Kinh tế thế giới

Trung Quốc có những lợi thế nào tại Đông Nam Á?

Cẩm Anh 29/09/2024 11:06

Các dự án cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á có thể giúp Trung Quốc nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

untitled.jpg
Nhà ga Tegalluar ở Bandung, Indonesia, một phần của tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, là một dự án mang tính bước ngoặt trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Đông Nam Á đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các quyết định đầu tư và ngoại giao của Trung Quốc, đặc biệt là khi sự cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gay gắt.

Theo các chuyên gia, Bắc Kinh đang sử dụng cơ sở hạ tầng để tạo nên mối liên kết chặt chẽ hơn với khu vực này. Điều này có khả năng mang lại cho Bắc Kinh lợi thế địa chính trị so với Washington tại một khu vực quan trọng.

Trong khi đó, Jakarta và Bắc Kinh đã bắt đầu thảo luận về việc mở rộng tuyến đường sắt cao tốc do Trung Quốc hậu thuẫn tại Indonesia.

Theo ông Nian Peng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á (RCAS) tại Hồng Kông, có một xu hướng gia tăng nhanh chóng trong việc kết nối hạ tầng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á.

Nhắc đến những phát triển trên các tuyến đường đến Việt Nam và Thái Lan, ông Nian Peng cho biết các tuyến đường sắt liên kết giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á đã nở rộ ở nhiều địa điểm. Ông cũng dự đoán rằng điều này có thể giúp Bắc Kinh chống lại nguy cơ Mỹ đưa các nước Đông Nam Á vào quỹ đạo của mình và gây sức ép buộc họ tách khỏi nền kinh tế Trung Quốc.

"Nếu hai bên có thể đạt được sự kết nối liền mạch về cơ sở hạ tầng trên đất liền, bao gồm cả đường cao tốc, đường sắt và hàng không, điều này có thể đưa Đông Nam Á vào chuỗi cung ứng tập trung vào Trung Quốc", ông Nian Peng nói.

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng Mỹ và Nhật Bản khó có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu đang ngày một tăng cao về cơ sở hạ tầng của khu vực Đông Nam Á do hạn chế về tài trợ và cơ chế ra quyết định, để lại nhiều không gian cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Li Mingjiang, Phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết những động thái gần đây trong hợp tác cơ sở hạ tầng Trung Quốc-Đông Nam Á là một sự tiếp nối, chứ không phải là sự tăng tốc hay giai đoạn mới.

Ông Li Mingjiang lưu ý rằng không có bước nhảy vọt về số lượng hoặc chất lượng so với các dự án trước đó trong thập kỷ qua. Mặc dù vậy, ông Li Mingjiang cho biết, Đông Nam Á là một ưu tiên trong hợp tác hạ tầng của Trung Quốc.

1000x-1.jpg
Một dự án hạ tầng do Trung Quốc đầu tư tại Battambang, Campuchia

Đồng thời, ông Li Mingjiang cũng nói thêm sự hợp tác kinh tế trong ba thập kỷ qua đã giúp Bắc Kinh chiếm vị trí dẫn đầu so với Washington trong khu vực về tầm ảnh hưởng tổng thể. "Chúng ta có thể mong đợi những tác động như vậy có thể tiếp tục trong tương lai", ông Li nói.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng tăng sẽ có lợi cho mối quan hệ của Trung Quốc với các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và giúp Trung Quốc cạnh tranh giành ảnh hưởng với các cường quốc khác trong khu vực.

"Các nước Đông Nam Á cũng sẽ đạt được nhiều lợi ích, chẳng hạn như đối với sự phát triển kinh tế lâu dài của họ", ông Li Mingjiang nhận định.

Bốn năm trước, khối ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đã là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN trong 15 năm liên tiếp.

Tính theo đô la Mỹ, xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN trong 8 tháng đầu năm 2024 đã tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu từ khối này tăng 3,5%, theo dữ liệu hải quan mới nhất của Trung Quốc.

Số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào ASEAN đã tăng gần 37% trong quý 1/2024.

Nhiều công ty Trung Quốc đã bắt đầu chuyển hướng các lô hàng của họ đến phần còn lại của thế giới thông qua các nước Đông Nam Á hoặc di dời một phần sản xuất đến khu vực này để tránh các biện pháp thuế quan do Mỹ và các đồng minh áp đặt.

Các nước ASEAN có dân số gần 700 triệu người, đồng nghĩa với việc khu vực này sở hữu lực lượng lao động khổng lồ và một thị trường tiêu dùng lớn mà Trung Quốc có thể khai thác.

Mặc dù Trung Quốc đã trở thành đối tác tài trợ cơ sở hạ tầng lớn nhất Đông Nam Á, nhưng theo một nghiên cứu của Viện Lowy, một nhóm nghiên cứu của Australia, ước tính 50 tỷ đô la Mỹ mà Bắc Kinh cam kết tài trợ cho khu vực này vẫn chưa được thực hiện.

Wang Qin, Giáo sư tại khoa quan hệ quốc tế thuộc Đại học Hạ Môn, cho biết nhiều dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư ở Đông Nam Á không diễn ra suôn sẻ, một phần là do các vấn đề như bất ổn chính trị và vấn đề thu hồi đất ở các quốc gia tiếp nhận.

"Khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phục hồi, Trung Quốc có thể sẽ thận trọng hơn khi đầu tư vào các dự án tốn kém trên khắp khu vực Đông Nam Á trong tương lai", ông nói.

HIện nay, các quốc gia Đông Nam Á đang đa dạng hóa các đối tác thương mại, đầu tư trong nước và hợp tác công nghiệp để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc có những lợi thế nào tại Đông Nam Á?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO