho các lĩnh vực cụ thể. Chưa kể đến, Trung Quốc sẽ có nhiều thuận lợi hơn rất nhiều khi Tân Chủ tịch của IEC – người vừa nhận chức vào tháng 1 vừa qua là người Trung Quốc – ông Shu Yinbiao.

Trước viễn cảnh Trung Quốc thiết lập các quy tắc công nghệ mới, Mỹ đã “bật công tắc” sang chế độ cảnh giác, và làm hết sức mình nhằm tách các công ty công nghệ Trung Quốc khỏi doanh nghiệp Mỹ. Washington năm ngoái về cơ bản đã ra lệnh cho các công ty Mỹ ngừng hợp tác với Huawei Technologies vì lý do bảo mật. 

Trong khi đó, Vương quốc Anh và Pháp cũng đã bắt đầu thực hiện một loạt các đường lối cứng rắn với Huawei. Thế nhưng, những động thái như vậy không thể loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Trung Quốc trong việc phát triển mạng 5G.

Theo Viện Sáng tạo Cyber có trụ sở tại Tokyo, Huawei là nhà cung cấp hàng đầu các bằng sáng chế cần thiết liên quan tới mạng 5G. Hãng này cũng đưa ra những đóng góp cả về tài chính lẫn công nghệ liên quan đến 5G cho 3GPP - một tổ chức quốc tế chuyên phát triển các tiêu chuẩn viễn thông. Và những ảnh hưởng của Huawei tới 3GPP đã vượt xa các đối thủ đến từ châu Âu hay Qualcomm có trụ sở tại Mỹ.

"Đầu tiên Trung Quốc sẽ biến các tiêu chuẩn nội địa của mình thành các tiêu chuẩn quốc tế, sau đó sẽ xuất khẩu các hệ thống hoàn chỉnh của Trung Quốc đáp ứng các thông số kỹ thuật đó – ông Akira Amari, người đứng đầu hội đồng thuế của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản và là người có tiếng nói chính trong công tác hoạch định chính sách công nghiệp Nhật Bản nhận định.

Ở một diễn biến khác, vào tháng 2 vừa qua, Huawei đã đệ đơn kiện lên Tòa án Quận Hoa Kỳ ở các Quận phía Đông và Tây Texas về những cáo buộc Verizon vi phạm sáng chế. Phía Huawei yêu cầu được bồi thường từ việc Verizon sử dụng công nghệ đã được cấp bằng sáng chế được bảo vệ bởi 12 bằng sáng chế đã được đăng ký tại Mỹ của Huawei.

"Các sản phẩm và dịch vụ của Verizon đã được hưởng lợi từ công nghệ được cấp bằng sáng chế mà Huawei đã phát triển qua nhiều năm nghiên cứu và phát triển", Tiến sĩ Song Liuping, Giám đốc Pháp lý của Huawei cho biết.

Bình luận về vấn đề này, một luật sư thành thạo trong các vấn đề sở hữu trí tuệ cho biết: "Ngay cả khi Huawei bị gạt ra ngoài lề trong việc phát triển mạng 5G, sẽ có lúc các công ty phải trả tiền bản quyền cho việc sử dụng các bằng sáng chế của hãng này, vốn đã trở thành một phần của tiêu chuẩn ngành”.

Mỹ đưa ra quy tắc mới có thể hợp tác phát triển mạng 5G với Huawei.

Mỹ đưa ra quy tắc mới có thể hợp tác phát triển mạng 5G với Huawei.

Thậm chí, Trung Quốc có thể sử dụng ảnh hưởng của mình trong các tiêu chuẩn để làm suy yếu các biện pháp trừng phạt kinh tế. Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã có một động thái gây bất ngờ khi cho phép các công ty của Mỹ được phép trao đổi thông tin kỹ thuật với Huawei trong bối cảnh phát triển thông số kỹ thuật 5G, do những lo ngại rằng Mỹ có thể bị loại khỏi quy trình.

Nếu Trung Quốc nắm bắt thành công sáng kiến phát triển tiêu chuẩn, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đạt được lợi thế trong việc phát triển chip và phần mềm cho điện thoại tương thích 5G, có khả năng tăng cường khả năng cạnh tranh của quốc gia trong các lĩnh vực quan trọng hơn là việc chỉ lắp ráp thiết bị. Và chính điều này sẽ tạo ra một rào cản khác cho chiến lược của Mỹ trong việc kiềm chế ảnh hưởng công nghệ của Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc có điều khiển cuộc chơi mang tên "Tiêu chuẩn toàn cầu cho 5G"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO